Thêm Nhiều Dự Án Phát Triển Thủy Sản
Với mục tiêu thúc đẩy ngành thủy sản phát triển, nhân rộng giống cá đặc sản trên địa bàn, gần đây tỉnh ta đã đầu tư nhiều chương trình dự án nuôi trồng thủy sản, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người nông dân..
Theo Chi cục Thủy sản, trong năm 2012 - 2013 tỉnh ta đã triển khai một số chương trình, dự án phát triển nghề thủy sản, như: Mô hình ương nuôi cá giống tại 2 huyện Lâm Bình, Chiêm Hóa; mô hình nuôi cá Lăng chấm thương phẩm trong ao tại huyện Yên Sơn.
Huyện Yên Sơn có diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản 607 ha, trong đó ao hồ nhỏ 427 ha, hồ thủy lợi 180 ha. Năm 2013, Chi cục Thủy sản đã lựa chọn cá Lăng chấm làm đối tượng nuôi thử nghiệm trong ao tại xã Nhữ Khê và trại cá Hoàng Khai. Đây là loại cá có giá trị kinh tế cao. Hiện cá Lăng chấm được bán với giá từ 300.000 - 500.000đ/kg.
Để đảm bảo dự án thành công, Chi cục đã triển khai tập huấn quy trình kỹ thuật cho các hộ nông dân tham gia, như: Diện tích ao tối thiểu từ 500 m2 trở lên, độ sâu từ 1,4 - 1,5 m, bùn đáy 25 cm, bờ ao chắc chắn, gần nguồn nước sạch không bị ô nhiễm, chủ động cấp thoát, ao nuôi quang đãng, không cớm rợp, không bị lụt bão ảnh hưởng. Thực hiện tốt công tác khử trùng để chuẩn bị ao nuôi và phòng bệnh cho cá.
Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Nguyễn Thị Vĩnh An cho biết, mục tiêu của đơn vị là sau 9 tháng nuôi, tỷ lệ sống đạt lớn hơn hoặc bằng 80%; cỡ cá khi thu hoạch bình quân là 1 kg/con, năng suất dự kiến đạt 4 tấn/ha. Với những ưu điểm như thịt trắng, chất lượng thịt thơm ngon, không có xương dăm thì trong tương lai, khi cá Lăng chấm trở thành sản phẩm hàng hóa sẽ đáp ứng được yêu cầu về “thực phẩm ngon, sạch” ngày càng tăng của thị trường trong nước và còn có thể là một trong những đối tượng xuất khẩu quan trọng trong tương lai.
Cũng trong những tháng đầu năm 2013, Chi cục Thủy sản đã triển khai mô hình nuôi cá rô đồng đầu vuông thương phẩm trong ao với quy mô 1,6 ha. Mô hình được thực hiện tại xã Phú Thịnh (Yên Sơn) với 30 hộ tham gia. Cùng thời gian này, Chi cục đã triển khai mô hình ương nuôi cá giống tại xã Lăng Can (Lâm Bình), Tân Mỹ (Chiêm Hóa) với 16 hộ dân tham gia, quy mô khoảng 1,6 ha, với số lượng 40 vạn con, gồm trắm cỏ 40%, cá trôi mrigal 25%, cá chép lai V1 15%, cá rô phi đơn tính 20%. Đến nay, toàn bộ số lượng cá của cả 2 mô hình này đều sinh trưởng phát triển tốt.
Các dự án thực hiện thành công sẽ giải quyết được nguồn lao động sẵn có trong dân, tận dụng điều kiện về môi trường tự nhiên của địa phương, qua đó từng bước hình thành các cơ sở sản xuất thủy sản thâm canh cao, cung cấp nguồn thực phẩm tươi sống chủ động cho nhân dân trong xã và nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho nhân dân trong xã.
Có thể bạn quan tâm
Nắng nóng kéo dài trong mấy tháng qua đã làm cho nguồn nước tại các hồ chứa trên địa bàn tỉnh giảm mạnh. Trước tình hình này, ngành chức năng và chính quyền các địa phương đã và đang triển khai nhiều biện pháp chống hạn cho cây trồng vụ Hè Thu (HT), cũng như cung cấp nước sinh hoạt cho người và gia súc.
Biến đổi khí hậu được các nhà khoa học đánh giá sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thủy sản, nghề cá và cộng đồng ngư dân. Trong đó nhiệt độ trái đất tăng khiến lượng mưa thay đổi, mực nước biển dâng sẽ khiến cả sản lượng đánh bắt và nuôi trồng bị ảnh hưởng rất nhiều. Việc đánh bắt sẽ ảnh hưởng do mật độ bão dày đặc và cường độ lớn hơn.
Ngày 3/6, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sửa đổi một số bất cập trong Nghị định 36 về nuôi, chế biến xuất khẩu cá tra vừa ban hành; đồng thời lùi thời gian bắt đầu thực hiện đến 1/7/2015, thay vì từ 20/6 năm nay.
Theo UBND huyện Krông Nô, hàng năm, địa phương có trên 2.700 ha lúa nước vụ hè thu, 1.795 ha lúa nước vụ đông xuân và hơn 1.900 ha ngô. Những năm gần đây, việc đẩy mạnh đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp đã đưa lại những hiệu quả kinh tế lớn.
Để giúp nông dân phòng chống bệnh rệp sáp tấn công, ngành Nông nghiệp huyện Chư Jút đã phối hợp với các ngành chức năng và các địa phương hướng dẫn nông dân mua các loại thuốc đặc trị rệp sáp về phun và khuyến cáo nông dân nên tiến hành cắt và tiêu hủy những cành, chùm quả đã bị khô nhằm hạn chế sự phát triển của rệp sáp.