Trang chủ / Tin tức / Tin thủy sản

Thấy nghề này hái ra tiền, nông dân cấp tập đi học nuôi tôm

Thấy nghề này hái ra tiền, nông dân cấp tập đi học nuôi tôm
Tác giả: Trần Cửu Long
Ngày đăng: 23/04/2019

Xác định con tôm nước lợ là vật nuôi chủ lực, ngành nông nghiệp TP.HCM đang đẩy nhanh việc “chuẩn hóa” kiến thức cũng như chuyển giao kỹ thuật công nghệ cao cho người nuôi tôm, nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm.

Nông dân nuôi tôm ở xã Hiệp Phước (Nhà Bè) dọn ao chuẩn bị thả nuôi tôm mới.  Ảnh: C.L

Năm 2019, ngành nông nghiệp thành phố đã đặt ra mục tiêu tiếp tục thực hiện tái cơ cấu mạnh mẽ nông nghiệp đô thị gắn với xây dựng nông thôn mới; duy trì, mở rộng và thúc đẩy hỗ trợ các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, trong đó có tôm nước lợ. 

“Chuẩn hóa”…

Những năm gần đây, mô hình nuôi tôm thâm canh 2 giai đoạn (ương, nuôi) ứng dụng công nghệ cao (sử dụng lưới che, bạt trải đáy, hệ thống sục khí, làm sạch ao…) được nhiều hộ nông dân các huyện Cần Giờ, Nhà Bè phát triển.

Theo ông Trần Quang Vinh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hiệp Phước (Nhà Bè), ngoài nông dân địa phương, một số người từ nơi khác đến cũng đầu tư mô hình nuôi tôm công nghệ cao. Hiện trên địa bàn, có khoảng chục hộ nuôi tôm công nghệ cao với 50 - 60ha ao.

Ông Võ Phương Tùng - cán bộ Trạm thủy sản An Nghĩa (Cần Giờ) cho biết, để hỗ trợ nông dân nuôi tôm công nghệ cao, thời gian qua, ngành nông nghiệp, nông thôn thành phố và địa phương đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao, đưa nông dân nuôi tôm đi học tập kinh nghiệm nuôi tôm công nghệ cao trong nước… nhằm “chuẩn hóa” kiến thức nuôi tôm cho nông dân… “Xác định con tôm là vật nuôi chủ lực, thành phố tổ chức đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho mục tiêu này” - ông Tùng nói.

Cũng theo ông Tùng, nông dân nuôi tôm của thành phố được chia thành 2 đối tượng để “chuẩn hóa”. Đối với nông dân nuôi tôm bình thường sẽ có những khóa tập huấn nâng cao kiến thức nuôi tôm. Đặc biệt, những nông dân nuôi tôm công nghệ cao sẽ được đào tạo bài bản hơn với những khóa trang bị kiến thức chuyên sâu kết hợp đi thực tế, học hỏi kinh nghiệm và chuyển giao khoa học công nghệ.

"Để nuôi tôm công nghệ cao, nông dân sẽ đầu tư rất lớn. Vì vậy, thành phố cần có những chính sách hỗ trợ tài chính cho nông dân. Nhưng, để được giải ngân vốn vay, nông dân nuôi tôm hiện phải chờ 2-3 tháng” Ông Trần Văn Mùa - nông dân nuôi tôm công nghệ cao ở Nhà Bè

Ông Trần Văn Mùa - nông dân nuôi tôm công nghệ cao ở Nhà Bè cho biết, việc thành phố đào tạo nguồn nhân lực nuôi tôm công nghệ cao là hướng đi chính xác. Điều này không những giúp cho nông dân xây dựng quy trình sản xuất sản phẩm an toàn, xây dựng mô hình nông nghiệp đô thị, hạn chế rủi ro thiệt hại trong sản xuất, mà còn nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân.

“Tôm là sản phẩm có lợi nhuận cao. Chọn con tôm là vật nuôi chủ lực và đào tạo nguồn nhân lực nuôi tôm là hướng đi tốt cho nông nghiệp, nông thôn thành phố” - ông Mùa nhận định.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM, trong giai đoạn 2018-2020, thành phố sẽ đào tạo tay nghề cho gần 2.900 lao động nông nghiệp để tham gia từng khâu trong dây chuyền sản xuất áp dụng nông nghiệp công nghệ cao, trong đó có nuôi tôm.

Đảm bảo đầu ra

Gần đây, mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn, ứng dụng công nghệ cao sử dụng nhà lưới, lót bạt đáy ao, máy vận hành xử lý nước... với vốn đầu tư lên đến hàng tỷ đồng/ha đang được nhiều hộ nông dân TP.HCM hào hứng triển khai.

Theo ông Phạm Lâm Chính Văn - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông TP.HCM, từ những kết quả mang lại trong những chuyến học tập kinh nghiệm mô hình nuôi tôm công nghệ cao, thành phố sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để bà con nông dân áp dụng thực hiện.

“Trong năm 2018, ngành nông nghiệp đã tập trung đầu tư xây dựng mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn công nghệ cao, đặc biệt áp dụng cơ giới hóa trong xây dựng ao ương tôm trước khi đưa ra ao nuôi. Đây chính là mấu chốt đem lại thành công cho người nuôi tôm” - ông Văn chia sẻ.

Ông Tùng cho biết, hiện thành phố đã xây dựng được 6 mô hình nuôi tôm công nghệ cao ở Cần Giờ và 4 mô hình ở Nhà Bè. Những mô hình này sẽ được nhân rộng trong thời gian tới. “Trước mắt, thành phố sẽ phát triển diện tích nuôi tôm công nghệ cao từ việc hỗ trợ những nông dân có đủ thực lực” - ông Tùng cho biết.

Ông Vinh cho rằng, vấn đề đầu ra sẽ quyết định mô hình sản xuất tôm công nghệ cao. “Thực tế, bà con nông dân nuôi tôm công nghệ cao đã có vốn lớn rồi. Họ cũng đủ kiến thức, kinh nghiệm để giải quyết những sự cố xảy ra trong quá trình nuôi tôm. Vấn đề là đầu ra có đảm bảo? Sắp tới, Hội nông dân sẽ kết nối với một doanh nghiệp thu mua để mở rộng đầu ra cho bà con nuôi tôm trên địa bàn” - ông Vinh cho biết.


Có thể bạn quan tâm

Cải tạo ao - xử lý nước đầu vụ nuôi hiệu quả Cải tạo ao - xử lý nước đầu vụ nuôi hiệu quả

Quy trình cải tạo ao cơ bản gồm các bước: tháo cạn nước, vét bùn, bừa lật, phơi nắng, để chất bẩn dưới đáy ao tiếp xúc với ôxy và bị phân hủy hoàn toàn.

20/04/2019
Hệ thống xử lý hàu bằng tia laser Hệ thống xử lý hàu bằng tia laser

Mới đây, Công ty Oysterers Island Oyster Co (Mỹ) đã ra mắt Pearlception 2.0, hệ thống chế biến hàu được điều khiển bằng laser với tốc độ cao đầu tiên.

20/04/2019
Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất giống cá trắm đen Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất giống cá trắm đen

Trung tâm Giống thủy sản (nay sáp nhập với Trung tâm Khuyến nông Thái Bình) thực hiện đề tài “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất giống cá trắm đen”.

22/04/2019