Thay áo mới cho tàu cá
Nâng cấp tàu cá
Không khí lao động tại cơ sở sửa chữa tàu cá của gia đình ông Nguyễn Thanh Tùng (thôn Phước Lộc, xã Tam Tiến, Núi Thành) rất hối hả trong những ngày qua.
“Cơ sở của gia đình hoạt động quanh năm.
Có điều, thời điểm này nhộn nhịp hơn khi ở vụ sản xuất chính thì ngư dân bươn bả ra khơi, nên tập trung sửa chữa cho tàu cá vào mùa biển động này.
Ở đây thực hiện tất tật các công việc từ làm nước, làm mới cho đến cải hoán, nâng cấp tàu cá cho ngư dân” - ông Tùng nói.
Ông Tùng đưa chúng tôi đi tham quan cơ sở sửa chữa tàu cá của mình, có hơn 10 tàu cá đang được sửa chữa, làm nước.
“Con tàu này quăng quật trên biển đã 3 năm nay rồi.
Chừ phải kiện toàn lại cả máy móc lẫn thân tàu để hoạt động tốt hơn trong thời gian đến.
Đã tham gia sản xuất trên biển lâu năm nên tôi coi trọng sự an toàn, tránh tàu cá hỏng hóc khi đang sản xuất.
Hơn nữa, tàu cá hoạt động tốt thì mới có thể đánh bắt hải sản đạt sản lượng” - anh Nguyễn Liêm (thôn Long Thạnh, xã Tam Tiến, chủ tàu cá QNa-90062) cho biết.
Tàu cá QNa-90062 kiêm nghề lưới rê lẫn giã cào nên thường hoạt động hết công suất mỗi lần ra khơi.
Gia đình anh Liêm đang thay gian đà, sửa lại be tàu đồng thời thay xi lanh, bạt cho giàn máy.
Anh Liêm cho biết, sau 30 ngày sửa chữa, tàu cá sẽ lại vươn khơi.
Sửa chữa tàu cá tại cơ sở của gia đình ông Nguyễn Thanh Tùng (xã Tam Tiến, Núi Thành).
Tại cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu cá của Công ty TNHH Trường Thành (xã Tam Quang, Núi Thành), tàu cá QNa-92048 của gia đình ông Mai Văn Thế (thôn Hòa Bình, xã Tam Hòa, Núi Thành) được 5 lao động kéo lên triền đà.
“Con tàu này đã hoạt động được 2 năm nay.
Nhiều bộ phận và trang thiết bị trên tàu cá đã xuống cấp.
Gia đình tôi làm mới lại cho tàu cá này bằng cách thay máy.
Để tăng công suất cho tàu cá từ 150CV lên 250CV, chúng tôi phải tân trang lại vỏ tàu” - ông Thế nói.
Gia đình ông Thế bám biển bằng nghề lưới rê 3 lớp cải tiến ở ngư trường xa bờ từ hơn 10 năm nay.
“Khai thác hải sản ở các vùng biển xa bằng con tàu chỉ có 150 mã lực thì không thể kỳ vọng quá nhiều.
Thời gian gần đây, hiệu quả chuyến biển thu được không cao nên tôi phải thay đổi cách sản xuất” - ông Thế nói.
Đứng cạnh ông Thế, một thợ máy đi cùng góp ý nên thay hẳn cả gian đà, mũi tàu lẫn be chính.
Bởi vỏ tàu có chắc chắn thì máy khi gắn vào sẽ hoạt động hiệu quả.
Tuy nhiên, máy được thay không cần phải là máy thủy mới 100% mà có thể dùng máy “bãi” được kiểm định kỹ càng.
Ông Thế dự định cải tiến lại các hầm bảo quản hải sản để tránh tình trạng xây xước cá, mực tồn tại bấy lâu nay.
Gia cố bọc thép
Thời gian gần đây, nhiều tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa bị đâm chìm khi đang bám biển tại ngư trường thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Các tàu Trung Quốc cũng đã liên tiếp gây hấn, cản trở hoạt động của các phương tiện nghề cá Quảng Nam khi khai thác hải sản tại các ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa.
“Hễ đến gần vùng biển Hoàng Sa là tàu Trung Quốc xua đuổi, có khi hung hăng gây hấn, không cho ngư dân chúng tôi đánh bắt hải sản.
Tàu của họ quá lớn, lại hiện đại mà tàu mình nhỏ, chỉ bằng gỗ nên không thể đương đầu.
Thời tiết mùa này đã thất thường mà tàu Trung Quốc lại manh động gây hấn nên bám biển gian nan lắm” - ngư dân Bùi Ngọc Dũng (thôn An Hải Tây, xã Tam Quang, Núi Thành) cho biết.
Anh Dũng vẫn còn nguyên ký ức về những ngày giàn khoan Hải Dương 981 dịch chuyển tại vùng biển Hoàng Sa trước đây.
Các tàu của Trung Quốc đã đâm gãy mũi tàu, bể be tàu cá QNa-91297.
“Con tàu đã được sửa chữa ngay sau đó và vẫn bám biển thường xuyên đến thời điểm này.
Nhưng nói thật là mình vẫn ước ao được gia cố cho thân tàu bằng cách bọc thép.
Có vậy thì việc bám biển đi đôi với bảo vệ chủ quyền biển đảo được hiệu quả hơn.
Hồi đó mình không đủ vốn để bọc thép cho tàu cá” - anh Dũng nói.
Hầu hết chủ tàu đánh bắt hải sản xa bờ của Quảng Nam đều có nguyện vọng gia cố bọc thép cho tàu cá vỏ gỗ.
Và nguyện vọng đó đang trở thành hiện thực khi mới đây, Chính phủ đã sửa chữa, bổ sung lại một số nội dung của Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản.
Cụ thể, ngư dân sẽ được vay 70% vốn để gia cố bọc vỏ thép hay vật liệu mới cho tàu vỏ gỗ.
Lãi suất vốn vay là 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 3%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 4%/năm.
Đi đôi với gia cố cho tàu vỏ gỗ, ngư dân cũng sẽ được vay 70% vốn với lãi suất tương tự để trang bị các thiết bị hàng hải, trang thiết bị khai thác, bảo quản sản phẩm, bốc xếp hàng hóa.
Điều này sẽ mở ra triển vọng mới cho nghề cá Quảng Nam trong thời gian đến.
NGUYỄN
Có thể bạn quan tâm
Không biết từ khi nào, rau sắng đã trở thành món ăn nổi tiếng của núi rừng Hương Sơn, là món quà không thể thiếu của du khách thập phương mỗi khi hành hương về miền đất này.
Cù lao Tân Qui (xã An Phú Tân - huyện Cầu Kè, Trà Vinh) được mệnh danh là cù lao triệu phú. Bởi đây là “vương quốc” cây ăn trái của tỉnh Trà Vinh.
Trong vụ đông xuân 2013-2014, tỉnh Đồng Tháp bị ảnh hưởng khá nặng nề do muỗi hành gây hại với tổng diện tích trên 11.600ha. Trong đó, tập trung nhiều ở các huyện Tân Hồng, Tam Nông, Thanh Bình, Hồng Ngự, thị xã Hồng Ngự. Mức gây hại của muỗi hành cao nhất lên đến 70-80% diện tích, còn lại phổ biến ở mức 30-40%.
Tại nhiều địa phương ở TP Cần Thơ, hiện heo giống loại tốt có giá khoảng 1,3 triệu đồng/con (15-17 kg/con); còn loại xấu hơn có giá 1,1-1,2 triệu đồng/con. Giá heo giống tăng do gần đây giá heo hơi tương đối ổn định, người chăn nuôi có lời nên nhiều người dân có xu hướng tái đàn, phát triển nuôi heo trở lại.
Từ năm 1996, khi nghề trồng nấm được nhiều người quan tâm và thị trường tiêu thụ có nhu cầu khá dồi dào, ông Út tìm tòi học cách sản xuất meo giống nấm bào ngư qua nhiều kênh thông tin. Ông tận dụng phần đất vườn của gia đình trồng nấm bào ngư.