Tháo gỡ vướng mắc để chuỗi liên kết bền vững
Chuỗi liên kết chưa hiệu quả
Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), đến nay, ba tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa đều có mô hình thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi. Các chuỗi liên kết này đã đi vào hoạt động nhưng hiệu quả mang lại chưa cao. Tỉnh Bình Định đã triển khai chuỗi liên kết giữa Công ty cổ phần Thủy sản Bình Định với 5 tàu khai thác cá ngừ đại dương. Theo đó, doanh nghiệp này trang bị cho ngư dân thiết bị khai thác, đào tạo kỹ thuật đưa cá lên tàu, sơ chế, bảo quản và bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn giá thị trường.
Trong quá trình triển khai, 4/5 chủ tàu không chấp hành kỹ thuật khai thác, sơ chế, bảo quản nên Công ty cổ phần Thủy sản Bình Định lựa chọn lại các chủ tàu mới. Bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Bình Định, cho biết: “Nguyên nhân chuỗi liên kết hoạt động không hiệu quả là do các chủ tàu chưa thực hiện đúng cam kết, vì trước đó các chủ tàu này đã vay tiền của các chủ nậu, vựa nên phải bán cá cho họ. Bên cạnh đó, ngư dân không đảm bảo đúng quy trình bảo quản cá nên chất lượng cá chưa đạt yêu cầu”.
Ở Phú Yên, chuỗi liên kết khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ của Công ty cổ phần Bá Hải đã được thành lập. Công ty này đã liên kết và ký hợp đồng cùng 8 tổ, đội sản xuất trên biển với 72 chủ tàu câu cá ngừ đại dương ở TP Tuy Hòa. Thế nhưng, ngư dân tham gia chuỗi liên kết vẫn còn lệ thuộc vào các chủ nậu, vựa, trong khi đó Công ty cổ phần Bá Hải chưa có tàu dịch vụ hậu cần trên biển để mua cá và cung cấp nhiên liệu, nhu yếu phẩm cho ngư dân…
Ngư dân Lê Tấn Hồng, chủ tàu cá PY90612TS ở phường Phú Đông (TP Tuy Hòa), cho biết: “Hiện nay, rất nhiều bà con ngư dân tham gia chuỗi liên kết không vay được vốn lưu động cho chuyến biển vì còn nợ ngân hàng. Ngư dân phải vay tiền tại các chủ nậu, vựa thu mua hải sản và mua nợ nhiên liệu nên khi cá về phải bán cho các nậu, vựa này. Hiện ngư dân tham gia chuỗi liên kết đang thiếu vốn đầu tư mua sắm trang thiết bị để phục vụ khai thác và bảo quản sản phẩm theo công nghệ mới. Muốn đến được ngư trường khai thác cá ngừ đại dương, tàu phải chạy liên tục 3 đến 4 ngày đêm nên việc thực hiện chuyến biển ngắn ngày (dưới 15 ngày) để đảm bảo chất lượng cá tươi là không khả thi. Muốn giải quyết được vấn đề này, trong chuỗi liên kết cần có tàu dịch vụ hậu cần trên biển để tiếp nhận cá đưa về bờ sớm và cung cấp dầu, đá lạnh, lương thực, thực phẩm cho các tàu khai thác”.
Sơ chế cá ngừ đại dương tại một điểm thu mua ở phường 6 (TP Tuy Hòa). Ảnh: A.NGỌC
Tập trung tháo gỡ vướng mắc
Hầu hết ngư dân Phú Yên cho rằng, tham gia vào chuỗi liên kết cá ngừ là một bước tiến của nghề cá hiện đại. Điều này có nghĩa ngoài số vốn đầu tư lớn, ngư dân còn phải có kiến thức, kỹ năng về khoa học công nghệ, khả năng khai thác vận hành máy móc, thiết bị và kiến thức về thị trường. Tuy nhiên, những yếu tố này vẫn còn quá mới đối với ngư dân, trong khi đó hiệu quả từ khai thác tự phát đến khai thác theo chuỗi giá trị lại chưa rõ ràng.
Theo Tổng cục Thủy sản, hiện có hơn 2.825 tàu tham gia khai thác cá ngừ tại các tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa; sản lượng khai thác cá ngừ đại dương 6 tháng đầu năm 2015 hơn 9.800 tấn. Trong đó chỉ khoảng 70% tàu khai thác đủ chi phí và có lãi, 30% tàu còn lại khai thác không bù đắp đủ chi phí. Ông Nguyễn Ngọc Oai, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho biết: Một số khó khăn, vướng mắc hiện nay là các tàu khai thác, dịch vụ phục vụ khai thác cá ngừ bằng vỏ thép và vỏ vật liệu mới chỉ cải tiến bước đầu về hầm bảo quản, chưa đổi mới về công nghệ khai thác, bảo quản. Hoạt động thu thập số liệu nghề cá thương phẩm triển khai không liên tục làm thiếu thông tin có hệ thống về hoạt động khai thác, thu mua, chế biến cá ngừ. Các nghiên cứu về nâng cao chất lượng cá ngừ bằng nghề câu tay, về tổ chức mô hình dịch vụ hậu cần chậm triển khai ứng dụng vào thực tiễn. Công nghệ dự báo ngư trường còn lạc hậu, không kịp thời, thiếu kiểm chứng làm ngư dân chưa tin tưởng và sử dụng kết quả dự báo trong khai thác…
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám, mấu chốt để tổ chức thu mua, chế biến tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi là phải xác định rõ trách nhiệm, lợi ích của doanh nghiệp và ngư dân; khi chưa làm rõ điều này thì khó mà gắn kết các khâu khai thác, tiêu thụ tạo thành chuỗi. Trung tâm của chuỗi phải là doanh nghiệp, doanh nghiệp đưa ra yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng cá ngừ, công khai minh bạch tỉ lệ phân chia lợi nhuận để ngư dân nắm bắt, từ đó ngư dân mới mạnh dạn đầu tư công nghệ khai thác và nâng cao chất lượng cá ngừ. Đối với chuỗi liên kết tại Phú Yên, Thứ trưởng Vũ Văn Tám đề nghị UBND tỉnh làm việc lại với ngân hàng, doanh nghiệp và ngư dân để tháo gỡ vướng mắc về vay vốn lưu động cho chuyến biển, Bộ NN-PTNT sẽ có văn bản gởi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để có hướng chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn thực hiện tốt vấn đề này.
Thí điểm tổ chức sản xuất cá ngừ đại dương theo chuỗi giá trị là khâu đột phá để thực hiện tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị cá ngừ đại dương theo hướng công nghiệp, hiện đại thì thời gian tới các tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa cần tập trung quy hoạch nghề cá ngừ đại dương, phát triển đội tàu khai thác cá ngừ theo hướng hiện đại, xây dựng đồng bộ cơ sở dịch vụ hậu cần, tổ chức đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho nghề khai thác cá ngừ đại dương... (Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám)
Có thể bạn quan tâm
Nhu cầu tăng cao giúp kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này của Việt Nam sang Mỹ tăng gần 13% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mùa nước nổi đã được hơn một tháng nay, nhưng đến thời điểm này, mực nước trên các sông thấp ở mức kỷ lục so với cùng kỳ hàng năm.
Nhiều chuyên gia kiến nghị cần bãi bỏ quy định về xuất khẩu gạo. Liên quan đến vấn đề này, đại diện Bộ Công Thương cho biết, chưa thể bãi bỏ quy định về điều kiện kinh doanh xuất khẩu (XK) gạo...
UBND tỉnh Gia Lai cần chỉ đạo công tác kiểm tra và có biện pháp xử lý kiên quyết đối với các doanh nghiệp không thực hiện đúng cam kết các vấn đề an sinh xã hội khi chuyển đất rừng sang trồng cao su.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân Việt, đa số các vụ hủy hoại tài sản do “nông tặc” gây ra, công an xác định thường là do mâu thuẫn cá nhân. Nhiều vụ xác định được nghi can, nhưng đấu tranh để nghi can phải cúi đầu nhận tội là điều rất khó khăn, nếu không bắt tận tay.