Tháo gỡ vướng mắc để chuỗi liên kết bền vững

Chuỗi liên kết chưa hiệu quả
Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), đến nay, ba tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa đều có mô hình thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi. Các chuỗi liên kết này đã đi vào hoạt động nhưng hiệu quả mang lại chưa cao. Tỉnh Bình Định đã triển khai chuỗi liên kết giữa Công ty cổ phần Thủy sản Bình Định với 5 tàu khai thác cá ngừ đại dương. Theo đó, doanh nghiệp này trang bị cho ngư dân thiết bị khai thác, đào tạo kỹ thuật đưa cá lên tàu, sơ chế, bảo quản và bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn giá thị trường.
Trong quá trình triển khai, 4/5 chủ tàu không chấp hành kỹ thuật khai thác, sơ chế, bảo quản nên Công ty cổ phần Thủy sản Bình Định lựa chọn lại các chủ tàu mới. Bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Bình Định, cho biết: “Nguyên nhân chuỗi liên kết hoạt động không hiệu quả là do các chủ tàu chưa thực hiện đúng cam kết, vì trước đó các chủ tàu này đã vay tiền của các chủ nậu, vựa nên phải bán cá cho họ. Bên cạnh đó, ngư dân không đảm bảo đúng quy trình bảo quản cá nên chất lượng cá chưa đạt yêu cầu”.
Ở Phú Yên, chuỗi liên kết khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ của Công ty cổ phần Bá Hải đã được thành lập. Công ty này đã liên kết và ký hợp đồng cùng 8 tổ, đội sản xuất trên biển với 72 chủ tàu câu cá ngừ đại dương ở TP Tuy Hòa. Thế nhưng, ngư dân tham gia chuỗi liên kết vẫn còn lệ thuộc vào các chủ nậu, vựa, trong khi đó Công ty cổ phần Bá Hải chưa có tàu dịch vụ hậu cần trên biển để mua cá và cung cấp nhiên liệu, nhu yếu phẩm cho ngư dân…
Ngư dân Lê Tấn Hồng, chủ tàu cá PY90612TS ở phường Phú Đông (TP Tuy Hòa), cho biết: “Hiện nay, rất nhiều bà con ngư dân tham gia chuỗi liên kết không vay được vốn lưu động cho chuyến biển vì còn nợ ngân hàng. Ngư dân phải vay tiền tại các chủ nậu, vựa thu mua hải sản và mua nợ nhiên liệu nên khi cá về phải bán cho các nậu, vựa này. Hiện ngư dân tham gia chuỗi liên kết đang thiếu vốn đầu tư mua sắm trang thiết bị để phục vụ khai thác và bảo quản sản phẩm theo công nghệ mới. Muốn đến được ngư trường khai thác cá ngừ đại dương, tàu phải chạy liên tục 3 đến 4 ngày đêm nên việc thực hiện chuyến biển ngắn ngày (dưới 15 ngày) để đảm bảo chất lượng cá tươi là không khả thi. Muốn giải quyết được vấn đề này, trong chuỗi liên kết cần có tàu dịch vụ hậu cần trên biển để tiếp nhận cá đưa về bờ sớm và cung cấp dầu, đá lạnh, lương thực, thực phẩm cho các tàu khai thác”.
Sơ chế cá ngừ đại dương tại một điểm thu mua ở phường 6 (TP Tuy Hòa). Ảnh: A.NGỌC
Tập trung tháo gỡ vướng mắc
Hầu hết ngư dân Phú Yên cho rằng, tham gia vào chuỗi liên kết cá ngừ là một bước tiến của nghề cá hiện đại. Điều này có nghĩa ngoài số vốn đầu tư lớn, ngư dân còn phải có kiến thức, kỹ năng về khoa học công nghệ, khả năng khai thác vận hành máy móc, thiết bị và kiến thức về thị trường. Tuy nhiên, những yếu tố này vẫn còn quá mới đối với ngư dân, trong khi đó hiệu quả từ khai thác tự phát đến khai thác theo chuỗi giá trị lại chưa rõ ràng.
Theo Tổng cục Thủy sản, hiện có hơn 2.825 tàu tham gia khai thác cá ngừ tại các tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa; sản lượng khai thác cá ngừ đại dương 6 tháng đầu năm 2015 hơn 9.800 tấn. Trong đó chỉ khoảng 70% tàu khai thác đủ chi phí và có lãi, 30% tàu còn lại khai thác không bù đắp đủ chi phí. Ông Nguyễn Ngọc Oai, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho biết: Một số khó khăn, vướng mắc hiện nay là các tàu khai thác, dịch vụ phục vụ khai thác cá ngừ bằng vỏ thép và vỏ vật liệu mới chỉ cải tiến bước đầu về hầm bảo quản, chưa đổi mới về công nghệ khai thác, bảo quản. Hoạt động thu thập số liệu nghề cá thương phẩm triển khai không liên tục làm thiếu thông tin có hệ thống về hoạt động khai thác, thu mua, chế biến cá ngừ. Các nghiên cứu về nâng cao chất lượng cá ngừ bằng nghề câu tay, về tổ chức mô hình dịch vụ hậu cần chậm triển khai ứng dụng vào thực tiễn. Công nghệ dự báo ngư trường còn lạc hậu, không kịp thời, thiếu kiểm chứng làm ngư dân chưa tin tưởng và sử dụng kết quả dự báo trong khai thác…
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám, mấu chốt để tổ chức thu mua, chế biến tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi là phải xác định rõ trách nhiệm, lợi ích của doanh nghiệp và ngư dân; khi chưa làm rõ điều này thì khó mà gắn kết các khâu khai thác, tiêu thụ tạo thành chuỗi. Trung tâm của chuỗi phải là doanh nghiệp, doanh nghiệp đưa ra yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng cá ngừ, công khai minh bạch tỉ lệ phân chia lợi nhuận để ngư dân nắm bắt, từ đó ngư dân mới mạnh dạn đầu tư công nghệ khai thác và nâng cao chất lượng cá ngừ. Đối với chuỗi liên kết tại Phú Yên, Thứ trưởng Vũ Văn Tám đề nghị UBND tỉnh làm việc lại với ngân hàng, doanh nghiệp và ngư dân để tháo gỡ vướng mắc về vay vốn lưu động cho chuyến biển, Bộ NN-PTNT sẽ có văn bản gởi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để có hướng chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn thực hiện tốt vấn đề này.
Thí điểm tổ chức sản xuất cá ngừ đại dương theo chuỗi giá trị là khâu đột phá để thực hiện tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị cá ngừ đại dương theo hướng công nghiệp, hiện đại thì thời gian tới các tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa cần tập trung quy hoạch nghề cá ngừ đại dương, phát triển đội tàu khai thác cá ngừ theo hướng hiện đại, xây dựng đồng bộ cơ sở dịch vụ hậu cần, tổ chức đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho nghề khai thác cá ngừ đại dương... (Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám)
Related news

Vào thời điểm này, bà con ngư dân Quảng Yên (Quảng Ninh) đang tích cực bám biển để khai thác vụ cá nam và khẩn trương thu hoạch tôm nuôi vụ xuân - hè để chuẩn bị thả nuôi vụ thu - đông. Phát huy lợi thế nuôi trồng và đánh bắt thuỷ sản, 6 tháng đầu năm nay, tổng sản lượng thuỷ sản toàn thị xã đạt 8.364 tấn, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, sản lượng khai thác 6.071 tấn và sản lượng nuôi trồng 2.293 tấn.

Trước đó vào tháng 7-2013, dự án đã chọn 162 con bò cái giống lai Sind có trọng lượng từ 200kg trở lên của các hộ chăn nuôi ở hai huyện nói trên để gieo tinh nhân tạo giống bò nhập khẩu Red Angus. Kết quả, thụ thai gần 100% và năm hộ đợt đầu thu được 11 con bê lai Red Angus.

Câu chuyện tìm đầu ra cho hạt gạo đang chồng chất khó khăn. Mà nóng nhất là nông dân Hậu Giang thu hoạch lúa Hè thu sớm trong buồn bã khi giá lúa rớt thê thảm. Đã đến lúc nhìn lại những cái lợi, cái hại của quá trình sản xuất lúa 3 vụ/năm.

Theo ông Tủi, nuôi bò theo quy trình VietGAP đòi hỏi phải đáp ứng các tiêu chí về con giống, thức ăn, vệ sinh chuồng trại... và sẽ được cấp giấy chứng nhận khi đạt tiêu chuẩn. Được biết đàn bò sữa trên địa bàn hiện có khoảng 100.000 con, trong đó riêng Củ Chi chiếm hơn 65.000 con.

Ông Trần Quang Hành, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành (Hậu Giang) cho biết, bệnh “lá đứng” trên cây chanh không hạt có biểu hiện lá to và đứng, có màu xanh, đặc biệt là không có khả năng cho ra hoa đậu trái, đây được xem là bệnh lạ chưa rõ nguyên nhân.