Trang chủ / Tin tức / Tin thủy sản

Thành tỉ phú nhờ nuôi cá chép giòn

Thành tỉ phú nhờ nuôi cá chép giòn
Tác giả: Thanh Dũng
Ngày đăng: 02/05/2018

Ông Phạm Đăng Thập (P.Mỹ Thạnh, TP.Long Xuyên, An Giang) là người đầu tiên ở miền Tây trở thành tỉ phú từ nghề nuôi cá chép giòn.

Ông Thập làm giàu với cá chép giòn - Ảnh: T.D

Những ngày này, ao nuôi cá chép giòn của ông Thập nhộn nhịp vào vụ thu hoạch. Ông Thập phấn khởi cho biết một đối tác bên Nga đang đặt ông 6 tấn cá chép giòn và ông đang tuyển lựa cá chép đẹp, trọng lượng lớn để nuôi vỗ thành cá giòn đưa xuất khẩu.

Ông Thập kể quê ông ở Thanh Hóa, trước đây theo học ngành thú y nhưng khi ra trường ông lại làm nghề du lịch. Sau khi chuyển vào An Giang sống, ông mưu sinh với nghề nuôi bán ếch thịt, ba ba. Năm 2007, ông Thập ra Hà Nội tình cờ nghe thông tin cá chép giòn có giá trị kinh tế cao nên quyết đi gặp các hộ nuôi cá này ở Hải Dương, Hà Nội tìm hiểu.

Sau đó, ông Thập mua một lượng cá giống về nuôi thử nghiệm ở An Giang. Nhờ kinh nghiệm tích lũy từ nuôi ếch, ba ba và chuyên cần nghiên cứu tài liệu nuôi cá, lại áp dụng cách nuôi cá như nuôi tôm sú, nghĩa là gắn thêm dưới ao các quạt nước hút thổi nhằm tăng lượng ô xy trong ao nên cá không bị ngộp, nổi đầu. “Cá này biết nuôi đúng cách thì ít bệnh. Gọi nó là chép giòn vì đặc biệt nó là cá chép nhưng thịt không giống thịt cá mà thịt nó giòn giòn giống như món dồi trường của thịt heo, nên vì thế gọi ngắn gọn là chép giòn”, ông Thập nói và cho biết thực chất do cho cá chép thường ăn đậu tằm nên chúng biến đổi cấu trúc thịt trở nên giòn.

Để phân biệt được cá chép giòn với cá thường, ông Thập giải thích lúc đầu mua cá chép giống thả nuôi cho chúng ăn như cá chép thường. Đến khoảng 6 tháng mới tuyển lựa ra cá đồng kích cỡ rồi cho ăn đậu tằm trong khoảng hơn 3 tháng thì từ chép thường chuyển thành chép giòn. Con cá được xem là giòn 100% khi bắt lên cầm trên tay cá nằm im, không giãy giụa, phóng nhảy. Nếu khi cho cá ăn đậu tằm mà cá vẫn còn nhảy chứng tỏ thịt cá chưa đạt tới độ giòn.

Hiện tại, ông Thập thả nuôi 6 bè cá chép giòn, còn nuôi ao mặt nước khoảng 4 ha. Mỗi đợt ông thu hoạch khoảng 60 tấn cá chép giòn, giá bán lẻ 190.000 đồng/kg, trừ các chi phí mỗi năm ông thu lãi hàng tỉ đồng.

Theo tiến sĩ Nguyễn Văn Tiến, Giám đốc Trung tâm chọn giống cá rô phi, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1, khi nuôi cá bằng đậu tằm đủ thời gian (5 - 6 tháng), cơ thịt cá sẽ săn chắc hơn cá nuôi bằng thức ăn thông thường. Đậu tằm là loại cây có hạt họ đậu đỗ được trồng nhiều ở vùng khí hậu ôn đới. Hạt đậu tằm hoàn toàn có nguồn gốc từ tự nhiên và rất giàu dinh dưỡng. Như vậy, có thể thấy nuôi cá chép bằng đậu tằm để cơ thịt cá săn chắc hơn là hoàn toàn bình thường, không có gì đáng lo ngại về mặt an toàn vệ sinh thực phẩm.


Có thể bạn quan tâm

Bạc Liêu: Nuôi tôm siêu thâm canh Bạc Liêu: Nuôi tôm siêu thâm canh

Một số hộ nuôi tôm công nghiệp của tỉnh Bạc Liêu đã chủ động tiếp cận, học hỏi, nghiên cứu và áp dụng thử nghiệm mô hình nuôi tôm công nghệ mới.

25/04/2018
Phất lên từ con cá rô đồng Phất lên từ con cá rô đồng

Khởi nghiệp bằng nghề nuôi cá nước ngọt với nhiều thất bại lẫn thành công, đến nay anh Lê Trọng Lực đã thu nhập hàng trăm triệu đồng từ trại cá rô đồng rộng 6ha

26/04/2018
Tôm Việt: Giấc mơ số 1 thế giới Tôm Việt: Giấc mơ số 1 thế giới

Con tôm Việt Nam đã khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế khi đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu và trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực

26/04/2018