Phất lên từ con cá rô đồng
Khởi nghiệp bằng nghề nuôi cá nước ngọt với nhiều thất bại lẫn thành công, đến nay anh Lê Trọng Lực (34 tuổi, ngụ ấp Độc Lập, xã Giang Điền, H.Trảng Bom, Đồng Nai), đã có trong tay trại cá rô đồng rộng khoảng 6 ha, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Anh Lực, chủ của trại cá cho thu nhập hàng trăm triệu/năm. Ảnh: Tiểu Thiên
Từ quê ở Thanh Hóa, năm 1998 anh Lực theo gia đình vào H.Trảng Bom lập nghiệp. Khi đang học lớp 12, anh Lực đã đến với nghề nuôi cá nước ngọt. Thời điểm này, anh nuôi cá lồng bè trên sông Đồng Nai. Được một thời gian, nhận thấy hiệu quả kinh tế thấp nên các bè cá dần bị anh Lực dẹp bỏ.
Năm 2003, tận dụng 10.000 m2 mặt nước ao hồ có sẵn của gia đình, anh Lực đầu tư nuôi các loại cá giống như trắm, chép, trôi, mè… để bán cho người nuôi. Qúa trình nuôi, nhận thấy con cá rô đồng rất phù hợp để phát triển tại địa phương nên anh chuyển hướng qua ươm nuôi cá rô giống để bán.
Đến năm 2006, anh Lực bắt đầu nuôi cá rô đồng và cá lóc thương phẩm. Năm đầu nuôi trên diện tích khoảng 12.000m2 mặt nước, cho thu hoạch 12 tấn cá thương phẩm/vụ. Thành công bước đầu giúp anh vững tin mở rộng diện tích, đầu tư nhiều hơn vào chăn nuôi cá rô đồng.
Theo anh Lực, cá rô đồng rất nhạy cảm với nguồn nước nên dễ bị mắc các bệnh như sốt xuất huyết, đường ruột. Mùa hạn, nước yếu khiến môi trường, thức ăn không đủ để xử lý, buộc phải xử lý bằng vi sinh khiến chi phí tăng cao. Còn mùa lạnh thì cá dễ mắc dịch bệnh, chậm lớn.
“Giai đoạn 2010 - 2011 chăn nuôi ở trại cá đi xuống rất nhiều. Nhiều lúc cá bị bệnh, nuôi trong ao mà cứ “hao hụt” dần. Cá càng ăn cám càng chết, đến khi thu hoạch thì năng suất sụt giảm nghiêm trọng”, anh Lực kể.
Sau nhiều năm nuôi có cả thành công và thất bại, anh Lực vừa nuôi, vừa rút kinh nghiệm, khắc phục được những thiếu sót ban đầu. Con cá rô đồng đã giúp gia đình anh Lực gây dựng cơ nghiệp, vươn lên làm giàu. Cá rô đồng nuôi khoảng 5 tháng rưỡi là cho thu hoạch, với hàng chục hồ cá được nuôi xoay vòng nên trại cá của anh luôn có cá bán quanh năm.
Hiện nay anh Lực có gần cả chục ao nuôi với diện tích khoảng 6ha, chủ yếu nuôi cá rô đồng thương phẩm. Ngoài ra anh còn nuôi thêm cá lóc, cá trắm, chép… Năng suất thu hoạch cá thương phẩm đạt hơn 450 tấn/ năm. Trại cá của anh cũng tạo công ăn việc làm cho 5 lao động địa phương, với mức lương từ 3 - 4 triệu/ tháng.
Anh Lực chia sẻ: “Khó khăn lớn nhất hiện nay đối với người nuôi là giá thành đầu vào khá cao. Cụ thể, thức ăn cho cá chiếm đến 70% chi phí, số còn lại là con giống, công nhân, điện, nước, thuốc men”.
Đánh giá về thị trường hiện tại, anh Lực cho hay: “Cá được các thương lái tới tận nhà để thu mua rồi bán đi các chợ đầu mối khắp các nơi nên thị trường tiêu thụ khá ổn định. Với giá khoảng 29.000 đồng/kg như hiện nay thì chăn nuôi cá rô đồng cho hiệu quả kinh tế khá cao”.
Mặc dù công việc ở trại cá luôn khiến anh bận “tối mắt tối mũi” nhưng anh Lực vẫn rất nhiệt tình tham gia công tác đoàn thể của địa phương. Hiện anh Lực là Chủ tịch Hội chữ thập đỏ xã kiêm Phó chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên của xã Giang Điền.
Ông Đỗ Công Bộ, Phó chủ tịch xã Giang Điền nhận xét: “Trại nuôi cá nước ngọt của anh Lực được đầu tư với quy mô lớn và rất bài bản. Đây cũng là một trong những mô hình cho hiệu quả kinh tế cao nhất nhì của xã chúng tôi”.
Có thể bạn quan tâm
Một nông dân ở huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng xây bể bằng bê tông để nuôi tôm công nghệ cao.
Nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp; tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng và khai thác đạt 320.000 tấn; trong đó, sản lượng tôm đạt 129.000 tấn.
Một số hộ nuôi tôm công nghiệp của tỉnh Bạc Liêu đã chủ động tiếp cận, học hỏi, nghiên cứu và áp dụng thử nghiệm mô hình nuôi tôm công nghệ mới.