Thanh long đổ đống ở Sài Gòn bán rẻ như cho
Gần một tuần nay, trên một số tuyến đường ở TP HCM như Lê Văn Việt (quận 9), Phan Văn Trị (Bình Thạnh), Quang Trung (Gòn Vấp)..., thanh long giá rẻ đổ thành những đống lớn bán đầy đường.
Tại đường Phan Văn Trị, có khoảng 4-5 điểm bán với số lượng lên tới cả tấn. Đa phần thanh long ruột trắng trái to, mẫu mã đẹp chỉ có giá 10.000 đồng 3kg. Trái nhỏ hơn một chút 4kg giá 10.000 đồng. Anh Thiện, một chủ vựa cho biết, mặt hàng này được chở về từ Bình Thuận, đã vào giữa vụ nhưng sức mua không hề tăng. Nhiều nhà bán không được nên đổ đầy vườn và đường. Thấy vậy, anh liền cho thu gom và mua lại với giá rẻ. Nhiều chuyến chở về TP HCM chỉ mất tiền phí vận chuyển nên mới có giá "bèo" như vậy.
Hiện ở Bình Thuận, giá thanh long bán tại vườn chỉ 500 - 3.000 đồng một kg, còn sản phẩm dành cho xuất khẩu giá 4.000 -7.000 đồng.
Cũng bán giá 10.000 đồng 4kg, anh Hoàng, người bán thanh long trên cùng tuyến đường cho biết, những năm trước thời điểm này là cuối của vụ thuận nên giá khá cao, dù là hàng dạt cũng tầm 8.000 -10.000 đồng một kg, nhưng năm nay nhiều trái ngon giá không bằng một phần ba của năm ngoái. Trong khi đó, sức mua ở thị trường nội địa vẫn rất thấp, người tiêu dùng TP HCM không mấy mặn mà.
10.000 đồng 4kg thanh long được rao bán tại đường Phan Văn Trị (Bình Thạnh).
“Cả tháng nay, thanh long của các hộ trồng ở Bình Thuận đổ bỏ rất nhiều. Tiếc quá nên tôi tìm đến một số nhà vườn để lựa mua những trái chất lượng với giá chỉ 500 - 1.500 đồng một kg. Sau khi tính thêm phí vận chuyển lên TP HCM, tôi chỉ bán giá dao động 3.000 - 4.000 đồng một kg. Thế nhưng, với sức mua kiểu này tôi e mình sẽ bị lỗ”, anh Hoàng nói.
Chị Lan, chủ xe đẩy thanh long tại đường Quang Trung cho biết, rất hiếm khi bán trái cây này nhưng 2 tuần nay vì thấy sản phẩm về chợ quá rẻ nên lấy lại và bán ra với giá 10.000 đồng 2kg. “Đây là sản phẩm tôi cất công chọn kỹ lưỡng nên giá có cao hơn so với các xe đẩy khác. Các trái khá đều đặn và tươi chứ không phải là hàng dạt. Nhưng trung bình một ngày tôi bán chỉ được 20kg, ít hơn so với các sản phẩm khác trước đó, mà lãi cũng không đáng là bao”, chị Lan chia sẻ.
Không chỉ thanh long trắng bán với giá thấp thì thanh long đỏ trên xe đẩy đường Ngô Tất Tố hay chợ Văn Thánh (Bình Thạnh) giá cũng chỉ 10.000 đồng một kg, thậm chí 15.000 đồng 2kg. Trong khi trước đó, vào tháng 3/2015, giá thanh long ruột đỏ loại một ở Tiền Giang bán tại vườn có giá 20.000-21.000 đồng một kg, loại 2 giá 17.000-18.000 đồng.
Tại chợ đầu mối Nông sản thực phẩm Thủ Đức, giá thanh long ruột đỏ nhập vào chợ hiện có giá từ 5.000 đến 10.000 đồng một kg, tùy loại.
Theo một số tiểu thương chuyên bán lẻ, sở dĩ giá thanh long giảm mạnh là do sức mua giảm. Thêm vào đó, tình hình xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc cũng gặp khó khăn. Riêng với thanh long ruột đỏ, một số sản phẩm có mẫu mã không được đẹp mắt như những vụ trước đó.
2kg thanh long ruột đỏ loại ngon cũng chỉ có giá 15.000 đồng.
Ông Huỳnh Hồng Ửng, Chủ nhiệm Hợp tác xã thanh long chợ Gạo tỉnh Tiền Giang cho biết, cách đây hơn một tuần thanh long ruột đỏ tại vườn chỉ bán được với giá 2.000 - 3.000 đồng một kg, nhiều hộ nông dân không có lãi nhưng vẫn phải cầm cự để chuẩn bị cho vụ kế tiếp.
“Thanh long Việt Nam chủ yếu dựa vào thị trường xuất khẩu chứ tiêu thụ nội địa rất thấp. Thế nhưng cuối vụ thuận năm nay, thời tiết biến đổi thất thường, loại trái cây này bị dịch bệnh dẫn đến mẫu mã xấu nên thương lái giảm thu gom”, ông Ửng cho biết nguyên nhân.
Bên cạnh đó, theo vị này, 70-80% sản phẩm xuất sang Trung Quốc nên khi đồng nhân dân tệ bị phá giá, nhiều thương lái Trung Quốc ngưng nhập hàng vì sợ thua lỗ nên hàng ùn ứ và phải bán với giá rẻ. Hiện tại, ở địa phương có trên 5.000ha thanh long, đa phần người dân đều phải chịu cảnh thua lỗ.
Cũng xác nhận thanh long Việt Nam phụ thuộc thị trường Trung Quốc, ông Trần Ngọc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội thanh long bình thuận cho biết khi nhân dân tệ biến động, nông sản trong đó có thanh long khó tránh khỏi rủi ro ở thị trường này. Mặt khác, các thương lái Trung Quốc rất am hiểu tình hình mùa vụ thanh long tại Việt Nam nên nếu hàng được mùa họ có thể ép giá khi đang thu hoạch rộ.
Là đơn vị xuất khẩu loại trái cây này sang Singapore, ông Nguyễn Anh Đức, Phó tổng giám đốc Saigon Co.op cũng đánh giá sản phẩm thanh long thiếu đồng đều về chất lượng.
Đây là một trong những rào cản khiến thanh long khó len lỏi vào các thị trường khó tính và buộc phải chịu thiệt thòi khi phụ thuộc Trung Quốc. “Thời kỳ đầu, chúng tôi đã chủ động chọn sản phẩm thuộc loại hàng Top để xuất sang Singapore, nhưng rất bất ngờ khi siêu thị ở nước này loại gần hết hàng và chỉ chấp nhận những trái có độ đồng đều cao. Nhiều trái to, tròn mỡ màng nhưng bị loại vì kích cỡ quá lớn không đúng tiêu chuẩn”, ông Đức cho biết.
Có thể bạn quan tâm
Việt Nam trở thành nước đứng đầu thế giới về sản lượng cá tra; đứng thứ 3 về sản lượng tôm; sản phẩm thủy sản Việt Nam tính đến tháng 9/2013 đã có mặt tại 156 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 16 thị trường so với năm 2010.
Qua tìm hiểu được biết, những nông dân ở huyện Tam Nông thấy thời gian qua tôm thẻ chân trắng liên tục “hút hàng, tăng giá”, ai nuôi đạt thì thu về lợi nhuận cao hơn nuôi cá tra, cá lóc, ươm cá giống…
Những năm qua, tôm nuôi ở tỉnh Sóc Trăng thiệt hại nặng với tỷ lệ hơn 50%. Đời sống của nông dân gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, vụ nuôi năm rồi, mức thiệt hại giảm đáng kể so những năm trước, chỉ còn khoảng 30%. Hiện Sóc Trăng đang tiếp tục tập trung nhiều giải pháp gỡ khó cho người nuôi tôm, phấn đấu thắng lợi vụ tôm mới...
Sáng 29/3, Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên tại Việt Nam (WWF) phối hợp với Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Bạc Liêu tổ chức hội thảo xúc tiến xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ tôm bền vững tỉnh Bạc Liêu. Tham dự hội thảo có trên 100 đại biểu đại diện các công ty kinh doanh thuốc, thức ăn tôm, người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh.
Tại những khu vực ven bờ biển của tỉnh Bình Thuận thời gian gần đây xuất hiện nhiều bẫy tôm hùm do ngư dân giăng để đánh bắt loại hải sản hiếm là tôm hùm con.