Thanh Long Bén Duyên Với Đất Trống, Vườn Tạp
Sau hơn 1 năm Hội Nông dân (ND) phát động tận dụng đất trống, vườn tạp để trồng thanh long ruột đỏ. Đến nay nhiều hộ ND xã Trường Xuân B, huyện Thới Lai, TP.Cần Thơ đã bắt đầu có trái bán.
Ông Đinh Văn Son ngụ ấp Trường Khương A là hộ trồng thanh long ruột đỏ đầu tiên ở xã này. Giờ đây, ông là địa chỉ tin cậy tư vấn kỹ thuật trồng thanh long cho nhiều hộ trong xã.
Đầu ra không khó
Ông Son cho biết: “Ban đầu, tôi cũng trồng nhiều loại cây khác trong vườn, nhưng không hiệu quả. Khi Hội ND xã phát động trồng thanh long ruột đỏ, tôi bắt tay trồng thử. Trong quá trình trồng, tôi thấy thanh long ruột đỏ không dễ trồng, nhưng hiệu quả cao”.
Mới đầu ông Son trồng 150 gốc thanh long ruột đỏ (tháng 4.2013). Hiện, ông chuẩn bị trồng thêm 200 gốc nữa. Vụ đầu tiên, 70 cây cho trái, ông thu được khoảng 15 triệu đồng. “Đến nay các gốc thanh long của tôi đã có trái đều, tôi đếm được khoảng 4.000 trái. Thanh long không ra trái đồng loạt, có thể thu hoạch nhiều lần trong năm. Lần thu hoạch sắp tới, bán ngay tại vườn, tôi có khoảng 20 triệu đồng”.
Cũng theo ông Son: “Trường Xuân B không phải là vùng chuyên thanh long ruột đỏ, điều kiện tự nhiên cũng không thuận lợi để trồng. Song, nhu cầu thanh long ruột đỏ trên thị trường lớn nên không lo lắm về đầu ra. Nếu xây dựng được thương hiệu thanh long ruột đỏ Trường Xuân B thì người trồng thanh long yên tâm hơn, giá bán cũng ổn định hơn.
Điều cần nhất đối với người trồng thanh long ruột đỏ là được hướng dẫn kỹ thuật trồng một cách bài bản. Đa số các hộ trồng thanh long ruột đỏ ở đây đều tự tìm tòi và học hỏi kỹ thuật lẫn nhau. Ngay bản thân tôi là người trồng lâu năm nhưng còn nhiều thứ phải học thêm”.
Nông dân rất cần hỗ trợ kỹ thuật
Cùng suy nghĩ với ông Son, ông Đinh Văn Hồng (ngụ cùng ấp) trồng thanh long ruột đỏ được hơn 1 năm nay, cho biết: “40 gốc thanh long của tôi đang cho trái, nếu được đầu tư tốt về kỹ thuật thì đây hoàn toàn là loại cây mang lại hiệu quả cao. Thanh Long ruột đỏ không kén đất nhưng để làm cho trái chất lượng, mẫu mã đẹp thì cần nhiều kỹ thuật mà chúng tôi chưa được học”.
"40 gốc thanh long của tôi đang cho trái, nếu được đầu tư tốt về kỹ thuật thì đây hoàn toàn là loại cây mang lại hiệu quả cao”.
Ông Đinh Văn Hồng
Ông Nguyễn Văn Thượng - Chủ tịch Hội ND xã Trường Xuân B cho biết: “Thời điểm bắt đầu phát động mô hình trồng thanh long ruột đỏ có 22 hộ trồng, khi đó các hộ trồng được hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng CSXH với tổng số tiền 500 triệu đồng. Đến nay đã có 27 hộ trồng với khoảng 1.200 gốc”.
Ông Thượng cũng thông tin: Hội ND xã đã đề xuất với huyện về việc thành lập HTX thanh long ruột đỏ. Nếu như tạo được thương hiệu và thống nhất về mẫu mã, chất lượng thì việc đưa thanh long ruột đỏ tiếp cận thị trường không khó, kể cả ở siêu thị. Điều đó sẽ tạo sự ổn định về đầu ra cho sản phẩm, ND cũng yên tâm trồng hơn.
Cũng theo ông Thượng, trồng thanh long ruột đỏ vốn đầu tư ban đầu khá cao, mỗi trụ đá để thanh long bám vào có giá 60.000 đồng, mỗi gốc phải đặt khoảng 4 hom (đoạn thanh long giống – PV), mỗi hom dài khoảng 3 tấc có giá 10.000 đồng, rồi chi phí làm gốc...
Tổng chi phí cho mỗi gốc thanh long là khoảng 120.000 đồng. Về vốn đầu tư đã được ngân hàng hỗ trợ tốt, vấn đề còn lại là việc trang bị kỹ thuật trồng thanh long ruột đỏ cho ND. Nếu làm được khâu tập huấn kỹ thuật, thanh long ruột đỏ sẽ phát triển nhanh ở Trường Xuân B.
Có thể bạn quan tâm
Ngày 12/2, Trung tâm Ứng dụng công nghệ cao tỉnh tổ chức hội thảo đánh giá giống lúa vụ đông xuân 2014-2015. Hội thảo nhằm mục tiêu đánh giá, tuyển chọn và giới thiệu các giống lúa mới triển vọng đã qua khảo nghiệm có năng suất cao, thích nghi với điều kiện canh tác, giúp nông dân lựa chọn những giống lúa phù hợp trong sản xuất.
Cụ thể hóa mục tiêu này, cơ quan có thẩm quyền của tỉnh đã đầu tư hạ tầng cơ sở nhân giống, tạo giống thủy sản, trong đó có Trung tâm Giống thủy sản Gia Lai. Được đưa vào hoạt động giữa năm 2012 nhưng do yếu tố khách quan nên đến đầu năm 2013, Trung tâm Giống thủy sản Gia Lai mới bắt đầu triển khai phần việc ương cá giống.
Sau hơn 2 năm mới có dịp quay lại thôn Nà Nôm, xã Đường Âm, huyện Bắc Mê, một địa danh được nhiều người trong và ngoài huyện biết đến, nhờ việc những người dân nơi đây tiên phong đưa cây hồi - một loại cây lưỡng dụng vừa là cây rừng phủ xanh đất trống đồi núi trọc, vừa là cây dược liệu giúp người dân có thu nhập ổn định hàng năm từ hai loại sản phẩm Hoa thực tế là quả hồi và Tinh dầu vào trồng thành công tại vùng đất này.
Với mong muốn giành được mùa vàng bội thu, khi không khí xuân đang tràn ngập trên khắp đường làng, ngõ xóm và trong mỗi gia đình thì trên khắp các cánh đồng những ngày cuối năm Giáp Ngọ, nhiều bà con nông dân trong tỉnh vẫn nô nức “trảy hội” xuống đồng. Nơi thì khẩn trương thu hoạch nốt diện tích cây vụ đông, nơi thì tích cực san phẳng ruộng, chăm sóc mạ, nơi lại đang khẩn trương gieo cấy lúa xuân. Không khí lao động thật nhộn nhịp.
Thời gian qua, nhiều người nông dân (ND) ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã bỏ công nghiên cứu, sáng tạo ra nhiều loại nông sản “độc”, lạ để bán trong dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, những “nhà khoa học chân đất” này đã gặp không ít trở ngại về bản quyền.