Thành công với mô hình nuôi cá tầm trên núi cao
Trên đỉnh núi mây mù bao phủ, anh Phượng dốc hầu bao, tiên phong xây bể nuôi cá tầm, cá hồi. Sau 2 năm, anh thành công ngoài mong đợi.
Trên đỉnh núi cao, người dân thôn Phiêng Khăm bao đời gắn bó với ruộng đồng, rừng núi, cuộc sống bình lặng. Một ngày nọ, xóm núi xôn xao khi có người về bản tìm mua đất để xây bể nuôi cá. Người này nói với người kia, chẳng mấy chốc, tin có người lên đây nuôi cá tầm đã lan khắp bản. Ở nơi núi rừng này, người lạ đến bản vốn đã ít, chuyện có người đến đầu tư nuôi cá càng ít hơn, nên khiến bà con ai cũng tò mò.
Với dân bản, chuyện nuôi cá trên núi nghe có vẻ lạ, nhưng với anh Triệu Hoàng Phượng, xã Yến Dương, huyện Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn), Phiêng Khăm có tiềm năng lớn nuôi cá nước lạnh.
Từ trên đỉnh núi, dòng suối mát lạnh chảy quanh co theo sườn dốc rồi đến bản, bao năm qua mang nước đến ruộng đồng. Dòng nước mát lạnh ấy cũng là khởi nguồn cho ý tưởng nuôi cá tầm, cá hồi của anh Phượng ở bản Phiêng Khăm này.
Không phải dân bản địa, muốn nuôi cá trước tiên phải có đất, anh Phượng vận động rồi cũng mua được hơn 2.000m2. Có đất, anh xây 3 bể nuôi cá tầm, cá hồi. Nhưng nuôi cá nước lạnh không đơn giản như nuôi rô phi hay cá chép. Thả chưa được bao lâu, đàn cá tầm bị bệnh.
“Buổi sáng, tôi ra kiểm tra thấy cá chết nhiều, lúc đó cũng chưa biết là cá bị bệnh gì. Chỉ thấy cá ngoi lên mặt nước, lờ đờ rồi chết. Lúc đó mới khởi nghiệp gặp ngay thất bại, đã để lại cho tôi bài học quý giá. Hiện, tôi chủ yếu nuôi cá tầm, chứ cá hồi còn ít do chưa có nhiều kinh nghiệm”, anh Phượng chia sẻ.
Những con cá tầm đạt trọng lượng khoảng 3kg sẽ đủ tiêu chuẩn xuất bán. Ảnh: Ngọc Tú.
Không nản chí, anh Phượng học hỏi thêm kinh nghiệm từ bạn bè, những người đã nuôi cá tầm, cá hồi thành công. Để có kinh nghiệm “thực chiến”, anh lặn lội đến thăm những mô hình ở nơi khác, tìm ra nguyên nhân cá bị bệnh, từ đó xây dựng quy trình nuôi hiệu quả.
Sau vụ đầu thất bại, từ những năm sau, đàn cá của anh Phượng dần phát triển tốt, ít bị bệnh, anh cũng bắt đầu có thu nhập từ việc nuôi cá.
Anh Phượng cho biết, mùa hè cá lớn nhanh nhưng nhiệt độ nước cao hơn nên cá dễ phát sinh bệnh. Riêng cá tầm, cá hồi thường có rất nhiều bệnh nên phải cẩn thận, đặc biệt là nguồn nước phải sạch, mát mẻ.
“Về đầu ra, hiện mới bán một ít tại địa phương, tôi chủ yếu bán cho các chợ đầu mối ở Hà Nội. Giá tùy theo thời điểm nhưng trung bình khoảng 220.000 - 250.000 đồng/kg cá tầm. Ban đầu, tôi chỉ làm 3 bể, đến giờ đã xây thêm 2 bể nữa, tổng đàn trên 4.000 con. Mỗi năm, sản lượng đạt từ 5-7 tấn cá thành phẩm”, anh Phượng cho biết thêm.
Theo anh, nuôi cá tầm phải thường xuyên thau rửa bể cá cho sạch. Hằng ngày, cần cho cá ăn 3 lần, đồng thời theo dõi lượng ăn dư thừa để điều chỉnh phù hợp. Cá tầm đạt trọng lượng từ 3kg trở lên sẽ xuất bán, lúc này thịt cá sẽ chắc và thơm ngon. Ngoài bán cho thương lái, anh Phượng còn phục vụ du khách đến tận nơi trải nghiệm.
Nguồn nước sạch, mát mẻ có vai trò rất quan trọng đối với nuôi cá tầm, cá hồi. Ảnh: Ngọc Tú.
Ông Triệu Văn Tài, Trưởng thôn Phiêng Khăm (xã Yến Dương), cho biết, mô hình của anh Phượng phù hợp với điều kiện tự nhiên của thôn. Mô hình hiệu quả, mở ra hướng đi mới cho người dân nơi đây; vừa tạo thêm việc làm, vừa khích lệ người dân tìm hướng phát triển kinh tế mới.
Xã Yến Dương có nhiều dãy núi cao trùng điệp. Từ đỉnh núi, nhiều dòng suối nhỏ chảy về khu vực bản làng phía chân núi. Nước ở những dòng suối này quanh năm mát mẻ, phù hợp với nuôi cá nước lạnh. Ngoài mô hình của anh Phượng, tại các thôn khác của xã Yến Dương cũng đã có một số mô hình nuôi cá tầm, cá hồi mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Có thể bạn quan tâm
Nắm bắt được nhu cầu thị trường, những năm gần đây, nhiều nông dân ở huyện Phú Lương đã từng bước đưa những giống vật nuôi đặc sản, có giá trị kinh tế cao.
Anh Võ Kim Hùng là một thanh niên trẻ nhiệt tình, năng nổ trong các phong trào phát triển kinh tế của địa phương.
Nghề nuôi cá đặc sản trở thành nguồn thu nổi bật của xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang, với tổng doanh thu lên đến hơn 40 tỷ đồng/năm.