Thành công từ nuôi thỏ trên đệm lót sinh học
Mô hình cung cấp cho thị trường những lứa thỏ thịt thơm ngon và thỏ giống được ưa chuộng.
Là một nông dân chất phác, hiền lành quanh năm gắn bó với ruộng vườn. Tuy nhiên, điệp khúc “được mùa mất giá” vẫn đeo đuổi theo người nông dân này. Vậy là, ông Cao Văn Mỹ quyết tìm cho mình một hướng đi mới để có kinh tế khá giả hơn. Trong một dịp đi tham quan những mô hình hay và hiệu quả, ông ghé thăm một trang trại nuôi thỏ có quy mô khá lớn. Từ đó, ông nuôi mơ ước xây dựng trang trại nuôi thỏ để khởi nghiệp làm giàu.
Lúc đầu, ông nuôi thử 10 cặp thỏ bố mẹ. Nhận thấy thỏ là loài dễ nuôi, sinh sản nhanh, vốn lại ít nên ông xây chuồng trại trên khu đất 80 m2 để nuôi 50 cặp thỏ. Chuồng nuôi được chia thành 3 dãy: dãy thỏ mẹ sinh sản, dãy thỏ đực và dãy nuôi thỏ thịt. Mỗi dãy ngăn thành từng lồng, từng ngăn. Lồng nuôi thỏ, được đặt trên các trụ cách mặt đất 1m. Dưới là các ô chứa phân có sử dụng đệm lót sinh học để đảm bảo vệ sinh môi trường và giảm công dọn phân. Mỗi chuồng nuôi thỏ đều có nguồn nước sạch, van uống nước tự động, máng đựng thức ăn riêng nên rất vệ sinh, giúp thỏ sinh trưởng, phát triển tốt, giảm bệnh.
Ông Mỹ chia sẻ: lúc đầu do còn thiếu kinh nghiệm nên thỏ sinh trưởng chậm, hiệu quả chưa cao. Do vậy, ông vừa phải tham khảo thêm kiến thức trong sách báo ngoài, vừa học ngoài thực tế. Nhờ vậy, thỏ phát triển tốt hơn, cho thu nhập cao hơn.
Ông cho biết thêm: Thỏ thường một năm đẻ 7 lứa, mỗi lứa đẻ từ 6 - 7 con, nên số lượng đàn thỏ tăng khá nhanh. Khâu quan trọng nhất quyết định đến thành công hay thất bại là phải nắm vững kỹ thuật nuôi, biết chăm sóc cho thỏ giống, biết phối giống cho thỏ cái. Thông thường, thỏ cái phối giống thích hợp nhất là vào lúc sáng sớm và chiều tối. Phải có bảng ghi chú trước chuồng nuôi để tránh đồng huyết. Các loại thỏ bố, mẹ, thỏ con và thỏ đã tách đàn nhốt trong các ô riêng, theo dõi sức khỏe và vệ sinh hàng ngày để đảm bảo cho thỏ luôn sạch sẽ. Trong những năm gần đây, do nhu cầu của thị trường khá cao nên gia đình quyết định nuôi hơn 150 cặp thỏ sinh sản và mở rộng chuồng trại.
Mô hình nuôi thỏ trên đệm lót sinh học này rất dễ thực hiện, sử dụng men Balasa-No1 theo hướng dẫn để phối trộn đệm lót, giá thành lại rẻ. Một bì có thể sử dụng cho cả chuồng trong 2 - 3 tháng mà không tốn công dọn phân. Nuôi thỏ trên đệm lót sinh học rất sạch sẽ, không có mùi hôi nên không ảnh hưởng đến môi trường. Hơn nữa, còn giúp thỏ phát triển tốt, ít bị bệnh về đường ruột,…
Về cách nuôi dưỡng, chăm sóc: con giống chọn lựa phải sạch bệnh. Thức ăn chủ yếu của thỏ là lá cây họ đậu, lá rau và các loại củ (bí đỏ, cà rốt, khoai, sắn). Ông có một sào ruộng trồng rau muống để cung cấp thức ăn cho thỏ. Điều cần phải lưu ý là thức ăn cho thỏ phải sạch, trong đó 70% là cây cỏ và 30% là cám. Bên cạnh đó, việc vệ sinh chuồng trại và kiểm tra sức khỏe của thỏ phải được ưu tiên hàng đầu. Thỏ rất dễ mắc bệnh ghẻ lở, nấm, tiêu chảy, tụ huyết trùng... Nên cần phải tăng sức đề kháng cho thỏ bằng cách bổ sung vitamin đầy đủ. Chuồng nuôi phải thoáng mát vào mùa hè và ấm vào mùa đông … Đặc biệt, trong vườn, ông còn trồng cây chè đắng làm thức ăn cho thỏ nhưng đây cũng là cây dược liệu giúp thỏ hạn chế phải dùng các loại thuốc kháng sinh.
Do được chăm sóc tốt nên thỏ sinh trưởng nhanh, khoảng 2 tháng đã đạt trọng lượng 1,5 - 1,8 kg/con và có thể xuất chuồng. Với giá bán 75.000 – 80.000 đồng/kg, trung bình mỗi lứa thỏ thịt xuất chuồng cho thu lãi từ 10 -15 triệu đồng/tháng. Còn thỏ giống bán giá 120.000 đồng/kg, cũng thu được 10 triệu đồng/tháng.
Thịt thỏ của gia đình Mỹ được đánh giá là thơm, ngon và chắc thịt nên được nhiều người ưa chuộng. Số lượng người đặt mua ngày một đông và ổn định nhất là các nhà hàng tại thành phố Tuy Hòa và các tỉnh Bình Định, Khánh Hòa,…, Nhiều lúc không có đủ sản phẩm để cung ứng. Đây cũng là mô hình nuôi thỏ trên đệm lót sinh học đầu tiên trong xã. Mô hình đã giúp gia đình ông Mỹ cải thiện cuộc sống, phát triển kinh tế và trở thành mô hình cho nhiều nông dân trong vùng đến học hỏi.
Có thể bạn quan tâm
Nhờ ham học hỏi, dày công chăm sóc, anh Nguyễn Thành Khôi (SN 1990), thôn Thượng Vũ, xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đã thu nhập cả trăm triệu đồng.
Ứng dụng hệ thống tuần hoàn nước để nuôi cua 2 da trong hộp nhựa đặt trong nhà có mái che, anh Lê Ngọc Phú.
Nhận định được nhu cầu tiêu thụ nấm sạch của người tiêu dùng ngày càng lớn, chị Hồ Thị Thanh Hồng.