Thành công từ mô hình vườn - ao - chuồng, thu 1 tỷ đồng/năm
Xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn (Vĩnh Long) có nhiều nông dân làm giàu từ trồng cam, quýt, bưởi, xoài, nhãn… Tuy nhiên, cũng có một số người thành công nhờ mô hình vườn - ao - chuồng (VAC).
Ông Nguyễn Văn Hào bên vườn cam sắp thu hoạch
Người thực hiện đạt hiệu quả cao nhất là ông Nguyễn Văn Hào (Năm Hào), 65 tuổi ở ấp Mỹ An, xã Tân Mỹ, một nông dân từng đạt danh hiệu nông dân SXKD giỏi cấp huyện và cấp tỉnh. Mới đây ông được Tỉnh ủy Vĩnh Long công nhận là nông dân tiêu biểu “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Ông Năm Hào có hơn 8 công đất ruộng và 5 công đất vườn. Vườn cây ăn trái trước kia hầu hết là cây tạp nên ông đã mạnh dạn cải tạo, lên liếp trồng lại dừa và măng cụt. Dưới mương thả cá tai tượng, trên bờ làm chuồng nuôi heo. Nhưng từ khi giá heo khủng hoảng ông chuyển sang nuôi bò thịt và bò sinh sản. Hiện trong chuồng có 10 con bò mẹ, mỗi năm sinh từ 6 – 10 bê, giá bán mỗi con bê đực 20 triệu. Còn bò thịt giá mỗi con từ 40 triệu trở lên.
Ông Năm Hào đã mạnh dạn chuyển hơn 8 công ruộng sang trồng nhãn Ido xen với cây cam sành được 3 năm. Đợt thu hoạch nhãn đầu tiên cho 7 tấn trái bán được 300 triệu đồng. Riêng cam sành nhờ thu hoạch rải vụ, cả năm được 40 tấn trái, giao cho thương lái với giá từ 11.000 – 13.000đ/g, thu hơn 400 triệu đồng.
Mỗi năm ông Hào xuất bán 2.000 cây nhãn giống Ido
Ông còn tận dụng mặt đất trong vườn cây để trồng cỏ nuôi bò và trồng thêm mai vàng để bán Tết tăng thêm thu nhập. Ngoài ra ông còn tận dụng phế phẩm nuôi bò để ủ phân bón cho cây và thiết kế túi biogas thay cho bếp điện rất tiện lợi, đồng thời hạn chế được ô nhiễm môi trường.
Về chăn nuôi, năm rồi tiền bán bò thịt và bò giống trên 350 triệu. Ngoài ra mỗi năm ông còn thu nhập từ tiền bán dừa, măng cụt, cá giống tai tượng và cây giống trên 200 triệu đồng. Theo tính toán, sau khi trừ hết các chi phí về nhân công và tiền phân thuốc, mô hình VAC của ông năm 2017 còn lời trên 1,1 tỷ.
Ông cho biết tất cả các loại cây ăn trái đều canh tác theo hướng sạch nhờ dùng phân hữu cơ, hạn chế tối đa phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật. Hướng tới, ông sẽ thực hiện khuyến cáo của Phòng Nông nghiệp huyện, chọn cây giống sạch bệnh, năng suất cao, chất lượng bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm để hướng đến sản xuất bền vững.
Hiện ông Năm Hào là Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Mỹ An, Ngoài chăm sóc vườn nhà, ông còn hướng dẫn bà con chăn nuôi, trồng nhãn, trồng cam tiến tới làm giàu. Để nắm bắt được kỹ thuật tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng và sản lượng cây trồng, vật nuôi, ông đã chịu khó học hỏi, nghiên cứu và dự nhiều lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật do huyện và tỉnh tổ chức. Nhờ vậy mà ông ngày càng nâng cao thêm kiến thức...
Đàn bò sinh sản của ông Hào mỗi năm đẻ từ 6 – 10 con bê
Ông Trần Đức Thanh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Mỹ đánh giá, ông Năm Hào là một nông dân cần cù, sáng tạo, đã thực hiện mô hình nông nghiệp khép kín, đạt hiệu quả kinh tế cao đáng để cho nhiều người học tập. Ngoài SXKD, ông con hỗ trợ bà con về kỹ thuật và giúp vốn cho hộ còn khó khăn có điều kiện phát triển kinh tế gia đình.
Có thể bạn quan tâm
Mỗi năm, sầu riêng cho ông Hùng lợi nhuận trên 4 tỷ đồng, gấp nhiều lần trồng điều. Ông Hùng cũng là người đầu tiên đứng lên thành lập HTX
Trong những năm qua, nghề trồng cam sành đã giúp nhiều hộ dân ở H.Trà Ôn (Vĩnh Long) phát triển kinh tế gia đình, một số hộ vươn lên thành tỉ phú.
Từ Gia Lai, ông Nguyễn Duy Đô (52 tuổi, ở xã Kon Gang, H.Đăk Đoa) lặn lội ra Nghệ An mua giống cam Vinh mọng nước rồi đem về trồng thử nghiệm đạt hiệu quả cao