Trang chủ / Tin tức / Tin thủy sản

Thành công từ mô hình cá lóc bông

Thành công từ mô hình cá lóc bông
Tác giả: Rạng Đông
Ngày đăng: 13/08/2018

Nhiều năm nay, anh Trương Hoài Phong ngụ tại xã Tân Hải, thị xã La Gi được nhiều người biết đến bởi sự năng động, sáng tạo, chăm chỉ lao động, sản xuất cũng như việc áp dụng thành công mô hình cá lốc bông để làm giàu chính đáng.

Mô hình Cá lóc bông của gia đình anh Trương Hoài Phong

Sinh ra tại vùng quê nghèo ở huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Năm 1998, anh Phong theo gia đình vào La Gi lập nghiệp, không lâu sau đó anh lập gia đình , cuộc sống đôi vợ chồng trẻ những ngày đầu khó khăn vô cùng. Nhưng hai vợ chồng anh Phong vẫn quyết tâm đồng lòng, nỗ lực làm lụng, tích luỹ vốn trồng thanh long. Năm 2001, vợ chồng anh Phong bắt tay vào trồng thanh long – loại cây trồng thế mạnh ở địa phương và đã thu lại kết quả cao. Từ đồng vốn thu được từ việc trồng thanh long. Năm 2004, vợ chồng anh Phong mạnh dạn “ lấn sân” nuôi trồng thuỷ sản. Đúc kết từ việc học hỏi từ các phương tiện thông tin đại chúng và đi tham khảo thực tế các mô hình nuôi trồng thuỷ sản thành công ở các tỉnh bạn, vợ chồng anh Phong quyết định  đào ao  nuôi cá lóc bông.

Cá lóc bông là loài cá dữ nhưng thịt thơm ngon và rất được ưa chuộng, kích cỡ cá lớn nhất đạt tới chiều dài 130cm, nặng 20kg. Cá thành thục vào khoảng 23-24 tháng tuổi, khoảng nhiệt độ thích hợp nhất cho cá sinh trưởng từ 20-30oC. Độ mặn 0-16%o thích hợp cho sự phát triển của cá lóc bông. Cá có thể chịu được độ pH=4, có khả năng chịu đựng tốt ở môi trường thiếu oxy. Nắm được những đặc tính sinh học cùa cá lóc bông, nhu cầu của thị trường cũng như năng suất và lợi nhuận thu được khá cao. Năm 2004, anh Phong nuôi thử nghiệm 50.000 con giống trên 2.000m2mặt nước và kết quả thu được ngoài mong đợi, anh thu hoạch được 30 tấn cá, trừ mọi chi phí thu lãi gần 200 triệu đồng.

Anh Phong cho biết: “ Muốn nuôi cá lốc bông đạt hiệu quả cần phải cố gắng nghiên cứu và ứng dụng chặt chẽ quy trình kỹ thuật nuôi từ khâu chuẩn bị ao nuôi, chọn giống, quản lý chăm sóc đến thu hoạch…”

Ao nuôi cá lóc bông phải có diện tích từ 500m2 trở lên, độ sâu đạt đạt từ 2,5-3m, trước khi thả cá phải tát cạn ao, vét bùn đáy, lấp hết các hang hóc, rải vôi đáy ao từ 10-15kg/m2, phơi nắng từ 2-3 ngày rồi mới cấp nước vào ao để thả cá; cần chọn giống cá lóc bông có chất lượng tốt, cá giống phải đều cỡ từ 15-20g/con, thả nuôi với mật độ phù hợp từ 20-25con/m2. Thức ăn sử dụng cho cá là cá tạp, cá vụn, cua, ốc…khẩu phần ăn từ 3-5%, cá càng lớn thì khẩu phần ăn càng giảm dần, cần bổ sung thêm thức ăn chế biến để đảm bảo nguồn thức ăn dồi dào cho cá bằng cách cho cá ăn thức ăn chế biến từ các nguồn nguyên liệu trên nấu với tấm, cám, trong đó cá tạp chiếm 50%, và người nuôi cần phải lưu ý hàm lượng đạm trong thức ăn phải đảm bảo từ 25-35%. 

Bên cạnh đó, để cá phát triển tốt cần quản lý tốt môi trường ao nuôi bằng cách thay nước thường xuyên cho ao nuôi theo thủy triều hoặc bơm nước định kỳ hàng tuần 30% lượng nước; bổ sung thêm các loại thuốc và khoáng chất để tăng sức đề kháng cho cá, định kỳ diệt khuẩn, bổ sung  lượng vi sinh để tăng cường phân hủy đáy ao, tránh những mầm bệnh gây hại cho cá. 

Sau khi nuôi từ 8-10 tháng, cá đạt kích cỡ thương phẩm từ 0,8-1,5kg/con thì thu hoạch, khi thu hoạch phải ngưng cho cá ăn trước đó 1 ngày. Có thể nói, đây là một mô hình kinh tế mới, dễ nuôi lại đạt hiệu quả kinh tế cao, có thể nuôi quanh năm.

Sau một thời gian nuôi cá lốc bông hiệu quả, gia đình anh Phong đã mở rộng diện tích ao nuôi cá lên tới 8.000m2. Từ đó, tạo việc làm cho hơn chục lao động địa phuơng. Được biết, mỗi năm gia đình anh Phong thu hoạch trên 200 tấn cá.

Nhờ chăm chỉ, chịu khó và áp dụng đúng quy trình kỹ thuật nuôi, m ỗi năm gia đình anh Phong thu lãi hơn 700 triệu đồng. Từ đây, gia đình có điều kiện mua đất, cất nhà và nuôi con cái ăn học đại học. Đồng thời, với việc áp dụng thành công mô hình cá lốc bông của gia đình  anh Hoài Phong cũng mở ra một hướng nuôi trồng thuỷ sản mới ở địa phương La Gi.


Có thể bạn quan tâm

Bảo vệ ngao mùa nắng nóng Bảo vệ ngao mùa nắng nóng

Những năm gần đây, nghề nuôi ngao đang trở thành thế mạnh trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho ngư dân, đóng góp kinh tế

10/08/2018
Kỹ thuật mới tăng hiệu quả nuôi tôm càng xanh Kỹ thuật mới tăng hiệu quả nuôi tôm càng xanh

Mô hình nuôi tôm càng xanh thuộc Dự án AMD tại xã Mỹ An, huyện Thạnh Phú.

11/08/2018
Nuôi hải sâm, ốc hương: Hướng đi mới của ngư dân Quảng Ngãi Nuôi hải sâm, ốc hương: Hướng đi mới của ngư dân Quảng Ngãi

Để khôi phục lại nghề nuôi trồng thủy sản, tỉnh Quảng Ngãi đã đưa mô hình nuôi ốc hương và hải sâm ở vùng cát ven biển, bước đầu cho hiệu quả tích cực.

13/08/2018