Nuôi hải sâm, ốc hương: Hướng đi mới của ngư dân Quảng Ngãi
Để khôi phục lại nghề nuôi trồng thủy sản, tỉnh Quảng Ngãi đã đưa mô hình nuôi ốc hương và hải sâm ở vùng cát ven biển, bước đầu cho hiệu quả tích cực.
Nuôi hải sâm, ốc hương đang là hướng đi mới của ngư dân Quảng Ngãi. (Ảnh minh họa: KT)
Huyện Mộ Đức là nơi có diện tích nuôi tôm trên cát lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi. Nơi đây, nhiều gia đình khá giả nhờ nuôi tôm. Thế nhưng, sau những năm đầu ăn nên làm ra, người nuôi tôm mở rộng diện tích, không theo quy hoạch dẫn đến môi trường bị ô nhiễm, tôm dịch bệnh chết hàng loạt. Thua lỗ liên miên nên nghề nuôi tôm trên cát ở đây cũng lụi tàn theo. Để khôi phục lại nghề nuôi trồng thủy sản ven biển, tỉnh Quảng Ngãi đã đưa nhiều loài hải sản mới vào thả nuôi và bước đầu đã cho hiệu quả tích cực. Trong đó, mô hình nuôi ốc hương và hải sâm ở vùng cát ven biển là điển hình.
Những hồ nuôi tôm bỏ hoang nhiều năm ở thôn Thạch Thang, xã Đức Phong, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi giờ đang “sống” lại. Âm thanh của những chiếc máy sục khí lại vang lên. Hàng chục hồ nuôi tôm vừa được cải tạo, che lưới, xử lý kỹ thuật ao nuôi và môi trường nước để thả ốc hương và hải sâm.
Anh Nguyễn Hưng, ở xã Đức Phong, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi đang rất háo hức với công việc mới sau nhiều năm bỏ hồ vì nuôi tôm thất bại. Anh Hưng chia sẻ, khác với nuôi tôm phải đóng giếng khoan, lấy nước ngầm rồi đem trung hòa với nước biển, việc nuôi ốc hương, hải sâm chỉ lấy nguồn nước biển bơm từ ngoài biển vào hồ. Hồ được chia thành hai ngăn, phía sát bờ để nuôi hải sâm, còn bên trong dành nuôi ốc hương. Sau 2 tháng thả nuôi ốc hương và hải sâm, hai loài này đang phát triển khá tốt đã mở ra nhiều hi vọng mới cho những người như anh Hưng.
Nuôi ốc hương và hải sâm là mô hình mới nằm trong chương trình khuyến nông của huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Huyện đã đầu tư 214 triệu đồng và chọn 4 nhóm hộ nuôi trên diện tích mặt hồ rộng 4000m2. Mật độ thả nuôi 200 con ốc hương/m2 và 2.500 con hải sâm. Hai loài này có sự hỗ trợ cho nhau trong việc thả nuôi, góp phần ổn định môi trường nuôi trong hồ vì loài hải sâm ăn thức ăn thừa của ốc hương.
Ông Nguyễn Ngọc Tưởng, Giám đốc Trung tâm khuyến nông huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi cho hay: “Sau nhiều năm nuôi tôm thất bại, huyện có chủ trương tìm vật nuôi thay thế. Sau đó đã làm việc với Trung tâm 3 ở Nha Trang và đưa ốc hương nuôi kết hợp với hải sâm. Mục đích của hải sâm là tạo môi trường tốt cho con ốc hương”.
Chuyện thả nuôi ốc hương kết hợp với hải sâm mở ra hướng đi mới cho vùng nuôi thủy sản trên cát ở huyện Mộ Đức. Việc này xuất phát từ thực tế, sau khi nuôi tôm thất bát nhiều năm, một số hộ chuyển sang nuôi ốc hương kết hợp với cá dìa ở xã Đức Thắng và đã thành công.
Ông Vũ Nhân, Phó Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Mô hình này thành công thì huyện sẽ nhân rộng ra toàn bộ diện tích trên địa bàn của huyện. Huyện sẽ đặt vấn đề với đơn vị thu mua sản phẩm ký kết hợp đồng một cách bền vững và bao tiêu sản phẩm để nông dân yên tâm”.
Nuôi thủy sản trên vùng đất cát là một lợi thế của các địa phương ven. Tuy nhiên, bài học về nghề nuôi tôm trên cát vẫn còn hiện hữu. Trong đó, yếu tố môi trường vùng nuôi phải được chú trọng để ngăn ngừa dịch bệnh giúp cho nghề nuôi phát triển bền vững.
Có thể bạn quan tâm
Tỷ lệ giữa Carbon và Nitơ (C/N) đã được sử dụng để đánh giá tình trạng chất hữu cơ của đất và tính hữu dụng của phân chuồng cũng như các nguồn hữu cơ
Những năm gần đây, nghề nuôi ngao đang trở thành thế mạnh trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho ngư dân, đóng góp kinh tế
Mô hình nuôi tôm càng xanh thuộc Dự án AMD tại xã Mỹ An, huyện Thạnh Phú.