Thành công từ chuyển đổi cơ cấu
Xuân muộn - “vị cứu tinh”
Vụ xuân năm nay, diện tích gieo cấy toàn tỉnh tăng vượt trội với trên 57.000 ha. Tuy nhiên, ngay khi mùa vụ mới bắt đầu thì thời tiết đã có biểu hiện bất thuận, mưa ẩm, sương mù suốt cả tháng, trùng vào thời điểm các trà lúa bắt đầu đẻ nhánh. Giữa lúc độ đạm đồng ruộng ở mức cao nhất, kết hợp với thời tiết nóng ẩm là môi trường “kích hoạt” bệnh đạo ôn. Hệ quả là chỉ trong vòng 1 tuần lễ, bệnh dịch này đã “ngốn” trọn 700 ha. Chưa kịp phục hồi thì đồng ruộng lại chịu sự tấn công của chuột, sâu cuốn lá, đặc biệt là trận mưa vào cuối tháng 4 vừa qua. Dù mức ảnh hưởng không phổ biến trên diện rộng nhưng ở một số nơi như vùng thượng Thạch Hà, Lộc Hà, TP Hà Tĩnh, năng suất sụt giảm nghiêm trọng.
Đối mặt với nhiều khó khăn nhưng vụ lúa xuân 2015 vẫn được đánh giá là thắng lợi. Đây chính là câu trả lời từ thực tiễn cho việc chuyển đổi cơ cấu mùa vụ. Ông Lê Ngọc Hà - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Với cơ cấu 100% trà xuân muộn, chúng tôi có thể thực hiện quy trình đồng nhất về giống, thời vụ, thâm canh và thu hoạch. Vì thế, năng suất trung bình toàn huyện khá đồng đều mặc dù một số diện tích bị ảnh hưởng trong đợt mưa cuối tháng 4. Điều này cũng đã tạo điều kiện để các địa phương đầu tư cơ giới hóa, thời gian thu hoạch được rút ngắn để bà con sớm bắt tay làm đất hè thu. Hiện nay, toàn huyện có 65 máy gặt đập liên hợp”. Cẩm Xuyên đang là huyện đứng thứ 3 toàn tỉnh về năng suất với 56 tạ/ha (sau Đức Thọ và Can Lộc), vượt mốc trung bình của tỉnh gần 2 tạ/ha. Trong đó, có những địa phương nổi trội như: Cẩm Bình (59 tạ/ha), Cẩm Thăng (58,8 tạ/ha), Cẩm Nam (58,5 tạ/ha).
Nhìn rộng ra toàn tỉnh, năm nay, xuân muộn gần như giành được vị trí “độc tôn” trong cơ cấu giống của tỉnh. 92% trong tổng số 57.000 ha là con số đủ để các địa phương tổ chức lại sản xuất, tái cơ cấu nền sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, đồng nhất khép kín từ giống đến sản phẩm. Chẳng còn cảnh đồng ruộng “lổm nhổm”, cơ cấu cùng một trà giống đã góp phần tạo nên sự đồng nhất cho thời vụ. Theo tổng hợp từ ngành chuyên môn, năng suất bình quân toàn tỉnh đạt 54,4 tạ/ha, ngoại trừ những địa phương luôn giữ “phong độ” dẫn đầu như: Đức Thọ (57,1 tạ/ha); Vũ Quang (61,3 tạ/ha), Can Lộc (57,5 tạ/ha) thì năm nay, khoảng cách giữa các vùng gần như được xóa bỏ.
Cuộc chạy đua dòng giống chất lượng
Diễn ra vài năm nay nhưng phải đến vụ xuân 2015, cuộc chạy đua tạo thương hiệu bằng nhóm giống chất lượng, năng suất cao mới thể hiện rõ ở các địa phương. Tất nhiên, không giống như trước - “trăm hoa đua nở”, cánh đồng trở nên “vá chằng vá đụp” bởi các mô hình giống mới mà tất cả đều được cơ quan chuyên môn kiểm soát chặt chẽ đầu vào. Theo đó, các địa phương có phương án quy hoạch lại đồng ruộng, xây dựng những cánh đồng tập trung quy mô lớn, gắn với hợp đồng thu mua.
Ông Phan Văn Cường - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Can Lộc cho biết: “Vụ xuân 2015, lúa hàng hóa chiếm 30% diện tích toàn huyện (9.130 ha). Trong đó, chúng tôi hướng đến những giống có tiềm năng năng suất như: BTE1, Bắc thơm số 7, nếp, Thiên ưu 8 và TH3-5. Các loại này đều cho năng suất 70-75 tạ/ha, hơn giống đại trà từ 10-15%. Điều quan trọng, mỗi giống sẽ gắn với thương hiệu gạo của từng địa phương và tất cả đều được liên kết với doanh nghiệp, cơ sở thu mua lúa gạo lớn nhằm tạo ra thị trường ổn định cho bà con nông dân”.
Trong số tập đoàn giống mới, được nhắc đến nhiều trong vụ xuân năm nay vẫn là Thiên ưu 8. “Bén duyên” với Hà Tĩnh từ vài năm nay, vụ xuân 2015, loại giống này đã mở rộng diện tích sản xuất thử đạt tối đa 500 ha. Nhiều nhất là ở Cẩm Xuyên và Can Lộc, mỗi huyện đến vài trăm ha. Thiên ưu 8 đã khẳng định các tính năng ưu việt: ít sâu bệnh, thời gian sinh trưởng ngắn và cho năng suất cao (65-70 tạ/ha). Hay như RVT, một trong những loại giống có gạo thương phẩm đứng hàng đầu về chất lượng hiện nay. Vượt ra khỏi những địa phương có ưu thế thâm canh (Đức Thọ, Cẩm Xuyên), năm nay, RVT đã phổ rộng ở nhiều địa phương khác với diện tích gần 1.000 ha.
Ông Trần Nam Thanh (Kỳ Hưng - thị xã Kỳ Anh) cho biết: “Giống RVT trung bình lúa bán giá 8.000-9.000 đồng/kg và thành phẩm gạo thì 15.000- 16.000 đồng/kg. Đến kỳ thu hoạch là các đại lý gạo ở TP Hà Tĩnh và Vũng Áng đến đặt hàng, có bao nhiêu, người ta lấy bấy nhiêu”.
Không phải bức tranh thu hoạch vụ xuân 2015 không có những khoảng tối. Có thể nói, điều kiện thời tiết khắc nghiệt năm nay chính là “đòn chí mạng” đối với giống Xi 23. Đạo ôn đầu vụ, giống Xi 23 “lãnh đủ” với hàng trăm ha không thể phục hồi, tiếp đến là trận mưa xối xả ngay giữa thời kỳ trổ bông đã khiến cho những diện tích còn sót lại gần như bị quật ngã, gieo lúa, gặt rơm, năng suất sụt giảm “tận đáy”. Còn nhớ cách đây ít năm, khi cuộc cách mạng xóa bỏ trà xuân sớm bắt đầu, hàng nghìn ha lúa IR 1820 cũng từng bị “xóa trắng” khi không qua khỏi đợt rét dài ngày. Sự mất mát đó đã được đền đáp thích đáng khi người nông dân rũ bỏ được tập quán cũ để đổi mới sản xuất. Cuộc cách tân cho vụ xuân chỉ một trà lúa xuân muộn đang rộng cửa…
Có thể bạn quan tâm
Đầu tháng 10-2013, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Bình Đại (Bến Tre) phối hợp với Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Bình Đại tổ chức thí điểm mô hình nuôi lươn trên cạn cho hộ nghèo tại xã Phú Thuận.
Những ngày này đi vào vùng trồng ớt thuộc xã Cự Nẫm, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) mới có thể thấy hết không khí nhộn nhịp của người trồng ớt nơi đây. Nhiều rẫy ớt nằm san sát nhau cùng rộ lên một màu đỏ thắm của ớt chín với cảnh rộn rã nói cười của người thu hoạch ớt...
Hơn 10 năm nay, nhiều hộ nông dân tại xã Đức Minh, huyện Đăk Mil, tỉnh Đắk Nông đã thành công trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, điển hình như hộ gia đình ông Nguyễn Minh Hoàng (thôn Vinh Đức) với mô hình nuôi nai đạt hiệu quả cao.
Vào vụ cá nam năm nay, nhất là thời gian gần đây ở Bình Thuận, mỗi chuyến biển ra khơi ngư dân trở về với những khoang cá cơm đầy ắp. Ở các bến cảng tấp nập tàu thuyền tập kết, tiếng cười, tiếng nói ngư phủ cũng rộn rã hơn sau những ngày “hái bạc”…
Không mất nhiều công gieo vãi, chăm sóc, chi phí đầu tư thấp, có tác dụng làm đất tơi xốp, bên cạnh đó còn tận dụng được diện tích đất 2 lúa, nên cây đậu tương đã và đang trở thành cây trồng được tỉnh Thanh Hóa lựa chọn để trồng trong vụ đông trên chân đất 2 lúa trong nhiều năm qua.