Thái Nguyên: Sản xuất chè trong nhà kính đem lại hiệu quả cao
Vùng chè Tức Tranh, Vô Tranh, Phú Đô (huyện Phú Lương) cũng là một trong những vùng chè nổi tiếng ở tỉnh Thái Nguyên. Hiện nay, các hộ dân đã mở rộng diện tích, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm chè. Mô hình sản xuất chè trong nhà kính theo tiêu chuẩn VietGAP của gia đình anh Đinh Quốc Văn đã mang lại kết quả khả quan.
Anh Đinh Quốc Văn (bên trái) đang trao đổi kỹ thuật sản xuất chè với cán bộ khuyến nông huyện Phú Lương
Anh Đinh Quốc Văn sinh năm 1976 tại xóm Trung Thành 1, xã Vô Tranh, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên. Gia đình anh hiện có hơn 1 ha chè, chủ yếu là các giống chè cành như Phúc Vân Tiên, Bát Tiên và Kim Tuyên.
Trước đây mỗi năm gia đình anh chỉ thu hoạch 6 -7 lứa chè chính vụ (từ tháng 3 – tháng 10 hàng năm). Năm nào thời tiết thuận lợi, không giá rét được thu thêm 1 – 2 lứa chè đông. Giá bán chè trái vụ cao hơn chè chính vụ từ 1,5 đến 2 lần, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán khi nhu cầu tiêu thụ chè tăng cao.
Để chủ động sản xuất chè vụ đông tăng thu nhập cho gia đình, qua tìm hiểu nhận thấy nhiều hộ nông dân áp dụng nhà kính để sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả cao, lại vốn đam mê áp dụng khoa học kỹ thuật nên anh Văn quyết tâm đầu tư thử nghiệm nhà kính tại vườn chè gia đình mình.
Năm 2014, tận dụng tre, nứa tại vườn nhà, anh mua màng nilon làm dàn che cho chè, diện tích ban đầu chỉ 200 m2. Có kinh nghiệm chăm sóc chè, diện tích chè được che phủ nilon đã tránh được thời tiết giá lạnh nên phát triển tốt. Mùa đông năm đó gia đình anh thu thêm 2 lứa chè trái vụ. Năm 2015, gia đình anh mở rộng diện tích nhà kính lên 700 m2.
Anh Văn cho biết, sản xuất chè trong nhà kính có rất nhiều ưu điểm như ở điều kiện thời tiết mùa đông trong nhà kính vẫn đảm bảo được nhiệt độ thích hợp cho cây chè; bảo đảm ánh sáng, tránh được sương muối ảnh hưởng đến búp chè; hơn nữa trong nhà kính độ ẩm của đất được giữ tốt hơn nên giảm được lượng nước tưới cho cây… Đặc biệt nhà kính ngăn cản bị côn trùng, sâu bệnh xâm nhập, phá hoại nên giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật so với sản xuất chè thông thường.
Tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm chè, anh Văn vận động bà con trong vùng đứng ra thành lập tổ hợp tác sản xuất chè an toàn, sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP. Cuối năm 2015 tổ hợp tác sản xuất chè an toàn xóm Trung Thành 1, xã Vô Tranh, huyện Phú Lương do anh Đinh Quốc Văn là tổ trưởng được Trung tâm Kiểm định chất lượng giống và vật tư hàng hóa nông nghiệp Thái Nguyên cấp Giấy chứng nhận sản phẩm chè an toàn theo quy trình VietGAP (Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) cho 26 hộ dân, với diện tích 10 ha chè. Cở sở sản xuất chè gia đình anh Văn đảm nhận thu mua, chế biến, tiêu thụ chè của các tổ viên tổ hợp tác chè an toàn. Hiện tổ hợp tác đang làm thủ tục xin gia hạn chứng nhận trong 2 năm tiếp theo.
Năm 2016, được sự giúp đỡ của Trạm Khuyến nông huyện Phú Lương, anh Văn mở rộng diện tích sản xuất chè trong nhà kính lên 2.000 m2; đầu tư lắp đặt khung vườn chè bằng thép mạ kẽm với thiết kế chịu lực và chống gió, phủ lợp bằng màng kính do Israel sản xuất; lắp đặt hệ thống tưới phun tự động trên toàn bộ diện tích chè của gia đình và được điều khiển qua sóng điện thoại… Màng nhà kính do Israel sản xuất với nhiều lớp màng còn tạo nên môi trường có nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng ổn định, vì vậy có thể trồng cây quanh năm.
Đồng thời, gia đình anh đầu tư 02 bộ tôn quay để sao chè và 02 máy vò chè chạy điện; mua máy hút chân không, máy đóng gói, tủ bảo ôn bảo quản chè… đảm bảo chất lượng sản phẩm chè khi xuất bán ra thị trường… Cơ sở sản xuất của gia đình còn thuê 5 lao động chăm sóc và chế biến chè.
Tại Lễ hội Vinh danh các làng nghề chè huyện Phú Lương lần thứ nhất (tháng 11 năm 2017), gia đình anh Văn tham gia và đạt giải Nhất phần thi nương chè đẹp.
Trước đây chè búp khô tại địa phương chỉ bán được 100 – 150 nghìn đồng/kg, nay sản xuất theo quy trình VietGAP mỗi kg chè búp khô người dân bán được giá trung bình 300 nghìn đồng. Vụ chè năm 2017 (với hơn 4000 m2 chè kinh doanh và 6.000 m2 chè kiến thiết cơ bản) gia đình anh Đinh Quốc Văn dự kiến thu hoạch 1,7 tấn chè búp khô, lãi trên 238 triệu đồng; đồng thời thu mua, chế biến trên 5 tấn chè búp khô, thu lãi trên 150 triệu đồng.
Sản phẩm chè của cơ sở gia đình anh Văn hiện được tiêu thụ tại thị trường thành phố Thái Nguyên, Hà Nội và một số tỉnh phía Nam. Gia đình anh có kế hoạch mở rộng thị trường tiêu thụ để đẩy mạnh tiêu thụ chè cho bà con trong thôn; sẽ mở rộng diện tích chè trong nhà kính sản xuất theo quy trình VietGAP trên toàn bộ diện tích hơn 01 ha chè của gia đình và sẽ chuyển đổi hơn 01 ha vườn tạp sang trồng chè. Sản phẩm chè VietGAP sẽ được gắn tem nhãn truy xuất nguồn gốc; người tiêu dùng chỉ cần dùng điện thoại thông minh quét mã vạch ở mặt ngoài của tem sẽ rõ các thông tin về nguồn gốc, địa chỉ sản xuất… sản phẩm chè./.
Có thể bạn quan tâm
Mạnh dạn chuyển đổi một số diện tích cà phê già cỗi, năng suất thấp sang trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP cung cấp cho thị trường sản phẩm sạch.
Với 150 đàn ong nội, trung bình mỗi năm anh Trần Văn Hưng thu về hơn 2 nghìn lít mật ong. Sản phẩm được SX theo tiêu chuẩn VietGAP luôn được khách hàng tin dùng
Theo ông Lê Quốc Cường, GĐ Trung tâm BVTV phía Nam, với tình hình thời tiết bất thuận, dịch hại trên cây trồng có khả năng bùng phát mạnh.