Đáng nể tấm gương nuôi ong VietGAP, mỗi năm thu hơn 2 ngàn lít mật sạch
Với 150 đàn ong nội, trung bình mỗi năm anh Trần Văn Hưng (SN 1962, tổ 4, phố Ngọc, xã Trung Minh, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) thu về hơn 2 nghìn lít mật ong. Sản phẩm được SX theo tiêu chuẩn VietGAP luôn được khách hàng tin dùng.
Anh Hưng kiểm tra thùng ong
Dẫn chúng tôi đi tham quan trang trại nuôi ong của gia đình, anh Hưng chia sẻ, năm 2013, anh sang nhà một người bạn chơi thì được bạn cho 3 đàn ong nội về nuôi. Sau một năm, gia đình anh thu về được hơn 60 lít mật.
Nhận thấy nghề ong cho thu nhập khá nên anh Hưng bắt đầu học hỏi kinh nghiệm nhân đàn và mua thêm khoảng 20 đàn ong nội về nuôi cùng. “Sau một năm, 3 đàn ong cho thu hoạch hơn 60 lít mật. Thấy nghề nuôi ong cũng cho thu nhập khá nên tôi bàn với vợ quyết định nhân rộng đàn và mua thêm khoảng 20 đàn ong nội về nhập đàn với đàn ong cũ”, anh Hưng bộc bạch.
Năm 2015, anh Hưng bắt đầu nuôi ong sạch. Để có những kiến thức về kỹ thuật chăm sóc ong theo tiêu chuẩn VietGAP, anh đã đăng ký học lớp tập huấn. Sau khi có kiến thức cơ bản về nuôi ong theo quy trình VietGAP, anh Hưng áp dụng luôn vào đàn ong của gia đình.
Đến thời điểm hiện hại, gia đình anh đang nuôi 150 đàn ong nội theo tiêu chuẩn VietGAP. Trung bình mỗi năm, anh Hưng thu về hơn 2 nghìn lít mật sạch và được khách hàng tin dùng, SX được đến đâu tiêu thụ hết đến đó…
Theo anh Hưng, để SX mật ong theo tiêu chuẩn VietGAP thì hàng ngày anh phải ghi chép đầy đủ nhật ký về giờ ăn, loại thức ăn cho ăn thêm. Ngoài ra, không dùng thức ăn có chứa kháng sinh; khi cho ong ăn đường thì không được thu mật.
“Để đảm bảo mật ong tự nhiên 100%, vào đầu vụ khi quay mật lần đầu tiên không nên bán, vì mật ong vẫn còn dư lượng đường, mà sẽ cất đi để cuối vụ cho ong ăn”, anh Hưng lý giải.
Anh Hưng bảo: Mùa lấy mật tập trung từ tháng 3 đến tháng 8 âm lịch. Khi nào đàn vít nắp khoảng 90% là thu hoạch; kiểm tra tỷ lệ mật, nếu tỷ lệ nước mật nhiều thì cho vào máy tách thủy phần, tách nước mật ra sau đó đóng vào chai.
Khi được hỏi về kỹ thuật chăn nuôi ong nội, anh Hưng thổ lộ, vào mùa hè, vì nhiều mật nên mỗi thùng ong cho 5 - 7 cầu, càng nhiều quân thì càng nhiều mật. Trung bình, mỗi ngày ong chúa đẻ 400 - 600 trứng. Nếu đàn nào bị sâu, dịch bệnh thì nhốt con ong chúa lại để không cho đẻ và nhanh chóng hủy bỏ những cầu sâu bệnh đó đi.
Về mùa rét, hoa nhãn không có nên gia đình cho ong ăn thêm đường, bột đậu tương, 2 ngày cho ăn một lần. Mỗi thùng chỉ cho 3 cầu, vì số lượng quân ít nên bỏ bớt cầu ra để ong xúm lại thì mới giữ được ấm và đỡ bị chết rét.
Anh Hưng giới thiệu mật ong sạch của gia đình
Đặc biệt, không nuôi ong gần ao hồ, nhà máy nước, ruộng lúa hay khu chăn nuôi. Vệ sinh tổ 1 lần/năm và 3 năm thay thùng một lần. Ngoài ra, nuôi ong chúa hơn 1 tuổi là phải thay ong chúa mới để sinh đẻ cho tốt, chế độ ăn của ong chúa phải đặc biệt và khác với ong thợ.
Để phân biệt mật ong chất lượng với mật ong kém chất lượng, anh Hưng hướng dẫn, nhìn bằng mắt thường nếu mật ong không bị đen, màu vàng sáng và nếm có vị ngọt sắc thì đó là mật ong có chất lượng và ngược lại.
Thị trường tiêu thụ mật ong của gia đình anh chủ yếu là trong và ngoài tỉnh.Với giá bán 150 nghìn đồng/lít, sau khi trừ tất cả mọi chi phí, mỗi năm anh Hưng thu về hơn 200 triệu đồng.
Dự kiến năm 2018, anh Hưng sẽ phát triển thêm 800 đàn ong ngoại. Hướng tới xây dựng thương hiệu để xuất khẩu mật ong sạch ra nước ngoài.
“Đã nuôi ong thì phải hiểu được đặc tính của con ong, nếu không cho ong ăn hoặc cho ăn sớm quá thì nó sẽ bỏ đi, chia đàn hoặc đánh nhau. Lúc đó khó mà giữ lại được đàn”, anh Hưng chia sẻ thêm.
Có thể bạn quan tâm
Từ 3 con le le hoang dã, sau 12 năm gây nuôi, ông Lê Hồng Thái (Mười Thái), ngụ ấp Bình Lễ, xã Vĩnh Phú Tây, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu đã thu tiền tỷ.
Cây lúa: Rầy, sâu đục thân 2 chấm, sâu cuốn lá nhỏ, bọ trĩ mật độ, tỷ lệ hại thấp; chuột, ốc bươu vàng phát sinh gây hại tăng, nặng cục bộ...
Mạnh dạn chuyển đổi một số diện tích cà phê già cỗi, năng suất thấp sang trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP cung cấp cho thị trường sản phẩm sạch.