Thái Bình Phát Triển Giống Lợn Rừng Lai
Trên cơ sở đạt được từ việc lai tạo thành công giống lợn rừng 1/2 máu lai giữa đực rừng thuần Thái Lan và nái Móng Cái, Cty CP Giống chăn nuôi Thái Bình tiếp tục lai tạo thành công giống lợn lai F2 mang 3/4 máu lợn rừng.
TỪ LỢN RỪNG 1/2 MÁU LAI
Ông Đỗ Văn Huỳnh, GĐ Cty cho biết, nhằm đa dạng hoá giống vật nuôi góp phần phát triển chăn nuôi trong tỉnh, đồng thời tránh ảnh hưởng của dịch bệnh, giá thức ăn tăng cao cũng như mở rộng phát triển SX, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, Cty phối hợp với Sở KH-CN Thái Bình tiếp tục triển khai giai đoạn 2 đề tài: “Nghiên cứu lai tạo SX giống lợn lai 3/4 máu lợn rừng phục vụ phát triển kinh tế trang trại, gia trại tại Thái Bình”.
Ở giai đoạn 1, đề tài phát huy hiệu quả tốt, khi 30 nái Móng Cái được chọn lọc phối giống với 5 đực rừng thuần Thái Lan, số lượng lợn rừng lai RF1 còn sống sau 24 tiếng đạt 8,83 con, trọng lượng sơ sinh 0,69 kg/con; lợn rừng tỉ lệ sống đạt 6,67 con, trọng lượng 0,71 kg/con (tương đương kết quả sinh sản của giống lợn Móng Cái thuần).
Lợn rừng 1/2 máu lai RF1 có đặc điểm ngoại hình 3 lông chụm 1 giống bố 100%, song khả năng sinh sản cao hơn hẳn so với lợn rừng thuần. Giống lợn lai RF1 này khi được đưa vào nuôi khảo nghiệm tại các địa phương trong tỉnh Thái Bình và một số vùng sinh thái khác nhau trên phạm vi toàn quốc cho thấy chúng có khả năng thích ứng trong phổ sinh thái rộng, sức kháng bệnh tốt, tăng trọng nhanh, chất lượng thịt thơm ngon...
Đặc biệt, lợn rừng lai có thể nuôi nhốt hoặc thả rông rất phù hợp với điều kiện chăn nuôi tại Việt Nam. Thức ăn của lợn rừng lai đơn giản gồm 50% rau củ quả, 50% còn lại là thức ăn tinh nên các hộ dân đều có đầy đủ điều kiện để chăn nuôi với quy mô từ nhỏ đến tầm trang trại, gia trại.
Ngoài ra, nuôi lợn rừng 1/2 máu lai tỉ lệ tiêu tốn thức ăn chỉ từ 3- 3,7 kg/1kg tăng trọng, sau khoảng 6 tháng nuôi lợn đạt trọng lượng 25 kg có thể xuất bán. Từ năm 2010 đến nay, Cty này bán ra thị trường tỉnh Thái Bình và một số tỉnh lân cận 3 tấn thịt lợn hơi và trên 300 lợn nái rừng cho các hộ chăn nuôi với giá 3,5 triệu đồng/con trọng lượng 11 kg, thu về gần 1 tỷ đồng.
ĐẾN LỢN RỪNG 3/4 MÁU LAI
Ông Huỳnh nhấn mạnh, việc tiếp tục phát huy những thành công từ giai đoạn 1 & 2, Cty đang tiếp tục triển khai giai đoạn 3 nhằm lai tạo giữa lợn đực rừng với nái RF1 để tạo ra con lai RF2 mang 3/4 máu lợn rừng.
Phương pháp được sử dụng để tiến hành lai tạo là chọn lọc cá thể lợn đực rừng huấn luyện khai thác thụ tinh nhân tạo và chọn lọc lợn nái lai RF1 để cho sinh sản tạo ra con lai RF2. Kết quả của giai đoạn 2 cho thấy khả năng sinh trưởng, phát triển, sinh sản và chống chịu, kham khổ của lợn đực rừng, lợn nái lai RF1 rất tốt.
Các chỉ tiêu về tăng trọng, tiêu tốn thức ăn của lợn rừng lai RF1 lần lượt là 218,47g/ngày/con và 3,64 kg thức ăn/kg tăng trọng. Các tính trạng về khả năng chống chịu dịch bệnh và tính trạng ngoại hình 3 lông chụm 1 di truyền ổn định. Bước đầu, đã huấn luyện và khai thác tinh dịch lợn đực rừng và thử nghiệm được một số loại môi trường pha chế tinh dịch để làm thụ tinh nhân tạo. Kết quả này tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhân rộng mô hình chăn nuôi lợn nái lai RF1 trong thời gian sắp tới.
Ông Nguyễn Văn Tứ, một hộ nuôi thử nghiệm lợn lai 1/2 máu lợn rừng ở xã Vũ Thắng, huyện Kiến Xương cho biết, quy trình chăm sóc lợn rừng lai của Cty khá đơn giản vì lợn vừa khoẻ mạnh như lợn rừng lại vừa mắn đẻ, nuôi con khéo như nái Móng Cái.
Ưu điểm lớn nhất của sản phẩm lợn rừng mang 3/4 máu lai khi bán ra thị trường sẽ có giá cả phù hợp với túi tiền người tiêu dùng, chỉ 120.000 - 150.000 đ/kg lợn hơi, thấp hơn 50.000 - 70.000 đ/kg so với lợn rừng thuần nên sức cạnh tranh cao.Trong năm đầu nuôi thí điểm, 2 lợn nái của ông Tứ đẻ 2 lứa, trung bình 10 con/lứa. Lợn con lông đen, có đặc điểm tương đối giống lợn rừng, khả năng thích nghi khí hậu, chịu kham khổ và chống chọi với dịch bệnh hơn hẳn một số giống lợn lai ngoại đang nuôi tại địa phương.
Đặc biệt, việc nuôi lợn rừng mang 1/2 máu lai đã tận dụng được nguồn thức ăn sẵn có trong SX nông nghiệp của gia đình như ngô, khoai, sắn, cám gạo, bèo, rau khoai lang... nên tiết kiệm được chi phí thức ăn, hiệu quả kinh tế cao hơn. Theo ông Tứ, việc Cty cho ra đời con lai mang ¾ máu lợn rừng chắc chắn năng suất của lợn sẽ cao hơn và giá thành cũng giảm xuống nên sức cạnh tranh cao.
Tuy nhiên, theo chia sẻ của ông Huỳnh, việc nghiên cứu lai tạo SX giống lợn lai ¾ máu lợn rừng phục vụ phát triển kinh tế trang trại, gia trại tại Thái Bình có chu kỳ SX dài nên cần nguồn kinh phí khá lớn. Mặt khác, chi phí thức ăn chịu tác động mạnh của thị trường nên gây khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện. Ông Huỳnh đề nghị tỉnh tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để đơn vị hoàn thành tốt đề tài cũng như việc chuyển tiếp phát triển đề tài vào năm tiếp theo.
Có thể bạn quan tâm
Trong năm 2010, Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa và Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Mía đường đã tiến hành nhập nội và đang tiến hành sơ tuyển một số giống mía mới của Thái Lan
Chữ đường cao, đạt từ 12-13 CCS. Năng suất mía cao, đạt trung bình từ 93,75 – 106,25 tấn/ha trong điều kiện không tưới (chỉ sử dụng nước mưa) và đạt từ 112,5-137,5 tấn/ha trong điều kiện có tưới. Đường kính thân to 3-3,5 cm
Giống Syn 6 là giống lúa lai 3 dòng, được lai tạo và tuyển chọn bởi sự hợp tác giữa Công ty Syngenta và Viện Khoa học Nông nghiệp Tứ Xuyên (Trung Quốc), được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận vào tháng 8/2006
Hồng Phi F1 là giống đu đủ mới của Đài Loan, cây phát triển rất khỏe và có quả sớm, tỷ lệ đậu quả cao.
Giống lúa lai Dương Quang 18 do Cty TNHH Giống cây trồng Dương Quang - Thành Đô - Tứ Xuyên (Trung Quốc) chọn tạo, Cty CP Giống cây trồng Miền Bắc (Việt Nam) tiến hành khảo nghiệm trong nước, đã được Bộ NN-PTNT công nhận chính thức