Thả Tép Ra Đồng
Lần theo địa chỉ được anh bạn giới thiệu, tìm về đúng khóm Tây Khánh 7, phường Mỹ Hòa (Tp. Long Xuyên, An Giang), chúng tôi hỏi thăm suốt dọc đường mà nghe tên ông Ba Kim ai cũng lắc đầu ngơ ngác. Nhưng chỉ cần “quá bộ” vài bước xuống cánh đồng ngay kế lộ, thì người nào cũng biết và nhiệt tình chỉ đường về “trại tép Ba Kim”.
Đáp lại mấy câu cảm thán của chúng tôi về vụ “khản giọng” vì phải hỏi đường mãi mới tới, bác Hai Hùng - nhà cũng ở phường Mỹ Hòa – càm ràm: “Mấy chú ở đâu tới mà kỳ quá, hỏi dân phố làm sao họ biết! Tìm nông dân phải hỏi nông dân chớ! Trong làng này ai mà chẳng biết Ba Kim, bởi người ta đều “thả con tép bắt con tôm”, còn ổng lại làm chuyện ngược đời, bỏ con tôm bắt con tép. Vậy mà lại trúng mới hay chớ”.
Trên cánh đồng Lung Mây này cũng như nhiều vùng đồng ruộng xen kẽ kênh rạch chằng chịt ở miền Tây, có thời tép đồng nhiều vô kể, những buổi trở trời thường nổi thành từng đám dày đặc trên ruộng nước, bà con nông dân thường gọi là tép rêu.
Hồi trước nhiều người trước khi gieo hạt cấy lúa còn phải nhọc công vớt bỏ tép rêu, vì chúng rẻ mạt đến mức bán chẳng ai mua, trong khi xứ này cá tôm đầy rẫy. Nhưng dần dà rồi cũng như nhiều giống khác, lượng tép rêu mỗi mùa một thưa thớt theo cùng với việc sử dụng thuốc trừ sâu trên đồng ruộng ngày càng phổ biến. Gần đây, tép rêu đã thành đặc sản, không ngừng tăng giá.
Ngoài chợ ngay trong mùa nước nổi, một kg tép rêu vẫn có giá trên 100.000 đồng, vào mùa khô tép càng hiếm nên giá còn cao hơn nữa. Còn trong nhà hàng, quán nhậu, món tép chiên gừng tỏi hoặc tép rang lá chanh, tép kho nước dừa, canh dứa nấu tép hay tép đồng nấu với đọt khoai lang… ngày càng hấp dẫn thêm nhiều thực khách sành ăn.
Con tép đồng “lên hương” như vậy, nhưng người ta cũng chỉ biết bỏ công đi bắt về bán, chứ chẳng ai nghĩ đến việc nuôi, chưa nói đến nuôi tép ngay giữa mùa nước nổi, khi tôm cá lũ lượt kéo về đồng. Ông Ba Kim là người nông dân đầu tiên mạnh dạn làm cài việc “kỳ cục” đó. Tên đầy đủ của ông là Huỳnh Chấn Kim, dân gốc Long Xuyên.
Năm nay 55 tuổi, mái tóc điểm hoa râm nhưng bắp tay vẫn cuồn cuộn và dáng dấp hoạt bát lắm, ông Bà Kim còn có nụ cười thật hiền, cởi mở dễ gần. Vừa tiếp chuyện chúng tôi vừa tranh thủ chỉnh lại chiếc máy cày cũ cho kịp ngày xuống giống, ông thong thả kể: “Hồi trước mười mấy công đất nhà tui chỉ biết trồng lúa, ngoài ra thì nuôi thêm ít con ếch đặng cải thiện thu nhập. Nhưng nuôi ếch ở vùng này ngày càng khó có lời, do giá thức ăn liên tục tăng cao, trong khi giá bán ếch lại lúc trồi lúc sụt, mà gần đây càng giảm dữ lắm, một phần cũng bởi người ta nuôi nhiều quá.
Thông thường cứ thấy vài người làm được là nhiều người khác làm theo mà không tính kỹ, khiến cung vượt cầu. Như phòng trào nuôi cá sấu đó, trước thì trúng lắm, nhưng bây giờ thấy ven lộ cắm đầy biển quảng cáo bán thịt cá sấu có 40 – 50 ngàn đồng một ký, mà cũng đâu mấy người mua…
Vậy nên khi tính chuyển sang nuôi con khác, tui suy nghĩ rất nhiều rằng phải nuôi con gì đó mà chưa ai nuôi, hoặc ít nuô, thì mới bán được giá. Mùa lũ năm trước tui qua chợ thấy tép đồng người ta mới bắt lên còn đang nhảy tanh tách, con nào con nấy bụng toàn trứng, tui nghĩ nếu nuôi tép chắc chắn sẽ “không đụng hàng”, lỡ có thất bại cũng không ảnh hưởng gì lắm vì chi phí thấp”.
Nghĩ là làm, ông Ba Kim thả thử 3 kg tép xuống khu ruộng khoảng 5 công, đã được chia ra thành nhiều ô vuông vắn. Điều thú vị là số tép này vốn dĩ phát triển tự nhiên, tự sinh sôi nảy nở ngay trong ao nuôi cá tra gần đó, khi thu hoạch cá người ta tháo bỏ nước, còn tép thì… bán rẻ, ông mua lại với giá 50.000 đồng/kg, nghĩa là vốn đầu tư ban đầu chỉ vẻn vẹn 150.000 đồng.
Thật bất ngờ, con tép rêu khi được “trả về” đúng môi trường tự nhiên thích hợp không những rất mau lớn mà còn sinh sản rất nhanh, tỷ lệ hao hụt hầu như không đáng kể. Chỉ một tuần sau khi được thả ra đồng, đàn tép đã thích nghi và khỏe mạnh, đến giờ được thả thức ăn là lập tức nổi lên ăn.
Vốn đã có kinh nghiệm tích lũy được và nắm vững kỹ thuật nuôi tôm càng xanh, ông Ba Kim vận dụng triệt để vào việc chăm sóc đàn tép rêu. Trên khu ruộng thả tép, ông còn trồng thêm bông súng, mã đề để làm “nhà” cho lũ tép rêu thích trú ẩn, tạo môi trường sống như trong tự nhiên.
Chỉ sau hơn 2 tháng nuôi trong ruộng, lứa tép “thương phẩm” đầu tiên đã “ra lò”. Mắt ông Ba Kim lấp lánh tự hào và hứng khởi khi nhớ lại lần đầu tiên thu hoạch tép. Ông kể: “Thấy tép lớn cũng sêm sêm với tép người ta vẫn bán ngoài chợ, tui đặt lợp thử vào lúc chập tối, đến sáng hôm sau bắt được khoảng 5 kg tép.
Tui gom các lợp lại rồi thả tép vô lưới cước thưa hơn, cho lũ tép nhỏ thoát trở lại ra ruộng, chỉ bắt những con đã lớn, còn lại cỡ 4kg, mang ra chợ bán được 100.000 đ/kg. Thiệt là đã quá!”–
Chúng tôi rụt rè hỏi có bí quyết gì trong thức ăn khiến tép lớn nhanh vậy không? Ông Ba Kim cười lớn: “Chẳng có gì bí mật cả. Con tép cũng phàm ăn lắm, dù lượng thức ăn chẳng đáng bao nhiêu. Có thể nuôi bằng thức ăn công nghiệp, nếu hết tiền mua thì chỉ cần chịu khó lội ruộng vớt ít ốc bươu vàng về bằm nhỏ hoặc xay nhuyễn, đến giờ thảy xuống ruộng cho tép ăn, tập cho nó ăn đúng bữa đều đặn là sẽ mau lớn.”
Cứ thu hoạch hàng ngày trong khoảng 2 tuần rồi lại ngừng 1 tuần để tép kịp sinh sản và lớn, đều đặn từ giữa năm 2013 đến nay, ngày nào ông Ba Kim cũng bán được vài kg tép rêu và chẳng bao giờ lo mất giá vì tép đang và sẽ còn là “đặc sản”.
Tuy giá trị thương phẩm của con tép thấp hơn nhiều so với con tôm, nhưng vốn đầu tư không đáng bao nhiêu, công chăm sóc cũng ít hơn, không “căng thẳng” như nuôi tôm và quan trọng nhất là hầu như không có rủi ro. Tận dụng khu ruộng nuôi tép tuy phải rộng để giống ao đầm tự nhiên, nhưng tép lại không “sử dụng” hết, ông Ba Kim còn thả nuôi xen canh thêm cả cua đồng theo hình thức lấy ngắn nuôi dài, chỉ thu hoạch cua vào mùa khô khi bán được giá hơn.
Khoát tay ra phía những thửa ruộng ngập nước, ông Ba Kim hồ hởi: “Vụ này tui tiếp tục thu hẹp diện tích trồng lúa để tăng diện tích nuôi tép rêu. Cũng là còn ít lúa giống thì gieo nốt thôi, và cũng là chuyển đổi dần để có thêm kinh nghiệm. Nếu trúng thì đến vụ sau tui sẽ dành hết ruộng nuôi tép.”
Ông bảo, lát sửa xong cái máy cày sẽ lại ra chợ xem giá tép thế nào và tìm thêm mối bán tép. Vài ngày ông lại đảo một vòng quanh các chợ trong vùng. “Nông dân thời kinh tế thị trường thì phải vậy” – ông lại nở nụ cười thật hiền mà rắn rỏi.
Có thể bạn quan tâm
Liên tiếp trong nhiều năm, Phong Điền (Thừa Thiên Huế) được xem là địa phương có tỷ lệ người nuôi tôm "trúng" lớn. Đó là nhờ Phong Điền đã chủ động, linh hoạt trong đầu tư, sắp xếp, quy hoạch nuôi trồng thủy sản một cách hợp lý, hướng đến vùng nuôi tôm bền vững...
Trước đây gia đình anh Nguyễn Văn Nhiệm ở ấp 11, xã Khánh Thuận được xem là một trong những gia đình khó khăn, cuộc sống quanh năm chỉ biết trông chờ vào việc khai thác gỗ và các sản vật dưới tán rừng. Nhưng hơn 2 năm trở lại đây, trong 1 lần tham quan mô hình nuôi cá trê vàng lai của người dân huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu, anh Nhiệm quyết định cải tạo ao đầm xung quanh nhà để nuôi loại cá này.
Mô hình đã tạo sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, mang lại hiệu quả gấp 2 lần so với phương thức sản xuất truyền thống, được đông đảo bà con nông dân đánh giá cao và đã tiếp tục đầu tư nhân rộng mô hình. Ngoài ra, mô hình còn giải quyết việc làm, đem lại thu nhập và tạo niềm tin cho bà con nông dân tiếp tục phát triển cá nước ngọt theo quy trình VietGAP.
Theo Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, bình quân giá bắp nhập khẩu trong tháng 1-2014 là 6.500 đồng/ki lô gam, thì đến hết tháng 11-2014 giảm xuống còn 6.300 đồng/ki lô gam. Tương tự, giá khô dầu đậu nành nhập khẩu trong tháng 1-2014 là 14.490 đồng/ki lô gam, thì đến tháng 11 giảm xuống còn 12.600 đồng/ki lô gam và giá mì cũng từ mức 5.250 đồng/ki lô gam, giảm xuống còn 5.040 đồng/ki lô gam.
Theo ước tính trị giá đàn trâu của gia đình ông hiện nay khoảng 700 - 800 triệu đồng. Ông Bân cho biết: Phát triên chăn nuôi gia súc, nhất là nuôi trâu hiện nay hiệu quả kinh tế cao hơn so với nuôi các con khác. Trong một năm, một con trâu cái đẻ ra một con nghé chỉ cần chăm sóc một tuổi bán rẻ cũng được trên 15 triệu đồng, tính ra người nông dân có thể mua được khoảng 3 tấn thóc.