Tàu Nằm Bờ Dài Ngày, Ngư Dân Khó Khăn

Hiếm có khi nào mà các cơn bão lại hình thành liên tiếp trên biển Đông, gây ảnh hưởng trên vùng biển của nước ta nhiều như trong thời gian vừa qua. Sau những cơn "bão" giá xăng dầu khiến cho chi phí mỗi chuyến ra khơi đẩy lên cao, thì những cơn bão do thiên tai gây ra đã khiến không ít tàu, thuyền của ngư dân phải lao đao.
Cảng neo đậu tàu thuyền Tịnh Hòa (Sơn Tịnh - Quảng Ngãi) những ngày này không khí nhộn nhịp bởi ngư dân tất bật cho những chuyến biển cuối năm mong kiếm nguồn thu nhập trang trải cuộc sống bù lại cho những ngày tàu thuyền nằm bờ trú tránh bão.
Chuẩn bị đưa ngư, lưới cụ lên tàu cho chuyến ra khơi, ngư dân Huỳnh Lãm (50 tuổi) chủ đôi tàu trên 200 CV than thở: Bám biển hơn 20 năm nay, chưa thấy năm nào ngư dân chúng tôi phải đối mặt với nhiều cơn bão như thế này, khiến tàu tôi phải liên tục nằm bờ để tránh trú bão.
"Kinh nghiệm bao nhiêu năm đi biển của tôi, ít có năm nào bão lại đổ bộ vào thời điểm cuối mùa biển. Tuy nhiên năm nay thì khác, từ đầu năm đến nay đã có đến 15 cơn bão và nhiều đợt áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào nước ta. Trước tình hình thời tiết diễn biến thất thường, khiến mỗi chuyến ra khơi chúng tôi phải luôn thấp thỏm lo âu"- ông Lãm nói.
Theo ông Lãm, sau những khoản thu nhập còn khiêm tốn trong những phiên biển trong năm, hầu hết ngư dân đều trông chờ vào phiên biển cuối mùa để có tiền lo Tết.
Nằm bờ suốt một tháng nay để tránh trú những cơn bão dữ liên tiếp trong tháng 11 này, tranh thủ những ngày trời yên biển lặng, chủ tàu Nguyễn Hùng Dũng (44 tuổi) ở xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) cùng các thuyền viên của mình tất bật chuẩn bị cho chuyến ra khơi.
Ông Hùng kể, khi bão số 11 tan, tàu của ông vươn khơi đánh bắt chưa được bao nhiêu thì đành phải chấp nhập lỗ tổn cả trăm triệu đồng để quay vào bờ tránh trú cơn bão số 12. "Liên tiếp các cơn bão số 12, 13, 14 và 15 khiến tàu thuyền của ngư dân chúng tôi phải nằm bờ. Từ nay đến cuối năm chỉ còn một vài tháng nữa, nếu tình hình thời tiết bất lợi nữa thì ngư dân chúng tôi chắc khỏi ăn Tết"- ông Hùng thở dài.
Dù hơn một tháng không ra khơi, nhưng ông Hùng phải mất hàng chục triệu đồng "phí" giữ chân các bạn thuyền. "Trong thời buổi kiếm bạn đi biển khó khăn, để có bạn đi biển thường xuyên, thuyền tui thuê hẳn 10 lao động trả lương theo tháng nên thêm một ngày ở nhà là thêm một khoản nợ. Đấy là chưa kể tiền lãi các khoản vay ngân hàng"- ông Hùng cho biết.
Không chỉ chủ tàu khốn khổ khi tàu nằm bờ mà những lao động đi bạn trên tàu cũng gặp khó khăn. "Đã gần một tháng nay, chúng tôi như ngồi trên đống lửa, ở nhà hoài thì không biết làm gì để nuôi mấy miệng ăn trong gia đình. Chỉ mong sao trời yên biển lặng mấy tháng cuối năm để ngư dân chúng tôi có tiền trang trải cuộc sống"- ngư dân Lê Thanh Bình (30 tuổi) ở xã Bình Châu (Bình Sơn) chia sẻ.
Quan sát tại Cảng neo đậu tàu thuyền Tịnh Hòa, trong khi nhiều tàu lần lượt nhổ neo ra khơi với hy vọng được chuyến “biển no” thì không ít chủ tàu vẫn đang cho tàu nằm bờ nghe ngóng tình hình thời tiết để chuẩn bị tổn phí, cho tàu ra khơi. "Nếu đưa tàu ra khơi lúc này rồi phải quay trở lại ngay do gặp áp thấp nhiệt đới hay bão thì tổn thất sẽ còn lớn hơn nữa. Đấy là chưa nói đến những thiệt hại về tài sản do bão gây ra"- ngư dân Huỳnh Thanh Đạo ở xã Bình Châu cho hay.
Việc ngư dân không thể ra khơi đánh bắt thủy sản không chỉ gây thiệt hại về kinh tế cho các hộ gia đình bám biển mà hơn thế nữa, nó đang khiến cho nhiều ngành nghề dịch vụ đánh bắt hải sản như: đá lạnh, chế biến hải sản đông lạnh, kinh doanh dầu... cũng rơi vào cảnh khó khăn vì thiếu việc làm.
Mùa khai thác thủy sản năm nay nhiều ngư dân cho rằng hiệu quả khai thác, đánh bắt thủy hải sản không bằng mọi năm, kéo theo nguồn thu nhập của ngư dân cũng hạn chế. Dù đã và đang được hỗ trợ tích cực từ phía Nhà nước, nhưng do liên tiếp đối mặt với thiên tai, chi phí đánh bắt tăng cao nên hiện tại ngư dân đang gặp nhiều khó khăn trong hành trình bám biển mưu sinh.
Có thể bạn quan tâm

Mỗi năm hai đợt, vào tháng 4 và tháng 8 âm lịch, đội quân “đặc biệt” ấy lại tiếp cận các hang đá ở những đảo hoang giữa trùng khơi để bắt đầu công việc treo người trên những vách đá cheo leo để khai thác tổ yến. Ông Võ Văn Cam, trưởng Ban kỹ thuật thuộc Công ty Yến sào Khánh Hòa, người đã gắn với nghề này ngót 30 năm qua gọi đó là “cái nghiệp”.

Cụ thể, Phó Thủ tướng giao các Bộ, ngành chủ động nghiên cứu, rà soát khẩn trương có văn bản hướng dẫn, đề xuất điều chỉnh một số chỉ tiêu, tiêu chí cho phù hợp điều kiện thực tế tại các vùng, địa phương và các đề xuất kiến nghị thực hiện các tiêu chí nông thôn mới trong thời gian tới.

Mùa mưa đến, nước tràn đồng, đây chính là lúc cá đồng từ các sông, suối thượng nguồn tràn về, sinh sôi nảy nở và cũng là lúc những người hành nghề "săn" cá đồng vào mùa. Cá về, không chỉ có những người chuyên sống bằng nghề bắt cá đồng phấn khởi, mà cả những người dân sống gần ao, hồ... cũng tranh thủ đánh bắt để phục vụ cho bữa ăn gia đình.

Chủ tịch UBND tỉnh vừa quyết định phân khai trên 14,5 tỷ đồng thực hiện chính sách bảo vệ và phát triển đất trồng lúa năm 2014 theo Nghị định số 42/2012/NĐ-CP của Chính phủ.

Kinh tế trang trại (KTTT) đã khẳng định được vị thế trong sản xuất nông nghiệp ở Quảng Trị nhờ phát huy tiềm năng và thế mạnh về đất đai, lao động, nâng cao hiệu quả kinh tế và đã có bước tiến đáng ghi nhận. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển KTTT còn nhiều vấn đề đặt ra, trong đó có nhiều tiêu chí rất khó đạt để chứng nhận chuẩn trang trại, điều này đòi hỏi sự nỗ lực của chính chủ trang trại cũng như tháo gỡ về mặt chính sách, để trang trại có điều kiện phát triển bền vững.