Tập trung phòng trừ sâu đục quả trên cây vải thiều
Theo Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật nông nghiệp huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), hiện nay, sâu trưởng thành đục quả vải lứa 2 đang xuất hiện phát triển gây hại trên các trà vải. Nếu không phòng trừ kịp thời, sâu non sẽ gây hại nặng đến năng suất vải thiều.
Cán bộ Trung tâm DVKTNN huyện Lục Ngạn kiểm tra sâu bệnh trên hoa vải thiều
Huyện Lục Ngạn hiện có 15.290 ha vải thiều. Do điều kiện thời tiết không thuận lợi nên năm nay, vải thiều Lục Ngạn chỉ ra hoa đạt khoảng 65%. Thời điểm này, trà vải sớm đang tắt hoa, hình thành quả non; vải chính vụ đang nở rộ và tắt hoa. Căn cứ vào kết quả điều tra của Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật nông nghiệp huyện, hiện nay, sâu trưởng thành lứa 2 đang xuất hiện, phát triển gây hại trên các trà vải, đặc biệt là ở những vườn rậm rạp và trên trà vải sớm như U hồng, vải lai Thanh Hà, với mật độ trung bình từ 1 – 2 con/cành, cao từ 3 – 5 con/cành. Nếu người dân không phòng trừ kịp thời thì sâu non sẽ gây hại nặng trong thời gian tới ở giai đoạn quả non, làm ảnh hưởng đến năng suất quả cung như sự phát triển gia tăng sâu đục quả vải ở lứa sau.
Theo ông Vũ Lệnh Sánh, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật nông nghiệp huyện Lục Ngạn, giai đoạn sâu non của sâu đục cuống quả sẽ đục vào quả non làm cho quả vải không phát triển và rụng, làm ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng quả vải. Do đặc điểm của sâu non khi nở là trực tiếp từ mặt dưới vỏ trứng đục vào quả và suốt đời sống của sâu ở trong quả cho đến khi sâu đẫy sức hóa nhộng mới ra ngoài. Vì vậy, người dân cần phun phòng trừ sâu trưởng thành, trứng và sâu non mới nở thì hiệu quả trừ sâu mới cao.
Để phòng trừ sâu đục quả vải đạt hiệu quả cao, Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật nông nghiệp huyện Lục Ngạn khuyến cáo người dân tập trung thực hiện cả biện pháp cơ giới và biện pháp hóa học. Trong đó, biện pháp cơ giới người dân có thể thực hiện là tiến hành tạo tán, tỉa cành thông thoáng, tỉa các cành tăm, cành không mang quả; vệ sinh vườn, thường xuyên thu gom tiêu hủy các cành và quả bị sâu hại.
Biện pháp hóa học, người dân tiến hành phun thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ sâu đục quả vải thiều làm hai đợt. Đợt 1, từ nay đến 5/4 và đợt 2 thực hiện phun nhắc lại cách đợt 1 từ 5 đến 7 ngày. Các loại thuốc bảo vệ thực vật được khuyến cáo sử dụng gồm: Virtako 40WG, Emamectin, Abamectin… Phun đúng nồng độ vào liều lượng theo hướng dẫn trên nhãn mác, dùng máy nén phun kỹ vào tán lá, trong tán cây, cành cấp 2 cấp 3.
Ngoài việc phòng trừ sâu đục quả vải thiều, bà con cũng cần quan tâm phòng trừ những đối tượng sâu bệnh gây hại khác như bọ xít, sâu đo, sâu róm… để cây vải phát triển tốt, cho chất lượng quả cao, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường trong nước và xuất khẩu.
Trung tâm VH – TT&TT Lục Ngạn (Bắc Giang)
Có thể bạn quan tâm
Năm 2019, KS Hồ Quang Cua và các cộng sự đã giúp Việt Nam đạt giải thưởng "Gạo ngon nhất thế giới" với giống lúa ST25". Vậy canh tác giống lúa này sao hiệu quả?
Hạt điều không đủ tiêu chuẩn mà ngành thực phẩm loại bỏ có thể là protein thay thế phù hợp trong nuôi cá thương phẩm.
Nuôi lươn không bùn trong bể lót bạt không khó để thực hiện. Theo ông Dũng, phương pháp nuôi này mang lại hiệu quả kinh tế cao bởi ít công chăm sóc