Tạo dựng chỗ đứng trên thương trường
Theo Sở Công thương, xuất khẩu thủy sản trong 9 tháng năm 2015 giảm so với cùng kỳ năm 2014.
Nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu nhập khẩu trên thị trường thế giới tăng chậm, sự cạnh tranh gay gắt làm cho giá thủy sản xuất khẩu liên tục giảm.
Ngoài ra, biến động tỷ giá USD cũng gây bất lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu vì đa số doanh nghiệp đều sử dụng đồng USD để thanh toán.
Cùng với đó, một số thị trường tiêu thụ thực hiện nhiều chính sách kiểm tra gắt gao, những rào cản kỹ thuật thương mại cũng gây khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Mặt khác, nguồn cung cùng mặt hàng ở các nước như Thái Lan, Ấn Độ… đang tăng, giá thành lại rẻ hơn con tôm Việt Nam nên đã dần “soán ngôi” con tôm Việt Nam, gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp và người nuôi tôm trong nước.
Công ty Minh Bạch - TX. Giá Rai.
Trước những khó khăn trên, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản trong tỉnh phải tổ chức lại sản xuất, chế biến và lựa chọn các mặt hàng thế mạnh để xuất khẩu.
Đơn cử như Công ty Cổ phần thủy sản Minh Hải - chuyên sản xuất mặt hàng tôm sú nhiều năm qua.
Do nguồn tôm sú bấp bênh và cạnh tranh gay gắt nên công ty quyết định chuyển qua chế biến, xuất khẩu tôm thẻ.
Nhờ đó, nguồn nguyên liệu đủ đáp ứng quanh năm và đơn hàng cũng ổn định hơn.
Năm 2015, do thị trường xuất khẩu tôm cạnh tranh quyết liệt, nên sản lượng tôm xuất khẩu của công ty trong 9 tháng qua giảm hơn 20% so với dự toán.
Song, với kinh nghiệm vững chãi trên thương trường nên công ty vẫn duy trì được thị trường truyền thống và tăng cường xuất khẩu vào thị trường mới như Úc, Nga…
Không nằm ngoài những khó khăn chung trong việc xuất khẩu con tôm, nhưng nhờ có cách làm riêng nên Công ty Cổ phần chế biến xuất khẩu Âu Vững luôn tăng trưởng ổn định.
Bà Âu Ngọc Vững, Giám đốc công ty cho biết: “Nhờ nắm chặt diễn biến thị trường và những đòi hỏi khắt khe của người tiêu dùng nên công ty luôn có những quyết sách phù hợp trong kinh doanh.
Năm nay, để chủ động nguồn tôm nguyên liệu sạch, công ty liên kết với Công ty Cổ phần Việt Úc (Bạc Liêu).
Loại tôm này đảm bảo chất lượng, màu sắc đẹp hơn tôm Thái Lan và Ấn Độ.
Dù giá tôm siêu thâm canh cao hơn thị trường 15.000 - 20.000 đồng/kg, nhưng tôi vẫn chấp nhận.
Tuy lãi ít nhưng làm hài lòng đối tác, qua đó còn nâng tầm vị thế cho con tôm Việt Nam”.
Trước những cơ hội và thách thức đan xen, đòi hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản trong tỉnh cần năng cao năng lực quản lý, chủ động hơn trong việc đảm bảo chất lượng sản phẩm, mở rộng sản xuất nhiều mặt hàng, thực hiện đúng đơn hàng, “nói không với tôm tạp chất”.
Đồng thời giữ vững thị trường truyền thống và phát triển mạnh xuất khẩu thủy sản sang các thị trường có mức tăng trưởng tiêu dùng cao và ưa thích thủy sản Việt Nam…
Để các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu có thể tăng trưởng ổn định và vươn xa hơn, các cơ quan chức năng cần hỗ trợ doanh nghiệp nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị và mở rộng quy mô sản xuất.
Tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tăng xuất khẩu vào các thị trường mới…
Có thể bạn quan tâm
Cũng như nhiều hộ khác nuôi tôm ở trong vùng, ông Hòa mong muốn được các cơ quan nhà nước đầu tư nâng cấp hệ thống kênh mương thủy lợi để đảm bảo nguồn nước cho nuôi tôm và hoàn chỉnh hệ thống điện 3 pha phục vụ việc nuôi tôm thâm canh. Bên cạnh đó, đề nghị các cơ quan chức năng tập trung nghiên cứu và phổ biến nhanh đến người nuôi tôm các biện pháp hiệu quả phòng trị bệnh cho tôm nuôi - nhất là bệnh hoại tử gan tụy cấp, nhằm giúp người nuôi giảm được rủi ro do dịch bệnh xảy ra trong quá trình nuôi, góp phần làm tăng hiệu quả của nghề nuôi tôm ở địa phương.
Tham gia vào Hội có 50 thành viên. Mục đích chính của Hội là xây dựng môi trường sản xuất, kinh doanh có tổ chức theo hướng thương mại hóa, cung cấp dịch vụ khoa học công nghệ cho các hội viên trong sản xuất, kinh doanh "cá Tràu tiến vua".
Nguyên nhân diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến tăng nhanh là do mô hình này có chi phí đầu tư thấp, ít rủi ro, cho thu nhập ổn định. Hiện nay, người dân từng bước chuyển đổi diện tích nuôi tôm quảng canh truyền thống sang quảng canh cải tiến, nhằm tăng thu nhập.
Là vùng đất có tiềm năng lớn trong nuôi trồng thuỷ sản, cùng với việc đầu tư phát triển nuôi tôm, nuôi cá lồng bè, những năm gần đây, Quảng Ninh phát triển mạnh nghề nuôi nhuyễn thể như: Tu hài, ốc đá, ốc màu, ốc nhảy, ốc hương, hàu biển... góp phần xoá đói, giảm nghèo và nâng cao đời sống của nhân dân.
Theo báo cáo của Tổng cục Thuỷ sản Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2014 ngành thuỷ sản đóng góp khoảng 3,7% vào GDP chung của cả nước. Lĩnh vực này hiện đang giải quyết việc làm cho trên 4,5 triệu lao động. Tổng sản lượng thuỷ sản năm 2014 ước khoảng 6,2 triệu tấn cho giá trị sản xuất vào khoảng 300 nghìn tỉ đồng.