Tạo Chuỗi Liên Kết Giá Trị
Theo thống kê của Chi cục Nuôi trồng thuỷ sản (NTTS), trung bình hằng năm tổng sản lượng NTTS khoảng 225.000 tấn, riêng tôm khoảng 120.000 tấn. Có tổng số 28 công ty với 38 xí nghiệp chế biến thuỷ sản trực thuộc trên toàn tỉnh, tổng công suất thiết kế 190.000 tấn/năm.
Riêng năm 2012 chế biến đạt hơn 90.000 tấn. Trong đó, xuất khẩu tôm đạt trên 73.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 900 triệu USD, chiếm 36% kim ngạch xuất khẩu tôm của cả nước.
Không chỉ thế, năng lực chế biến xuất khẩu thuỷ sản và thị trường xuất khẩu ngày càng được nâng cao và mở rộng. Hiện tôm Cà Mau đã có mặt tại 82 quốc gia và vùng lãnh thổ; các điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm đều được tổ chức quốc tế chứng nhận, sản phẩm tôm chế biến đa dạng và phong phú theo yêu cầu của từng khách hàng. Đặc biệt, tôm sinh thái Cà Mau đã được Tổ chức Naturland chứng nhận và giá trị được nâng lên hơn 10% so giá thị trường.
Kết quả là vậy, nhưng trên thực tế người nuôi tôm không làm giàu từ chính nguồn lợi này mà luôn lao đao bởi chuỗi liên kết giá trị chưa có sự phối hợp giữa các chủ thể. Tức là giữa các doanh nghiệp (DN trong lĩnh vực sản xuất, cung ứng giống, thuốc, thức ăn, chế phẩm sinh học và các DN chế biến xuất khẩu (CBXK) thuỷ sản hầu hết chỉ phát triển theo lĩnh vực của mình, chưa có sự phối hợp, liên kết với nhau. Đối với DN sản xuất giống phải qua đại lý mới đến người nuôi. Còn DN chế biến thức ăn, hoá chất, chế phẩm sinh học đến đại lý cấp 1, rồi cấp 2 mới đến tay người tiêu dùng dưới dạng hợp đồng.
Ông Lâm Thanh Dũng, Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Đoàn Kết, ấp Tân Long, xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi, cho biết: “Dù mang tiếng là HTX nhưng trước giờ hoạt động chủ yếu theo hình thức bán cho thương lái chứ không hợp đồng được DN trực tiếp thu mua tôm nên giá cả thường bị ép, thiệt thòi rất nhiều cho người nuôi tôm. Thậm chí có khi lên đầm kiếm lái không kịp khiến tôm “rớt” (chết) nhiều, giảm lợi nhuận rất lớn”.
Toàn tỉnh có hơn 780 cơ sở sản xuất giống và gần 200 cơ sở kinh doanh giống, nhưng mỗi năm cũng chỉ có thể cung cấp 8-9 tỷ con, đáp ứng khoảng 40% lượng tôm thả nuôi trong tỉnh. Còn lại xấp xỉ gần 10-11 tỷ con giống nhập tỉnh.
Ngoài ra, với 147 đại lý, cơ sở kinh doanh thức ăn, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hoá chất dùng trong NTTS có thể đáp ứng khoảng 85% nhu cầu của người nuôi trong toàn tỉnh. Vậy mà, khi đến tay người tiêu dùng thì giá cả cao ngất ngưỡng, chưa có sự hỗ trợ nào cho người nuôi tôm khiến họ luôn kêu ca, phàn nàn, nan giải bài toán lỗ lãi..
Tạo “chất kết dính” cho chuỗi giá trị
Mô hình liên kết đã qua của Cà Mau chủ yếu theo dạng: đầu vào - sản xuất - thu gom - chế biến - thương mại - tiêu dùng. Ở loại hình này, nhà cung cấp đầu vào gồm tôm giống, thuốc thú y thuỷ sản (TYTS) thông qua đại lý cung cấp đến người nuôi tôm.
Theo khảo sát thực tế của Chi cục NTTS, sau khi sản xuất có tới 95% người nuôi tôm bán sản phẩm theo hình thức thu gom (thương lái), chỉ 4% bán cho các vựa thu mua, và 1% là tới thẳng tay người tiêu dùng nội địa. Từ người thu gom có 62,7% tiếp tục bán lại cho vựa thu mua và chỉ 32,3% trực tiếp đến nhà máy chế biến thuỷ sản và sau nhiều công đoạn mới đến giai đoạn cuối cùng là xuất khẩu.
Nhìn vào mô hình liên kết hiện nay có thể thấy từ người nuôi đến xuất khẩu phải trải qua 4 giai đoạn. Cũng có nghĩa là số lợi nhuận mà người nuôi tôm thật sự nhận được giảm dần qua các giai đoạn ấy. Và cuối cùng người trực tiếp sản xuất ra con tôm, cũng là người chịu nhiều vất vả, rủi ro nhất lại chính là người chịu thiệt thòi nhiều nhất trong mô hình liên kết như hiện nay.
Từ những thực tế đó, Sở NN&PTNT xây dựng mô hình liên kết mới, trong đó có sự tham gia tích cực và gắn trách nhiệm từ các bên trong chuỗi giá trị. Đối với người nuôi tôm: một đơn vị diện tích đất nuôi tôm công nghiệp phải góp tối thiểu 25% vốn (qua máy móc, trang thiết bị, con giống, lao động, nhiên liệu…); doanh nghiệp cung cấp vật tư hỗ trợ người nuôi tôm tối thiểu 35% thông qua hình thức bán hàng trả sau không tính lãi. Còn về phía ngân hàng cho vay tối thiểu 40% vốn qua hình thức cho vay thế chấp.
DN CBXK hỗ trợ người nuôi tôm thông qua tất cả các kích cỡ tôm với giá thị trường, xem xét hỗ trợ giá cho bà con trong vùng dự án (có chứng nhận) từ 2-10%/kg tôm nguyên liệu. Nhà nước hỗ trợ cơ chế, chính sách, đầu tư hạ tầng, thuỷ lợi khép kín, lưới điện 3 pha, hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ kiểm soát dịch bệnh, xét nghiệm tôm giống và kiểm tra dư lượng kháng sinh và hỗ trợ nhà máy trong việc thu mua và xuất khẩu.
Chuỗi liên kết mới sẽ là người nuôi tôm được mua trực tiếp con giống, thức ăn, thuốc TYTS từ doanh nghiệp với mức ưu đãi. Người nuôi tôm sẽ được bán trực tiếp con tôm cho DN chế biến, đóng gói bỏ qua 2 trung gian đầu mối. Theo đó, mô hình mới sẽ đặt trách nhiệm cho mỗi bên tham gia cùng có lợi.
Đại diện Công ty giống Việt Úc, đơn vị sẽ cùng phối hợp trong chuỗi liên kết giá trị này, hứa hẹn: “Sẽ hỗ trợ từ 20-30% con giống cho các HTX nếu như có sự cố xảy ra nhưng người dân cũng phải tuân thủ theo quy trình nuôi của công ty để giảm rủi ro, thất thoát”.
“Quan trọng hơn hết trong chuỗi liên kết này chính là tạo dựng lòng tin giữa các bên tham gia, gắn trách nhiệm của người dân và doanh nghiệp. Thông qua đó nâng cao năng lực cho các cán bộ HTX, tổ hợp tác trong bố trí sản xuất, nhằm đảm bảo đúng quy trình, kỹ thuật nuôi.
Về phía Sở NN&PTNT sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN hỗ trợ các hoạt động. Làm sao để chuỗi liên kết thật sự phát huy hiệu quả và giảm gánh nặng, tăng lợi nhuận cho người nuôi tôm”, ông Châu Công Bằng nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Cá chạch bùn là loài thuỷ sản nước ngọt có nguồn gốc ở nước ngoài, phát triển nhiều ở khu vực phía Bắc và miền Trung. Nhờ có thịt thơm ngon, xương mềm nên thị trường nội địa tiêu thụ rất mạnh. Một năm trở lại đây, nông dân một số tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long đã thả nuôi thành công loài thủy sản này.
Chiều 16/1, đồng chí Trần Quang Nhất, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên chủ trì cuộc họp báo chuẩn bị tổ chức Festival Thủy sản Việt Nam 2014 tại Phú Yên.
Năm 2013, quê biển Thạnh Phú, Ba Tri, Bình Đại (Bến Tre) trúng mùa tôm, nghêu... từ đó, thu nhập của người dân ngày càng nâng lên. Đón ngày Tết cổ truyền của dân tộc, người dân ba huyện ven biển đã vui lại càng vui hơn.
Đất ven sông, diện tích đồng chiêm trũng, nhiều đời nay cư dân nông nghiệp Cẩm Khê (Phú Thọ) đã sớm quen với nghề cá. Từ ngư dân chuyên nghề chài lưới đánh bắt trên sông Hồng, sông Bứa, ngòi Lao đến nông dân quanh năm chân lấm tay bùn vừa buông cày bừa, liềm hái đã tất bật nơm, vó, dậm kiếm tôm cá nơi đồng ngập úng chế biến thức mặn ăn dần.
Thái Bình là tỉnh ven biển với hơn 52 km bờ biển, được bao bọc bởi hệ thống sông lớn là: Sông Hồng, sông Trà Lý, sông Luộc, sông Thái Bình, sông Diêm với ba loại hình thủy vực nước ngọt, nước lợ và nước mặn, do đó diện tích mặt nước để đưa vào nuôi trồng thuỷ sản rất lớn.