Tăng trưởng sản xuất thủy sản

Khai thác thủy sản hiện nay đang bước vào mùa mưa, tuy nhiên thời tiết trong tháng 7 vẫn khá thuận lợi cho hoạt động đánh bắt khai thác thủy sản vụ cá Nam. Theo Bộ NN&PTNT, ước tính tổng sản lượng khai thác tháng 7 đạt khoảng 235.000 tấn, tăng 1,7% so với cùng kỳ.
Như vậy, 7 tháng đầu năm 2015, sản lượng khai thác thủy sản ước đạt 1,73 triệu tấn, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, ước khai thác biển đạt 1,63 triệu tấn, tăng 4,4% so với cùng kỳ.
Việc tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi tại 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa đã đi vào hoạt động, nhưng hiệu quả chưa cao. Nguyên nhân là do thông tin về ngư trường và thị trường tiêu thụ còn chưa đáp ứng nhu cầu, công nghệ khai thác và bảo quản sản phẩm còn lạc hậu, việc xây dựng hệ thống dịch vụ hậu cần còn triển khai chậm, làm giảm giá trị của sản phẩm khai thác.
Sản lượng cá ngừ mắt to-vây vàng của 3 tỉnh trọng điểm Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa ước đạt 12.889 tấn. Trong đó, Phú Yên ước đạt 3.800 tấn, tăng 8,3% so cùng kỳ năm trước; Bình Định ước đạt 6.089 tấn, tăng 5%; Khánh Hòa ước đạt 3.000 tấn, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước.
Sản lượng nuôi trồng thủy sản tháng 7 ước đạt 361.000 tấn, giảm 1,1% so với cùng kì năm trước, tuy nhiên, tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản 7 tháng đầu năm tăng 2,5% so với cùng kỳ, đạt 1,937 triệu tấn.
Tình hình sản xuất và tiêu thụ cá tra trong tháng chưa có dấu hiệu chuyển biến tích cực, giá cả chưa ổn định, dẫn đến nghề nuôi truyền thống của một số tỉnh gặp nhiều khó khăn. Do đó, sản lượng thu hoạch cá tra 7 tháng đầu năm giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước (-0,2%), ước đạt 598.735 tấn.
Tuy nhiên, để chuẩn bị nguyên liệu xuất khẩu cho dịp lễ cuối năm, diện tích thả nuôi đang có xu hướng chuyển biến tích cực hơn. Diện tích nuôi cá tra 7 tháng đầu năm ở các tỉnh ĐBSCL ước đạt 6.046 ha, tăng 2% so với cùng kỳ. Trong đó: Vĩnh Long diện tích tăng 4,6%, sản lượng lại giảm 7,1%; An Giang: diện tích tăng 8,6%, sản lượng giảm 23,3%.
Trong tháng tình hình xuất khẩu khó khăn, giá nguyên liệu thấp cộng với tình hình dịch bệnh gia tăng tiếp tục ảnh hưởng đến sản xuất tôm nước lợ của các tỉnh ĐBSCL.
Cụ thể, diện tích tôm sú ước đạt 574.000 ha, tăng 4,5% so với cùng kỳ, sản lượng ước đạt 131.000 tấn, giảm 3,7% so với cùng kỳ.
Vùng ĐBSCL diện tích tôm sú ước đạt 540.400 ha, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước, sản lượng ước đạt 124.000 tấn, giảm 8,1%. Một số tỉnh có sản lượng giảm đáng kể như: Cà Mau sản lượng giảm 13,5%, Kiên Giang sản lượng giảm 3,3%, Bến Tre sản lượng giảm 9,7% so với cùng kỳ năm trước.
Diện tích tôm thẻ chân trắng ước đạt 45.600 ha, giảm 23,2%, sản lượng ước đạt 118.900 tấn, giảm 11,6% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, diện tích và sản lượng tôm thẻ chân trắng vùng ĐBSCL 7 tháng đầu năm 2015 đều giảm 23% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, diện tích ước đạt 39.100 ha, sản lượng ước đạt 84.900 tấn. Một số tỉnh có diện tích, sản lượng giảm nhiều như Bến Tre diện tích giảm 12,4%, sản lượng giảm 17,2%; Bạc Liêu diện tích giảm 38,1%, sản lượng giảm 15,3% so với cùng kỳ năm trước.
Có thể bạn quan tâm

Trung tâm Khuyến nông, khuyến ngư thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau khuyến cáo nông dân: Vào thời điểm này nên tạm dừng việc thả tôm nuôi, nhằm tránh những rủi ro. Đây là vụ thả nuôi trái vụ, mặt khác do thời tiết khô hạn gay gắt nên nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng, nếu thả tôm nuôi vào thời điểm này sẽ không hiệu quả, thậm chí sẽ bị lỗ do chi phí đầu tư cao.

Tính đến thời điểm này, bà con nông dân huyện Cái Nước (Cà Mau) thả nuôi được khoảng 500ha tôm nuôi công nghiệp, trong đó có gần 300ha tôm thẻ chân trắng, tăng gấp 1,5 lần so với diện tích tôm sú.

Anh Mai Công Quốc ở ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước, đã trải nghiệm vụ mùa 2012 gần 50 loại giống lúa chịu mặn trên đất nuôi tôm với năng suất cao. Anh góp phần rất lớn cho Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh, Viện lúa đbscl chọn ra giống lúa chịu mặn, đáp ứng nhu cầu sản xuất tại địa phương.

Từ nguồn vốn quỹ hỗ trợ nông dân năm 2013, Hội Nông dân tỉnh Quảng Ngãi vừa cấp hỗ trợ 1.300 hom giống thanh long ruột đỏ cho 4 hộ dân tại xã Trà Phú (Trà Bồng). Được biết, cách đây 3 năm, cây thanh long ruột đỏ được đưa vào trồng thử nghiệm ở hai xã Trà Phú và Trà Bình đã phát huy hiệu quả.

Mô hình chuối tiêu hồng nuôi cấy mô được Trạm Khuyến nông huyện triển khai với diện tích 2 ha, tập trung ở xóm Lược 1 và Lược 2, xã Phục Linh (Đại Từ - Thái Nguyên) từ tháng 3/2012. Bước đầu cho kết quả khả quan, giống chuối này có thể trồng được trên đồng đất Đại Từ.