Tăng thuế xuất khẩu sắn lát, tất cả đều méo mặt
Gánh nặng này không chỉ đè trên vai các DN chuyên XK mặt hàng mì lát mà còn làm oằn lưng nông dân trực tiếp SX.
Việc tăng thuế XK mì lát đã được Bộ Tài chính dự tính từ đầu tháng 3/2015 dựa trên những kiến nghị của Hiệp hội Nhiên liệu sinh học Việt Nam. Mục tiêu là nhằm hỗ trợ, đảm bảo nguồn nguyên liệu cho SX cồn ethanol, nguyên liệu chính để pha chế xăng sinh học (E5, E10).
Mức tăng 5% thuế XK sản phẩm mì lát được căn cứ vào những thông số như sau: Hiện nay ở Việt Nam, tổng diện tích canh tác mì, nguyên liệu chủ yếu để SX cồn ethanol khoảng 450.000 ha, sản lượng hàng năm là 9,5 triệu tấn củ tươi, chế biến được khoảng 3 triệu tấn mì khô.
Tổng số lượng XK mặt hàng này trong 4 tháng đầu năm 2015 đạt 2,1 triệu tấn, doanh thu 626 triệu USD. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch XK mì lát tăng hơn 60% về khối lượng và tăng 45,5% về giá trị.
Giá thu mua mặt hàng mì lát khoảng 4,3 triệu đồng/tấn; giá XK trung bình trong 2 năm 2013 và 2014 là khoảng 227,5 USD/tấn, tương đương 4.867.570đ/tấn. Theo tính toán của Bộ Tài Chính, khi tăng thuế 5%, DN thu mua và XK mì lát vẫn có lãi khoảng 324.192đ/tấn. Bởi vậy, việc điều chỉnh thuế suất thuế XK mì lát là hoàn toàn hợp lý.
Tuy nhiên, theo ông Lê Viết Chín, chủ DNTN Phú Lợi (TP Pleiku, Gia Lai) thì lập luận của Bộ Tài chính là thiếu thực tế, không hiểu hoạt động của DN. Cách tính toán về lợi nhuận thu được từ việc XK mì lát của Bộ là chưa hợp lý, vì trong tính toán chưa tính phần hao hụt sản phẩm (từ 5-7%) và chi phí khác mà các DN phải bỏ ra.
Cụ thể: Tiền thuê kho bãi, trả lãi suất ngân hàng, tiền mua thuốc khử trùng, kiểm dịch, xếp dỡ, vận chuyển... khoảng 557.000đ/tấn. Do vậy, nhiều năm qua, không ít DN chuyên XK mặt hàng mì lát thu chỉ đủ bù chi, thậm chí nhiều DN còn bị thua lỗ do chi phí đầu vào quá cao.
“Các khoản chi phí đầu vào đối với mặt hàng mì lát đều là những khoản bắt buộc, không thể giảm, nên khi áp dụng tăng thuế XK mặt hàng này lên 5%, đồng nghĩa với việc tăng thêm chi phí đầu vào, trong khi đó giá bán sản phẩm không tăng, chắc chắn hoạt động SXKD mặt hàng sắn lát sẽ gặp nhiều khó khăn”, ông Chín nói.
Bà Nguyễn Thị Xuân Ngọc, GĐ Cty TNHH Thương mại Thành Tâm (TP Quy Nhơn, Bình Định), cho biết mức thuế XK mì lát tăng lên 5%, tương đương với 250đ/kg, cộng với chí phí đầu vào trên 500.000đ/tấn. Với chi phí đầu vào như vậy chắc chắn việc kinh doanh của các DN chuyên XK mì lát sẽ bị thua lỗ.
“Tôi đang lo sốt vó với 50.000 tấn sản phẩm đang tồn kho. Giờ có muốn bán tháo cũng không được, bởi các đối tác đã mua đủ sản phẩm. Nếu đến thời điểm Thông tư 63 có hiệu lực, thuế XK mì lát tăng lên 5% mà không tiêu thụ hết sản phẩm tồn kho thì chúng tôi sẽ bị thua lỗ 12 tỉ đồng”, bà Ngọc bộc bạch.
Ông Nguyễn Văn Tuyển, Trưởng phòng Quản lý xuất nhập khẩu (Sở Công thương Bình Định), cho biết Bình Định có khoảng 11 DN chuyên thu mua và XK mì lát với sản lượng hàng năm trên dưới 800 ngàn tấn. Riêng vụ SX 2014-2015, các DN đã thu mua gần 1 triệu tấn.
“Trước khi có Thông tư 63, DN chúng tôi có đơn hàng xuất 10.000 tấn với giá đã thỏa thuận là 228 USD/tấn. Nhưng khi khách hàng nắm bắt thông tin về Thông tư 63, biết là các DN Việt Nam đang muốn bán tháo hàng nên lập tức ép giá xuống chỉ còn 222 USD/tấn. Với giá này thì lỗ to”, bà Nguyễn Thị Xuân Ngọc, GĐ Cty TNHH Thương mại Thành Tâm nói. |
Trong 5 tháng đầu năm 2015, các DN đã XK 815.700 tấn, hiện đang còn tồn kho khoảng 163.300 tấn. Việc tăng thuế suất XK mặt hàng mì lát chắc chắn sẽ gây khó khăn cho các DN, vì các đối tác đã chốt giá; hoạt động SX của nông dân ắt cũng bị tác động, bởi các DN sẽ phải giảm giá thu mua sản phẩm của để giảm chi phí đầu vào.
“Chúng tôi đã nắm bắt hết tâm tư nguyện vọng của các DN thu mua và XK mì lát trên địa bàn tỉnh.
Trên cơ sở đó Sở Công thương Bình Định đã có văn bản đề xuất UBND tỉnh kiến nghị Bộ Tài chính xem xét lùi thời gian áp mức thuế 5% đối với mặt hàng mì lát, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các DN giải quyết khó khăn, nhất là đối với lượng hàng đang còn tồn kho”, ông Tuyển nói.
Cũng theo ông Tuyển, trước sự “dồn ép” của Thông tư 63, các DN chuyên XK mặt hàng mì lát ở Bình Định đã bán tháo lượng hàng tồn kho để né mức thuế 5% (thông tư có hiệu lực từ 20/6). Sự quá tải do bán tháo dồn dập đã khiến tại Cảng Quy Nhơn hiện còn tồn khoảng 2.000 tấn mì lát.
“Mì là cây xóa đói giảm nghèo của nông dân. Trên những chân đất bạc màu không trồng cây mì sẽ không trồng được cây gì khác. Khi áp mức thuế 5% đối với mặt hàng mì lát XK, các DN sẽ lâm cảnh khó khăn.
Người làm kinh doanh không bao giờ để bị lỗ, mà để không chịu lỗ thì ắt họ phải giảm giá mua. Khi đã giảm giá mua là người nông dân phải chịu thiệt. Như vậy, chưa hết khổ về cây mía nông dân lại tiếp tục ôm khổ vì cây mì”, ông Tuyển chia sẻ.
Như vậy là đã quá rõ, việc sửa đổi mức thuế XK mặt hàng mì lát, đối tượng “chịu đòn” vẫn là người nông dân chứ không phải DN.
Có thể bạn quan tâm
Ông Nguyễn Văn Cửu, Chủ tịch Hội Nuôi nhuyễn thể Giao Thủy là trùm của mọi ông trùm ngao miền Bắc. Hơn hai mươi năm trước ông đã du nhập con ngao méo Thanh Hóa về Giao Xuân (Giao Thủy, Nam Định) để nghề này dần trở nên thịnh vượng.
Bên cạnh đó, việc thực hiện đăng ký mã số nhận diện lần đầu và đăng ký lại được thực hiện độc lập hoặc đồng thời với việc xác nhận đăng ký nuôi cá Tra thương phẩm. Ngoài ra, đăng ký nuôi cá Tra thương phẩm bao gồm đăng ký diện tích và sản lượng nuôi.
Trong khuôn khổ Dự án "Cải thiện sức chống chịu với biến đổi khí hậu vùng ven biển Việt Nam, Campuchia và Thái Lan", chiều ngày 05-8, tại xã An Thạnh 3 (huyện Cù Lao Dung - Sóc Trăng) Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức buổi ra mắt mô hình bảo vệ nghêu bố mẹ.
Là huyện có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho cây chè sinh trưởng và phát triển, đặc biệt là giống chè Shan tuyết; những năm qua, cây chè được huyện Quang Bình (Hà Giang) xác định là cây kinh tế mũi nhọn, không chỉ xóa đói giảm nghèo, mà còn góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng tích cực.
Theo một thống kê của JICA, có tới 90% nông dân Việt Nam đang sản xuất nhỏ lẻ, manh mún và có thu nhập thấp. Hầu hết những sản phẩm nông sản của họ được tiêu thụ bởi thị trường nội địa. Và trên thực tế, những nông dân này rất khó có thể áp dụng VietGAP hoặc những tiêu chuẩn GAP khác có yêu cầu cao hơn.