Tăng thu nhập từ... phân bò
Ba Tri (tỉnh Bến Tre) là một trong những huyện có đàn bò lớn nhất tỉnh với hơn 150.000 con, gồm bò thịt và bò sinh sản.
Phân bò được phơi nắng
Kinh tế của huyện tăng trưởng một phần là nhờ các hộ nông dân phát triển mạnh đàn bò. Người nuôi bò không chỉ giàu lên từ tiền bán bò thịt, bò giống mà còn biết xử lý phân bán cho các nhà vườn mang lại nhiều lợi ích và có giá trị kinh tế cao.
Ông Lê Quang Thế, ngụ xã Tân Xuân chia sẻ: “Trước đây nỗi lo lớn nhất của người nuôi bò là vấn đề giải quyết nạn ô nhiễm. Do lượng phân quá lớn, tràn lan đã làm ảnh hưởng đến đến vệ sinh môi trường. Nhưng kể từ khi phân bò được tận dụng làm phân hữu cơ, người nuôi rất yên tâm vì nguồn phân sau khi xử lý lúc nào cũng hút hàng và giá cả ổn định. Có thể nói các nông trại tiêu thụ phân bò mạnh nhất hiện nay là miền Đông Nam bộ. Họ thu mua với số lượng lớn để bón cho cây trồng.
Phân bò sau khi thu gom được phơi khô trước khi cho vào bao tải chất đống chờ xe tải đến chở. Hằng ngày tại Ba Tri có nhiều chuyến xe “công nông” chất đầy phân bò vận chuyển đến các đại lý để đưa ra các tỉnh miền Đông như: Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương…
Nhiều người cho biết phân bò khô rất thích hợp với các loại cây trồng như tiêu, điều (đào lộn hột), ca cao, cà phê, cao su, thanh long… Hơn nữa, phân bò phơi khô có giá rẻ hơn phân vô cơ nên được các nông trại sử dụng nhiều. Có lúc cung không đủ cầu.
Tại một số tỉnh miền Tây hiện nay, theo khuyến cáo của ngành khuyến nông cũng đang có xu hướng sử dụng phân chuồng, phân xanh, phân rác, đặc biệt là phân bò để bón cho ruộng lúa, rau màu và cây ăn trái thay dần phân hóa học.
Tại Ba Tri và một số địa phương thuộc tỉnh Bến Tre đang rộ lên nhiều thương lái, nhiều đại lý mua đi bán lại phân bò. Nhiều hộ khá giả đã đầu tư mua sắm xe “công nông” để làm phương tiện vận chuyển với mức thu nhập bình quân khoảng 400.000 - 500.000 đồng/ngày.
Phân bò khô cho vào bao
Ngoài ra, tại Ba Tri còn có một đội ngũ lao động hàng mấy trăm người chuyên lo việc cào phân, phơi khô, vô bao, bốc vác và vận chuyển với mức thù lao ổn định từ 150.000 - 200.000đ/người/ngày.
Ông Triệu Văn Quang, 56 tuổi, ngụ xã An Ngãi Trung cho biết: “Miệt vườn Ba Tri hầu như nhà nào cũng có nuôi vài con bò vỗ béo hoặc bò đẻ, nhờ vậy mà nguồn thu nhập có quanh năm”. Bình quân một người nuôi 5 con bò mỗi năm thu nhập từ 10 - 15 triệu đồng từ tiền bán phân.
Theo kinh nghiệm của nhiều người nuôi, muốn cho phân đạt chất lượng cao, phải được phơi từ 1 - 3 nắng tùy thuộc thời tiết, sau đó thu gom và cho vào bao tải, mỗi bao có trọng lượng từ 6 - 10 ký. Hiện giá thu mua dao động từ 5.000 - 6.000 đồng/bao (tùy theo trọng lượng). Tuy nguồn thu không cao, nhưng nhờ số lượng nhiều nên có lãi khá. Điều quan trọng hơn cả là giải quyết được vệ sinh môi trường. Nhờ có biện pháp thu gom nên địa phương giảm được mùi hôi thúi từ trại chăn nuôi. Tại nhiều địa phương, nông dân còn lắp đặt hầm biogas tại trại chăn nuôi bò để tạo nguồn chất đốt.
Vận chuyển phân bò giao cho các nông trại
Từ cách làm hiệu quả của huyện Ba Tri, một số huyện ven biển của tỉnh Bến Tre có đặc điểm tương đồng như huyện Thạnh Phú, Bình Đại, phong trào nuôi bò đang có xu thế phát triển nhanh.
Có thể bạn quan tâm
Những người nông dân Nhật Bản và Pháp đã tiến hành sử dụng những chú vịt thay thế thuốc BVTV của ông cha xưa kia.
Giá thành chăn nuôi gia cầm của Việt Nam đã tiệm cận với các nước và sắp tới C.P Việt Nam sẽ xuất khẩu thịt gà sang Nhật Bản sau khi hoàn tất thủ tục
Cánh cửa xuất khẩu khó nhất vào Hoa Kỳ đã mở, người trồng vú sữa ở Tiền Giang, nhất là giống vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim như “bừng sống” trở lại