Tăng thu nhập nhờ mô hình nuôi cá trong ruộng trũng
Theo thông tin từ Sở KH&CN Ninh Bình, Phòng Nông nghiệp &PTNT huyện Hoa Lư đã triển khai đề tài “Xây dựng mô hình lúa - cá tại HTX nông nghiệp Chi Phong, xã Trường Yên” dựa trên yếu tố vùng trũng của huyện.
Hàng năm, khi vụ lúa đông xuân kết thúc cũng là thời điểm mùa mưa bão bắt đầu, nhiều diện tích đất nông nghiệp của huyện Hoa Lư nằm trong vành đai đê bảo vệ của các con sông thường xuyên bị ngập úng.
Để triển khai mô hình, Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện đã phối hợp với các cấp, các ngành chức năng, địa phương tổ chức hội nghị tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho 60 người tham gia, sau đó lựa chọn 3 hộ đủ điều kiện để thực hiện.
Ngay sau khi kết thúc vụ đông xuân sớm, các hộ đã tiến hành thả 233 nghìn con cá giống trên diện tích gần 13 ha; các loại cá bao gồm cá rô đồng, cá chép, cá trắm cỏ.
Mật độ thả dao động từ 1-7 con/m2, tùy vào điều kiện của từng hộ gia đình.
Ông Hoàng Ngọc Thuyên, Chủ nhiệm đề tài cho biết: Mô hình đã lấy đối tượng cá rô đồng làm chính (chiếm gần 60% lượng giống thả) bởi đây là loài cá đặc sản nổi tiếng của vùng đất Hoa Lư với những ưu điểm vượt trội như: cá khỏe, chịu được khô hạn, thịt cá thơm, ngon.
Đặc biệt hiện nay cá rô đồng ngày càng khan hiếm nên giá cá rô thương phẩm ở mức khá cao.
Mô hình nuôi cá trong ruộng trũng lúa là phương thức hỗ trợ nhau cùng phát triển: Cá ăn sâu bọ hại lúa, sục bùn, diệt cỏ dại và thải phân làm tốt lúa.
Bón phân cho lúa sẽ góp phần bổ sung thức ăn cho cá, đồng thời, khi thu hoạch, cá ăn thóc rơi vãi và rơm rạ mục.
Vì vậy, so với ao nuôi cá thâm canh, mỗi ngày chỉ cần bổ sung cám công nghiệp cho cá ăn một lần vào buổi sáng.
Cá nuôi từ ruộng lúa do sử dụng thức ăn tự nhiên nên chất lượng thơm ngon, bán được giá.
Ngoài có lợi cho cá, mô hình nuôi cá trong ruộng trũng còn giúp nông dân diệt được phần nào mầm mống sâu bệnh cho lúa ở những vụ sau.
Hằng đêm, những hộ có điều kiện sẽ đốt vài bóng đèn lấy ánh sáng dẫn dụ các loại côn trùng, rầy đến để làm mồi cho cá.
Bên cạnh đó, trong quá trình nuôi, cá để lại một lớp phân hữu cơ giàu dinh dưỡng, giúp vụ lúa tiếp theo giảm chi phí về phân bón.
Tuy nhiên, có một điểm cần lưu ý khi nuôi cá - lúa là chân ruộng phải có khả năng điều tiết nước tốt để phù hợp với từng thời gian sinh trưởng của cá.
Do đó, tùy điều kiện, cần phải đào rãnh trong khu vực trồng lúa.
Khi cần phun thuốc bảo vệ thực vật cho lúa cũng phải cân nhắc hết sức cẩn thận, tránh để đất, nước bị nhiễm độc ảnh hưởng đến việc thả cá sau này.
Mô hình sau khi triển khai đã nhận được phản hồi tích cực từ phía các hộ tham gia.
Khi đã nhận thức được lợi ích của mô hình, nhiều nông dân đã dần thay đổi từ sản xuất độc canh 3 vụ lúa/năm, sang hình thức luân canh lúa - cá mang lại lợi ích kinh tế cao.
Bên cạnh đó, nếu được triển khai rộng rãi, mô hình sẽ tạo điều kiện để các hộ ít vốn tận dụng được diện tích nuôi trồng, tăng thu nhập và hạn chế được thuốc hóa học, cải thiện môi trường sinh thái.
Có thể bạn quan tâm
Trong điều kiện nuôi ở nước ta, cá rô phi vằn sau 4-5 tháng mới bắt đầu phát dục. Đến tuổi phát dục, ở mép các vây đuôi, vây lưng và vây bụng ở cá đực có màu sắc rực rỡ từ hồng đến xanh đen, giống như “khoác bộ áo cưới”. Trong khi đó cá cái không có thay đổi gì về màu sắc bên ngoài mà chỉ có bụng phát triển to hơn so với cá đực.
Mô hình được hộ ông Phạm Văn Tuyến thực hiện trên diện tích 0,2 ha. Thực hiện mô hình này, ngày 4/6, ông Tuyến đã thả 6000 con cá giống, loại 60 con/kg. Đến nay, tỷ lệ cá nuôi sống đạt 85%, trọng lượng bình quân 0,5 kg/con. Qua tính toán với diện tích mặt nước 0,2 ha, sản lượng cá thu hoạch được là 2.550 kg.
Ngày 07/08/2014, tại Khoa Thủy Sản – Trường Đại học Cần Thơ, Ts. Dương Thúy Yên, Bộ môn Kỹ thuật nuôi thủy sản nước ngọt, chủ nhiệm đề tài, đã báo cáo nghiệm thu thành công đề tài cấp Bộ “Nghiên cứu đặc điểm sinh học và một số chỉ số đa dạng di truyền của các dòng cá Rô đồng (Anabas testudineus) ở đồng bằng sông Cửu Long”.