Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Dịch bệnh, giá giảm khiến người nuôi tôm gặp khó

Dịch bệnh, giá giảm khiến người nuôi tôm gặp khó
Ngày đăng: 08/05/2015

Thiệt hại kép

Dù rủi ro dịch bệnh cao, nhưng tôm nuôi vụ nghịch thường được giá nên nhiều bà con tranh thủ thả tôm sớm, để mong có lợi nhuận cao. Năm nay, ngoài vấn đề dịch bệnh diễn biến phức tạp do thời tiết khắc nghiệt, giá tôm rẻ làm cho người nuôi tôm khó khăn hơn.

Ông Nguyễn Thanh Tính, nông dân nuôi tôm ở xã Phước Trung, huyện Gò Công Đông cho biết, cách đây mấy ngày, ao tôm thẻ chân trắng hơn 3.000 m2 mới thả nuôi được 25 ngày của gia đình ông có biểu hiện bệnh gan tụy và tôm chết sạch, gây thiệt hại hơn 60 triệu đồng. Trước đó, một ao tôm khác của gia đình ông đã bị bệnh chết khi mới thả nuôi được gần 1 tháng. Những ngày qua, thời tiết diễn biến thất thường, xen lẫn với những ngày nắng nóng kéo dài là những cơn mưa trái mùa lớn làm cho tôm nuôi bị sốc nặng, bỏ ăn, sức đề kháng giảm và phát sinh dịch bệnh.

Ông Tính chia sẻ: "Đã lỡ đào ao theo nghề nuôi tôm rồi nên bắt buộc phải theo nghề, bởi chỉ có tôm mới gỡ được tôm thôi! Tuy nhiên, năm nay thấy tôm khó nuôi quá, nuôi vụ nào bị bệnh vụ đó, lại thêm giá tôm đầu vụ liên tục giảm nên chúng tôi không dám thả nuôi nữa. Giờ chỉ chờ mưa xuống để thời tiết ổn định trở lại, cộng với theo dõi diễn biến giá tôm nguyên liệu thế nào rồi chúng tôi mới dám thả nuôi. Nếu tình hình giá tôm năm nay không khả quan thì chúng tôi có thể tạm ngưng thả nuôi đến cuối năm".

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh ĐBSCL, do thời tiết diễn biến phức tạp gây bất lợi cho tôm nuôi nên lịch thả giống vụ tôm năm 2015 trễ hơn so với mọi năm. Đến nay, các tỉnh mới thả nuôi gần 200.000 ha, nhưng do nắng nóng kéo dài xen lẫn với những cơn mưa lớn trái mùa làm cho môi trường nước các ao tôm khó quản lý, tôm nuôi dễ phát sinh dịch bệnh... làm cho hơn 19.500 ha tôm nuôi bị thiệt hại trong giai đoạn 20 - 40 ngày thả nuôi. Cụ thể, Cà Mau và Trà Vinh bị thiệt hại lớn nhất, với diện tích thiệt hại mỗi tỉnh gần 5.000 ha, kế đến là Sóc Trăng với 4.000 ha và Bạc Liêu có 2.300 ha...

Theo ông Phan Hữu Hội, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Tiền Giang, hiện nay chỉ có một vài hộ thả nuôi sớm có tôm thu hoạch nhưng giá tôm nguyên liệu các loại đang xuống mức thấp nhất từ đầu năm đến nay và giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, hiện tôm sú loại 30 con/kg giá 195.000 - 200.000 đồng/kg, loại 40 con/kg giá 180.000 - 190.000 đồng/kg... Tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg giá chỉ 80.000 - 85.000 đồng/kg (giảm mạnh so với mức 110.000 đồng/kg trong năm trước), tôm loại 50 con/kg giá 105.000 - 115.000 đồng/kg... Nguyên nhân khiến giá tôm xuống thấp là do sản lượng tôm nuôi ở một số nước cung cấp tôm lớn trên thế giới đã phục hồi, sản lượng tôm tăng; trong khi đó các nhà nhập khẩu tôm chưa vội ký hợp đồng với các doanh nghiệp tôm Việt Nam do không sợ thiếu hàng.

Hạn chế thiệt hại do dịch bệnh

Năm 2015, thời tiết dự báo diễn biến phức tạp với sự xuất hiện của những cơn mưa trái mùa hay chuyển mùa với lượng mưa lớn gây ảnh hưởng đến nuôi trồng thủy sản, nhất là hoạt động nuôi tôm nước lợ. Do đó, người nuôi tôm cần quan tâm theo dõi những bản tin dự báo thời tiết của Trung tâm Khí tượng thủy văn, từ đó chủ động hơn trong việc ứng phó với những cơn mưa trái mùa, có những giải pháp phòng tránh thiệt hại do những cơn mưa trái mùa gây ra nhầm góp phần thắng lợi vụ tôm nước lợ năm 2015.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát trỉên nông thôn Tiền Giang, nhằm góp phần hạn chế nguy cơ phát sinh dịch bệnh, giảm thiệt hại cho người nuôi tôm, ngành Nông nghiệp tỉnh vừa có Công văn số 491/SNN&PTNT-TY đề nghị UBND các huyện quan tâm, tập trung chỉ đạo các đơn vị chức năng thông báo rộng rãi kết quả giám sát mầm bệnh của Chi cục Thú y, để người nuôi tôm trong huyện, xã biết và chủ động phòng ngừa.

Đối với người nuôi tại các khu vực có mẫu nhiễm đốm trắng cần hạn chế lấy nước vào ao, nếu cần thiết phải bổ sung nước cho ao nuôi thì phải xử lý diệt mầm bệnh một cách triệt để. Triển khai việc cấp sổ theo dõi nuôi thủy sản cho hộ nuôi tôm, tăng cường giám sát tình hình tôm nuôi và dịch bệnh, để hợp tác với cơ quan chuyên môn trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong vận chuyển tôm giống nhập vào địa bàn huyện, nhằm hạn chế việc lây lan mầm bệnh. Đối với những hộ nuôi chưa thả giống, cần khuyến cáo người nuôi tạm thời chưa nên thả nuôi tôm trong thời gian này cho đến khi tình hình thời tiết và mầm bệnh thuận lợi hơn.

Đối với những hộ đã thả nuôi vụ tôm năm 2015, cần theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe tôm và các yếu tố môi trường ao tôm, để kiểm soát dịch bệnh và có biện pháp xử lý mầm bệnh kịp thời khi dịch bệnh xảy ra. Khi phát hiện tôm nuôi bị bệnh cần kịp thời thông báo cho cán bộ thú y địa phương, giúp xác định bệnh và tiến hành dập dịch trước khi xả nước thải ra các kênh, rạch tự nhiên.

Ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng cục Thủy sản yêu cầu các địa phương quản lý chặt chẽ các yếu tố đầu vào, đặc biệt là con giống; tôm giống thả nuôi phải đảm bảo đạt kích cỡ (cỡ giống tối thiểu đối với tôm sú là Post larvae 15, tôm thẻ chân trắng là Post larvae 12), được kiểm dịch và kiểm tra chất lượng đạt yêu cầu bởi cơ quan có thẩm quyền.

Đồng thời, khuyến cáo người nuôi thực hiện quy trình kỹ thuật nuôi tôm an toàn trong vùng dịch bệnh tại công văn số 10/TCTS-NTTS ngày 06/01/2015 của Tổng cục Thủy sản, trong đó chú ý cải tạo ao nuôi, ao chứa đúng quy trình, gây màu nước, chọn giống, thả giống đúng cách, quản lý chặt chẽ lượng thức ăn và môi trường ao, thực hiện đúng các biện pháp phòng, ngừa dịch bệnh tôm theo quy định.


Có thể bạn quan tâm

Huyện Năm Căn (Cà Mau) Chuyển Giao Kỹ Thuật Sản Xuất Tôm Sú Theo Vietgap Huyện Năm Căn (Cà Mau) Chuyển Giao Kỹ Thuật Sản Xuất Tôm Sú Theo Vietgap

Ngày 21/10, Trung tâm Giống Nông nghiệp tỉnh Cà Mau phối hợp với huyện Năm Căn tổ chức chuyển giao kỹ thuật sản xuất tôm sú theo Vietgap cho 15 học viên đại diện cho các công ty, cơ sở và trại sản xuất giống trên địa bàn huyện.

24/10/2014
Hậu Giang Cần Sớm Quy Hoạch Vùng Nuôi Cá Tra Hậu Giang Cần Sớm Quy Hoạch Vùng Nuôi Cá Tra

Trong quá trình thực hiện, cần quan tâm hướng dẫn các địa phương chuẩn bị nguồn cá tra giống đảm bảo yêu cầu về chất lượng; tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tham gia quy trình chăn nuôi cá tra đạt tiêu chuẩn VietGAP; cũng như tạo điều kiện thuận lợi để các hộ thả nuôi trong vùng quy hoạch; đăng ký sản lượng sát với tình hình thực tế…

24/10/2014
Phấn Đấu Giá Trị Xuất Khẩu Thủy Sản Đạt 11 Tỷ USD Vào Năm 2020 Phấn Đấu Giá Trị Xuất Khẩu Thủy Sản Đạt 11 Tỷ USD Vào Năm 2020

Theo Báo cáo đề xuất Chương trình mục tiêu phát triển thủy sản bền vững giai đoạn 2016 - 2020, mục tiêu đến năm 2020, tổng sản lượng thủy sản đạt 7,0 triệu tấn (sản lượng khai thác thủy sản chiếm khoảng 65 - 70%). Giá trị XK thủy sản đạt 11 tỷ USD. Tỷ trọng thủy sản chiếm khoảng 33,3% trong GDP nông nghiệp. Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 7 - 8%/ năm. Thu nhập bình quân đầu người của lao động cao gấp 3 lần hiện nay.

24/10/2014
Tôm Cua Xen Canh Tôm Cua Xen Canh

Anh Dương Tấn Văn, thôn Tiên Du 1, xã Ninh Phú cho biết, nuôi tôm xen canh cua không tốn kém nhiều chi phí, mà chủ yếu là tiền mua cua giống. Sau khi thả tôm nuôi một thời gian là có thể thả xen cua giống, theo dõi chăm sóc đến cuối vụ là có cua cho thu hoạch.

24/10/2014
Hiệu Quả Cao Từ Nuôi Tôm Dưới Tán Rừng Đước Hiệu Quả Cao Từ Nuôi Tôm Dưới Tán Rừng Đước

Chị Phạm Ngọc Ánh, ấp Hố Gùi, xã Tam Giang Ðông, huyện Năm Căn, cho biết: “Trước đây chưa hiểu hết tầm quan trọng của việc nuôi tôm dưới tán rừng, ít chú trọng công tác trồng và bảo vệ rừng nên tôm nuôi thường xuyên bị dịch bệnh chết. Từ khi thực hiện mô hình nuôi tôm kết hợp trồng rừng, tôm nuôi cho thu hoạch cao”.

24/10/2014