Tăng Cường Giải Pháp Ổn Định Tình Hình Sản Xuất Cao Su
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có văn bản yêu cầu Chi cục Bảo vệ thực vật, Trung tâm Khuyến nông phối hợp với các huyện, thị, thành phố tổ chức thông tin, tư vấn, giúp người nông dân nắm rõ các giải pháp nhằm ổn định tình hình sản xuất, phát triển cây cao su.
Cung đã vượt cầu
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết theo số liệu của Cục Thống kê, đến tháng 6-2014 diện tích cao su trên địa bàn tỉnh là 133.155 ha, vượt 2.805 ha so với quy hoạch đến năm 2015. Nhờ điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng phù hợp cho phát triển cây cao su, giá mủ cao su liên tục gia tăng, hiệu quả từ cây cao su đem lại rất lớn nên nông dân đã chuyển đổi những cây trồng kém hiệu quả sang trồng cao su.
Một số diện tích đất ruộng trũng không thích hợp cho phát triển cây cao su nhưng nhiều nông dân cũng trồng, bất chấp sự khuyến cáo của cơ quan chức năng.
Sự phát triển mạnh của cây cao su trong khu vực nói chung và ở Việt Nam nói riêng đã làm cho năng suất và sản lượng mủ cao su tăng rất nhanh. Theo ngành chức năng, hiện tại thế giới đang thừa tới 652.000 tấn mủ cao su và dự báo sẽ tiếp tục dư thừa trong 2 năm tới.
Vì vậy, khả năng xuất khẩu cao su trong nước sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, hiện xuất khẩu cao su của Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, khi thị trường này có biến động, người trồng cao su trong nước gặp rất nhiều khó khăn.
Những biến động nói trên đã làm giá mủ cao su giảm mạnh, gây lo lắng cho nông dân sản xuất cao su. Một số hộ tiểu điền đã chặt bỏ, thanh lý vườn cao su để chuyển sang canh tác cây trồng khác.
Bảo đảm quy hoạch, nâng cao chất lượng sản phẩm
Để góp phần giải quyết những khó khăn trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa yêu cầu Chi cục Bảo vệ thực vật, Trung tâm Khuyến nông phối hợp với Phòng Kinh tế các huyện, thị và thành phố tổ chức rà soát diện tích cao su phát triển trên địa bàn phù hợp với quy hoạch phát triển của tỉnh, kể cả diện tích cao su phát triển tự phát và diện tích cao su trồng trong điều kiện không phù hợp; đồng thời tập trung ổn định diện tích cao su hiện có và thực hiện biện pháp thâm canh hợp lý (bón phân, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh) để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Một trong những giải pháp quan trọng mà Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu là tăng cường công tác tuyên truyền, thông tin tình hình sản xuất, tiêu thụ, giá cả cao su trung và dài hạn; nâng cao nhận thức cho người trồng cao su nắm vững các giải pháp kỹ thuật, thực hiện giảm chi phí, yên tâm tiếp tục duy trì và chăm sóc vườn cao su, tránh việc tự phát chuyển đổi diện tích cao su sang cây trồng khác.
Bên cạnh đó, đối với cao su kiến thiết cơ bản, có thể giảm đầu tư phân bón nhưng phải vệ sinh làm cỏ và chống cháy. Đối với những vườn cao su kiến thiết cơ bản nằm ngoài vùng quy hoạch như trồng trên đất thấp trũng, đất dốc không phù hợp, nếu vườn cây sinh trưởng kém, không đồng đều có thể chuyển đổi sang trồng cây khác có hiệu quả kinh tế cao hơn.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng khuyến cáo, những vườn cao su ở thời kỳ kinh doanh cũng cần thay đổi chế độ cạo từ d/2 sang d/3, d/4 kết hợp với sử dụng chất kích thích (khí etylen), vừa hạn chế được chi phí công lao động vừa bảo đảm năng suất vườn cây không thay đổi. Đối với những vườn đang khai thác có cây già cỗi và cho năng suất thấp nên thanh lý để trồng tái canh.
Sở cũng yêu cầu Chi cục Bảo vệ thực vật, Trung tâm Khuyến nông phối hợp với Phòng Kinh tế các huyện, thị và thành phố tổ chức tập huấn quy trình canh tác, các biện pháp phòng trừ dịch hại và kỹ thuật khai thác hiệu quả cho nông dân; đồng thời tư vấn và hướng dẫn nông dân chọn giống cao su phù hợp, bảo đảm giống tốt và chất lượng phục vụ cho tái canh.
Có thể bạn quan tâm
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 7 tháng đầu năm 2015, xuất khẩu (XK) cua ghẹ của Việt Nam đạt hơn 60,7 triệu USD, tăng gần 6% so với cùng kỳ năm trước. Hiện thị trường XK cũng đã được mở rộng hơn, các sản phẩm cua ghẹ của Việt Nam đã xuất sang được 34 thị trường.
Ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP)- chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương về sự phát triển của ngành thủy sản hiện nay.
ĐBSCL đạt được nhiều thành tựu trong sản xuất nông nghiệp, trong đó lúa gạo là khâu đột phá.
Tuy phải cạnh trạnh khốc liệt với nhiều loại trái cây nhập khẩu với mẫu mã đẹp và giá cả ổn định hơn nhưng trái cây nội vẫn chiếm được niềm tin của người tiêu dùng.
Qua 2 năm thực hiện đề án “Tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”, đã có 10/13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL xây dựng được đề án và kế hoạch hành động. Trên cơ sở này, các tỉnh đã bắt tay vào tái cơ cấu ngành hàng chăn nuôi gia súc, gia cầm dựa theo lợi thế cạnh tranh đang mang lại hiệu quả thiết thực.