Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Tăng Cường Các Biện Pháp Bảo Vệ Con Nuôi Thủy Sản

Tăng Cường Các Biện Pháp Bảo Vệ Con Nuôi Thủy Sản
Ngày đăng: 07/08/2013

Trong những năm gần đây, phong trào nuôi thủy sản ở tỉnh Nam Định đã và đang có bước phát triển mạnh. Nghề nuôi thủy sản đang chuyển dần từ nuôi quảng canh sang bán thâm canh, thâm canh, nuôi công nghiệp với quy mô lớn, tạo ra sản phẩm tập trung có giá trị kinh tế và xuất khẩu. Trong 6 tháng đầu năm 2013, toàn tỉnh đã nuôi thả 15.567ha, trong đó nuôi nội đồng 9.410ha, nuôi mặn lợ 6.159ha.

Để bảo vệ nuôi thuỷ sản trước sự phát triển nhanh, mạnh, đa dạng hiện nay, trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, môi trường nước bị ô nhiễm, dịch bệnh phát sinh… công tác phòng, chống dịch bệnh trong nuôi thủy sản cần được coi trọng.

Những năm qua, Chi cục Thú y (Sở NN và PTNT) đã thực hiện tốt công tác quản lý, thu thập thông tin về tình hình các hộ và vùng nuôi; tăng cường cán bộ kỹ thuật xuống các vùng nuôi làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn các hộ nuôi và vùng nuôi thực hiện các biện pháp phòng bệnh tổng hợp, quản lý chăm sóc và sử dụng các loại hóa chất, kháng sinh, chế phẩm sinh học để phòng trừ bệnh, không để lây lan ra diện rộng.

Bên cạnh đó, Chi cục thường xuyên thu mẫu nước tại các cửa cống, lấy nước của các vùng nuôi trong tỉnh, ao nuôi và mẫu tôm để cảnh báo sớm; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trong ngành tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống và thuốc thú y thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Trong 6 tháng đầu năm 2013, tổng diện tích vùng nuôi ngao toàn tỉnh đạt 1.710ha, trong đó huyện Giao Thủy 1.500ha, huyện Nghĩa Hưng 210ha. Tại các vùng nuôi xuất hiện diễn biến bất thường, Chi cục đều tiến hành kiểm tra, theo dõi và chỉ đạo biện pháp xử lý kịp thời. Trong tháng 3-2013, tại huyện Nghĩa Hưng đã có trên 40ha ngao chết, Chi cục đã tiến hành kiểm tra và xác định nguyên nhân ngao chết là do thời tiết thay đổi, môi trường vùng nuôi biến động.

Còn tại huyện Giao Thủy, trong tháng 5 cũng đã có 110ha ngao chết bất thường. Ngay khi có thông tin từ vùng nuôi, cơ quan chuyên môn đã kiểm tra, lấy mẫu phân tích tìm nguyên nhân; Chi cục Thú y và Phòng Nuôi trồng Thủy sản đã tham mưu với Sở NN và PTNT có văn bản cho các địa phương hướng dẫn các hộ nuôi thu gom ngao chết để tiêu hủy, thu hoạch ngao đến tuổi đạt kích cỡ thương phẩm, giãn mật độ ngao, vệ sinh làm sạch môi trường.

Đối với tôm, vụ thứ nhất năm 2013, diện tích nuôi tôm toàn tỉnh đạt 3.635ha. Diện tích chuyên canh tôm sú giảm, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng tăng mạnh, đạt 486ha; trong đó huyện Giao Thủy 301ha, huyện Hải Hậu 150ha, huyện Nghĩa Hưng 27ha, huyện Xuân Trường 8ha. Đến hết tháng 6-2013, bệnh ở tôm đã xảy ra tại 3 huyện Xuân Trường, Giao Thủy và Hải Hậu. Sau khi nhận được thông báo về tình hình dịch bệnh tôm tại các địa phương, Chi cục Thú y đã phối hợp với Phòng NN và PTNT các huyện tiến hành thu 30 mẫu nước để kiểm tra các chỉ tiêu lý, hóa; thu 25 mẫu tôm thẻ chân trắng gửi Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương xét nghiệm các bệnh đốm trắng, taura và gan tụy.

Qua phân tích các mẫu nước, các chỉ tiêu cơ bản đều trong giới hạn cho phép; có 2 mẫu tôm thẻ chân trắng tại Hải Hậu dương tính với vi rút đốm trắng; 7 mẫu dương tính với vi khuẩn Vbrio (tác nhân gây ra hội chứng hoại tử gan tụy). Nguyên nhân dẫn đến tôm bị bệnh được xác định là do thời tiết trong tháng 4, 5 thay đổi bất thường, sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm cao làm tôm bị sốc; mật độ nuôi của một số ao quá dày, có ao lên trên 200 con/m2, độ mặn cao 25 - 28 phần nghìn làm tôm khó lột xác.

Để tránh lây lan dịch bệnh, Chi cục Thú y phối hợp với các địa phương tổ chức triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng bao vây dập dịch, không để mầm bệnh phát tán ra môi trường xung quanh, chỉ đạo người nuôi cho thu hoạch những diện tích nuôi có thể thu hoạch được; cấp 15 tấn Chlorine cho các vùng nuôi có bệnh để khử trùng nước các ao bị bệnh trước khi xả ra môi trường.

Trong cơn bão số 2 ngày 23-6-2013, theo báo cáo từ các địa phương, tổng diện tích ao đầm nuôi thương phẩm bị thiệt hại là 1.650ha, trong đó trên 150ha nuôi tôm, cá mới thả bị chết do sốc môi trường và 1.500ha bị ngập, sạt lở. Sở NN và PTNT đã có văn bản hướng dẫn các địa phương các biện pháp khắc phục, đảm bảo sức khỏe con nuôi sau bão.

Hiện nay, các doanh nghiệp và người nuôi thủy sản tại các địa phương đã thu hoạch các đối tượng nuôi đã đạt kích cỡ thương phẩm và tập trung thả giống cho vụ thu đông theo hình thức luân canh, gối vụ. Theo đánh giá của ngành chức năng, vụ nuôi thu đông năm nay, tình hình nuôi thuỷ sản sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro về dịch bệnh.

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh, Sở NN và PTNT phối hợp với các địa phương kiểm tra, rà soát công tác sản xuất giống thủy sản, thống kê danh sách các trại sản xuất giống thủy, hải sản. Tăng cường giám sát và chỉ đạo sản xuất giống cua, cá bống bớp, ngao, hàu… đảm bảo chất lượng. Tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển ngao giống, tôm giống.

Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở sản xuất giống cá nước ngọt tiếp tục sản xuất con giống đảm bảo chất lượng, cung ứng đủ cho người nuôi. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ pháp luật trong nuôi thuỷ sản, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đặc biệt là các vi phạm về sản xuất, lưu thông giống thủy sản, kinh doanh thức ăn, chế phẩm sinh học, thuốc kháng sinh, hóa chất dùng trong nuôi thủy sản.

Bên cạnh đó, Sở NN và PTNT chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các địa phương khuyến cáo nông dân nuôi thả theo đúng quy hoạch, khung thời vụ. Chỉ đạo, hướng dẫn các hộ nuôi mặn lợ thực hiện tốt việc chăm sóc, vệ sinh, quản lý môi trường ao, đầm nuôi tôm, bãi nuôi ngao đảm bảo sự sinh trưởng và nâng cao sức đề kháng cho đối tượng nuôi; hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường và dịch bệnh.

Đối với nuôi nước ngọt, theo dõi sát sao tình hình ao nuôi; ngừng chế độ bón phân cho ao nuôi vào những ngày quá nắng nóng; tăng cường sức đề kháng cho đàn cá nuôi nhằm hạn chế các loại bệnh do vi khuẩn; dâng nước đến mức tối đa, thả bèo một phần diện tích ao để chống rét cho cá. Sở NN và PTNT yêu cầu Chi cục Thú y, Phòng Nuôi trồng thủy sản tiếp tục bám sát vùng nuôi, nắm chắc diễn biến thời tiết, tình hình sức khỏe thủy sản nuôi và có biện pháp tham mưu chỉ đạo kịp thời; tiếp tục tổ chức thu mẫu cảnh báo sớm môi trường và dịch bệnh tại các vùng nuôi nhằm phát hiện, tổ chức bao vây, xử lý ngay ổ dịch bệnh không để lây lan. Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh tăng cường tổ chức tập huấn kỹ thuật chăm sóc, quản lý và phòng trừ dịch bệnh, kỹ thuật và tính cộng đồng trong nuôi thủy sản cho nông dân.

Trung tâm Giống thủy đặc sản, Trung tâm Giống hải sản tập trung sản xuất giống thủy, hải sản, tổng hợp kinh nghiệm và xây dựng, nhân rộng các mô hình nuôi thủy sản bền vững, thích ứng với những biến đổi của thời tiết, khí hậu. Bên cạnh đó, các hộ nuôi thủy sản cần sử dụng con giống có nguồn gốc rõ ràng, được chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y; tuân thủ đầy đủ các quy trình, kỹ thuật nuôi để đảm bảo vụ nuôi thắng lợi.


Có thể bạn quan tâm

Phát triển diện tích cây mắc ca không nên nóng vội chạy theo phong trào Phát triển diện tích cây mắc ca không nên nóng vội chạy theo phong trào

Mắc ca là loại cây có khả năng chịu hạn tốt, hạt là thực phẩm cao cấp, được ưa chuộng trên thế giới về thị trường, tuy theo đánh giá thì thế giới đang có nhu cầu lớn, nhưng chưa có gì là đảm bảo chắc chắn về giá cả, đầu ra nếu nông dân trồng ồ ạt, chạy theo phong trào.

04/05/2015
Hơn 966ha lúa đông xuân phải phòng trừ dịch hại Hơn 966ha lúa đông xuân phải phòng trừ dịch hại

Toàn tỉnh gieo cấy trên 8.718ha lúa đông xuân, chủ yếu là trà sớm và chính vụ (gần 6.000ha) đang bước vào giai đoạn đòng già, trỗ bông. Thời tiết nắng nóng, sáng sớm có sương nhẹ rải rác là điều kiện thuận lợi để một số bệnh hại trên lúa đông xuân phát sinh, gây hại.

04/05/2015
Cho phép nhập thịt bò Pháp đạt yêu cầu vào thị trường Việt Nam Cho phép nhập thịt bò Pháp đạt yêu cầu vào thị trường Việt Nam

Theo đại diện Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Cục đã có văn bản gửi Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội về việc cho phép nhập khẩu thịt bò không xương dưới 30 tháng tuổi từ Pháp vào Việt Nam, với điều kiện thịt nhập khẩu đạt các yêu cầu theo quy định của pháp luật Việt Nam.

04/05/2015
Đổi thay nhờ tư duy mới Đổi thay nhờ tư duy mới

Đẩy mạnh cơ giới hóa, áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là trong sản xuất lúa nước giúp người dân giải phóng sức lao động, hình thành vùng chuyên canh sản xuất lúa hàng hóa, tăng hiệu quả kinh tế từ “bờ xôi ruộng mật”, góp phần đổi thay diện mạo nông thôn vùng lòng chảo.

04/05/2015
Phát triển chăn nuôi hướng thoát nghèo ở Keo Lôm Phát triển chăn nuôi hướng thoát nghèo ở Keo Lôm

Khai thác tiềm năng kinh tế nông – lâm nghiệp, trong đó phát triển chăn nuôi là thế mạnh, những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã Keo Lôm (huyện Điện Biên Đông) tích cực tuyên truyền, vận động người dân phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa bước đầu mang lại những tín hiệu khả quan trong công tác xóa đói giảm nghèo.

04/05/2015