Tân Thuận Đông Phát Triển Mô Hình Xoài Bao Trái Sạch, An Toàn

Hiện nay, nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng là hướng đến sử dụng các sản phẩm chất lượng cao và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đáp ứng nhu cầu này, tại xã Tân Thuận Đông (TP.Cao Lãnh) người dân đã dần áp dụng mô hình sản xuất bao trái sạch, an toàn khá hiệu quả.
Trước đây, theo truyền thống người dân trồng xoài và thu hoạch theo mùa. Hiện nay các nhà vườn đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác để xử lý cho trái nghịch vụ nhằm bán được giá cao, tuy nhiên, việc xử lý xoài nghịch vụ cũng gặp nhiều loài dịch hại tấn công.
Để hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời bảo vệ được sức khỏe người tiêu dùng, nâng cao chất lượng sản phẩm, một số nhà vườn đã sử dụng túi bao trái xoài, kết quả thu được hiệu quả khá cao.
Tiên phong trong việc áp dụng mô hình này ở xã Tân Thuận Đông là ông Nguyễn Đình Tài - hiện là Tổ viên tổ hợp tác sản xuất xoài ấp Đông Thạnh, xã Tân Thuận Đông. Ông Tài cho biết, đây là năm thứ 2 ông trồng xoài theo hình thức bao trái và đã mang lại hiệu quả khá rõ.
Với 3.500m2 đất, sản lượng ông thu được khoảng 13 tấn (2 vụ/năm), thương lái vào tận vườn thu mua với giá 20.000 đồng/kg, cao hơn 5.000 - 6.000 đồng so với xoài không bao trái, sau khi trừ chi phí, gia đình ông có thể thu lãi khoảng 60-70 triệu đồng.
Anh Huỳnh Thanh Khoa cũng là một trong những nông dân ở ấp Tân Phát, xã Tân Thuận Đông mạnh dạn chuyển đổi sang mô hình trồng xoài bao trái cho biết, sau khi áp dụng trồng xoài theo hình thức bao trái, được hướng dẫn kỹ thuật canh tác cặn kẽ, đầu năm 2014 anh Khoa tập trung cải tạo 8.000m2 vườn xoài theo hình thức này.
Vụ xoài vừa qua mang lại cho gia đình anh thu nhập ổn định, mỗi vụ trừ tất cả chi phí còn lãi khoảng vài trăm triệu đồng. Hiện vườn xoài của anh đang tiếp tục vào mùa vụ mới và dự kiến sẽ thu hoạch vào những tháng cuối năm.
“Trồng xoài bao trái, mặc dù chi phí cao hơn gấp 3 lần so với xoài không bao trái nhưng bù lại việc chăm sóc, xử lý kỹ thuật, phun thuốc nhẹ hơn so với trồng xoài thông thường, vì xoài bao trái giảm được sự xâm nhập của nấm và vi khuẩn qua vết thương, tăng chất lượng trái xoài sau thu hoạch.
Nhờ đó, màu sắc trái đẹp, bệnh trái sau thu hoạch giảm, giúp kéo dài thời gian bảo quản từ 3-5 ngày so với bình thường nên thương lái mua với giá cao hơn so với xoài không bao trái. Đặc biệt, xoài bao trái đảm bảo sức khỏe hơn vì hạn chế tiếp xúc thường xuyên với thuốc bảo vệ thực vật nên hiện nay nhiều hộ trong xã cũng đang áp dụng trồng theo” - anh Khoa tâm sự.
Theo ông Nguyễn Hoàng Ân - Bí thư xã Tân Thuận Đông, trên địa bàn xã, kỹ thuật xoài bao trái được manh nha áp dụng từ năm 2012. Tuy nhiên, đến đầu năm 2014, từ các chương trình khuyến nông của thành phố và sự hỗ trợ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông thì vật liệu bao trái chuyên dùng trên xoài mới được áp dụng nhiều trên địa bàn xã.
Đến nay, diện tích trồng xoài trên địa bàn xã Tân Thuận Đông là 536,5ha, đã có trên 100ha sản xuất theo hình thức bao trái, hiện người dân cũng đang tiếp tục mở rộng sản xuất theo mô hình này.
Qua đánh giá thực tế, đây là mô hình mang lại hiệu quả khá cao. Do vậy, xã đang có kế hoạch tiếp tục tuyên truyền, chuyển giao kỹ thuật trồng xoài bao trái giúp nông dân giảm chi phí, tăng lợi nhuận.
Song song đó, để từng bước hỗ trợ người dân trong việc mua bao xoài, xã cũng họp bàn với 3 tổ sản xuất trên địa bàn làm việc với các đại lý cung cấp bao trái xoài cung ứng bao trước mùa vụ hoặc trả trước 50% kinh phí để người dân có điều kiện sản xuất theo hình thức này. Mục tiêu của xã là hướng người dân sản xuất xoài theo mô hình sạch, an toàn, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng và xuất khẩu.
Có thể bạn quan tâm

Tin từ Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa, cho biết: Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ký quyết định phương án hỗ trợ gạo tẻ thường cho người trồng rừng ở huyện vùng cao, biên giới Mường Lát (giai đoạn 2013- 2018).

TS. Đặng Thị Hoàng Oanh cho biết, bệnh hoại tử gan tụy xuất hiện ở cả tôm sú và tôm thẻ chân trắng sau 10-45 ngày thả giống, tỷ lệ chết lên đến 100% ở những ao bệnh nặng. Triệu chứng, tôm có dấu hiệu lờ đờ, bỏ ăn, gan tụy teo lại và có màu sắc nhợt nhạt, kèm theo các dấu hiệu mềm vỏ, sẫm màu, có đốm trên vỏ đầu ngực.

Trong năm 2013, sau khi thành công vụ đầu thu hoạch 4 ao, diện tích 1,5 ha, sản lượng 10 tấn/ha, anh Tri tiếp tục đầu tư tiếp vụ 2 trên hai khu sản xuất của mình tại thôn Hồng Thắng, xã Hòa Thắng. Với 8 ao tôm diện tích 5 ha, sau 83 ngày tuổi tôm đạt 60 con/kg, được 30 tấn, giá bán 140.000 đồng/kg. Tổng hai vụ nuôi diện tích 5 ha, anh thu hoạch gần 50 tấn tôm thẻ chân trắng, bình quân năng suất trên 10 tấn/ha, trừ chi phí đầu tư anh thu lợi nhuận hơn 2 tỷ đồng.

Ngày 25.8, ông Trần Văn Tân - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Trị cho biết, hiện đã có 10ha sắn thuộc 4 xã tại huyện Hướng Hóa bị rệp sáp bột hồng (rệp châu Phi) tấn công, trong đó nhiều nhất là xã A Dơi với 5ha.

Hơn 10 năm nay, phong trào nuôi cá sấu ở miền Tây phát triển khá rầm rộ. Theo số liệu thống kê, tổng đàn cá sấu nuôi tại Đồng Tháp, An Giang và Long An từ năm 2011 đến nay lên đến 72.000 con. Riêng tại Bạc Liêu lên tới 320.000 con, đứng đầu các tỉnh.