Tạm Trữ Gỡ Lối Ra Sản Phẩm Gia Cầm
Để giúp người chăn nuôi tiêu thụ được sản phẩm gia cầm, đồng thời chuẩn bị sẵn nguồn sản phẩm này sau khi hết dịch CGC, TP.HCM đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trên địa bàn tạm trữ sản phẩm gia cầm. Nhờ đó, giá gà, giá trứng ở Đông Nam bộ (ĐNB) sau khi bị giảm sâu đã bắt đầu tăng trở lại.
Mới đây, với sự chủ trì của UBND TP.HCM, ngân hàng Sacombank đã ký kết hợp đồng tín dụng với tổng nguồn vốn 290 tỷ đồng hỗ trợ cho 6 DN tại TP.HCM tham gia bình ổn thị trường và duy trì sản xuất kinh doanh. Đáng chú ý là trong đó có 4 DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đã được cho vay vốn ngắn hạn với lãi suất thấp để bình ổn thị trường gia cầm.
Cụ thể, các doanh nghiệp gồm Cty TNHH Ba Huân, Cty TNHH San Hà, Cty TNHH Phạm Tôn và Cty CP Phát triển Nông nghiệp Thanh niên Xung phong, mỗi Cty được Sacombank cho vay 10 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi 6%/năm. Khoản vay này được dùng để thu mua tạm trữ các sản phẩm gia cầm được chăn nuôi trong nước. Các doanh nghiệp sẽ sử dụng khoản vay nói trên để thu mua trữ đông sản phẩm gia cầm, tập trung vào thịt gà và trứng.
TP không áp chỉ tiêu cho mỗi doanh nghiệp phải mua trữ bao nhiêu gà, bao nhiêu trứng, mà sẽ do các doanh nghiệp tự tính toán và tổ chức thu mua dựa theo khả năng và nhu cầu tiêu thụ trên thị trường. Ngoài ra, còn có 2 doanh nghiệp cũng tham gia thu mua tạm trữ sản phẩm gia cầm là Cty Vĩnh Thành Đạt và Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op), nhưng không cần phải vay vốn của Sacombank.
Theo bà Lê Ngọc Đào, PGĐ Sở Công thương TP.HCM, mục tiêu của chương trình này là nhằm giúp tiêu thụ sản phẩm gia cầm cho người chăn nuôi trong bối cảnh tiêu thụ rất khó khăn như hiện nay.
Cơ hội XK trứng sang Đài Loan, Hồng Kông
Theo thông tin từ một số doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm chăn nuôi, do lo ngại virus H7N9 đang hoành hành ở Trung Quốc, nên nhiều nhà NK trứng gia cầm ở Đài Loan và Hồng Kông, vốn trước đây chủ yếu NK trứng từ Trung Quốc, nay đã tạm ngưng nhập trứng gia cầm từ nước này.
Thay vào đó, họ đang tìm kiếm nguồn trứng gia cầm từ những nước khác, trong đó có Việt Nam. Đã có một số thương nhân từ Hồng Kông và Đài Loan tới Việt Nam đặt vấn đề NK trứng gia cầm.
Mặt khác, do ảnh hưởng của dịch CGC, nhiều khả năng trong những tháng tới, khi dịch CGC chấm dứt, sẽ có nhiều hộ chăn nuôi chưa thể tái đàn kịp thời, gây ra sự thiếu hụt sản phẩm thịt, trứng gia cầm, trong khi nhu cầu tiêu dùng sẽ tăng trở lại. Do đó, chương trình tạm trữ này sẽ giúp cho TP.HCM có sẵn một nguồn thịt, trứng gia cầm đông lạnh, có thể đáp ứng được cho nhu cầu của người tiêu dùng sau khi hết dịch CGC.
Đến thời điểm này, các doanh nghiệp nói trên đều đã bắt tay vào thu mua tạm trữ thịt, trứng gia cầm. Nhờ đó, giá sản phẩm gia cầm do các trang trại bán ra đã tăng nhẹ trở lại. Ông Lâm Thanh Đức, chủ trang trại nuôi gà lấy trứng ở xã Xuân Phú (Xuân Lộc, Đồng Nai), cho biết, do lo ngại dịch CGC, sức tiêu thụ trứng trong thời gian qua giảm mạnh, nhiều bếp ăn tập thể thậm chí còn tạm ngưng sử dụng trứng gia cầm. Do đó, giá trứng đã rớt xuống khá nhiều, trứng gà loại lớn do các trang trại bán ra chỉ còn 1.100 đ/quả.
Tuy nhiên, nhờ tác động của việc thu mua tạm trữ do các doanh nghiệp TP.HCM thực hiện, giá trứng gà ở Đồng Nai đã tăng trở lại, hiện ở mức 1.350 đ/quả (trứng loại lớn). Với giá này, người nuôi gà lấy trứng ở Đồng Nai đã lại có thể cầm cự được vì đang ngang bằng với giá thành.
Còn theo ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, giá gà lông màu ở tỉnh này đã có lúc giảm xuống còn 24.000-25.000 đ/kg. Nhưng từ khi các doanh nghiệp TP.HCM triển khai thu mua tạm trữ, giá gà lông màu đã tăng lên 28.000-29.000 đ/kg. Dù với giá này, người chăn nuôi vẫn đang lỗ 9.000-10.000 đ/kg, nhưng việc thu mua tạm trữ bước đầu đã giúp cho người chăn nuôi bớt khó khăn hơn trong việc tiêu thụ sản phẩm gia cầm.
Ông Lâm Thanh Đức nhận định rằng việc TP.HCM hỗ trợ các doanh nghiệp thu mua tạm trữ sản phẩm gia cầm sẽ giúp cho giá gia cầm, trứng gia cầm trong khu vực không còn bị giảm tiếp xuống nữa, đồng thời sản lượng thịt, trứng được tạm trữ sẽ giúp TP.HCM tránh được nguy cơ mất cân đối cung – cầu (cung thấp hơn cầu) sau khi dịch CGC kết thúc như những lần dịch CGC trước đây, do nhiều hộ bị thua lỗ nặng nề phải tạm ngừng chăn nuôi.
Ông Nguyễn Trí Công cũng cho biết Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai đang tính tới việc cùng với một số doanh nghiệp xem xét khả năng thu mua tạm trữ sản phẩm gia cầm trên địa bàn.
Gà sạch vẫn bán chạy
Trong khi các sản phẩm gà, vịt nuôi theo lối thông thường đang ế ẩm bởi ảnh hưởng của dịch CGC, thì những trang trại chăn nuôi gia cầm theo mô hình sạch vẫn đang tiêu thụ sản phẩm một cách thuận lợi với giá tốt.
Bà Cao Thị Ten, chủ trại gà thảo dược ở ấp 2, xã Phú Ngọc, Định Quán, Đồng Nai, cho biết, mỗi ngày, bà vẫn đang xuất bán đều đặn 300 con gà ta nuôi bằng thức ăn có trộn thảo dược cho Cty TNHH San Hà, với giá bán ổn định 68.000 đ/kg. Do đầu ra thuận lợi, nên bà Ten đang chuẩn bị đầu tư thêm một trại gà thảo dược quy mô 20.000 con.
Có thể bạn quan tâm
Thông tin về thịt heo có chứa chất tạo nạc đang gây xôn xao dư luận, khiến không ít người tiêu dùng hoang mang không biết phải chọn loại thịt nào mới đảm bảo an toàn cho bữa cơm gia đình.
Quả kiwi berry hay còn gọi là kiwi bé rất độc đáo về hình dáng cũng như hương vị.
Mỗi khi lũ về, ông Lê Văn Tài (hai Tài, 53 tuổi, ngụ xã Cần Đăng, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) lại men theo cánh đồng lũ để đặt lươn. Năm nay lũ nhỏ, nhưng hai Tài vẫn kỳ vọng có nguồn lươn giống để bán hoặc nuôi kiếm thêm thu nhập.
Hà sú là loài nhuyễn thể có vỏ cứng, thường sống bám vào các cây sú, vẹt... ở vùng cửa sông, bờ biển một cách tự nhiên. Thế nhưng, những năm gần đây, ở vùng biển Quảng Yên (Quảng Ninh), bà con đã có cách làm rất sáng tạo là chăng dây để nuôi hà...
Ngày 16/9/2015, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang đã ban hành Quyết định số 30/2015/QĐ-UBND về việc quy định quản lý khai thác nghêu giống, nghêu bố mẹ tự nhiên và nghêu thương phẩm trên địa bàn tỉnh.