Tái Quy Hoạch Cây Cao Su
Nước mắt của những người trồng cao su chưa kịp khô sau các cơn bão số 10, số 11 thì bão Haiyan lại tiếp tục khiến họ thót tim. Nỗi lo, nước mắt, chuyện tái nghèo… sẽ còn kéo dài nếu người dân cứ mãi đánh cược với “vàng trắng” trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay.
Nỗi đau “vàng trắng”
Những ngày sau cơn bão số 10, số 11, miền Trung, miền Bắc kiệt quệ bởi sự tàn phá của bão dữ. Hàng nghìn hộ dân thắt lòng vì vườn cao su đang vào tuổi thu hoạch gãy đổ ngổn ngang. Hàng trăm nông dân vừa chặt dọn vườn cao su đổ ngã vừa rơm rớm nước mắt, lòng dạ ngổn ngang. “Tết này đói, tiền đâu lo cho con ăn học, nỗi lo tái nghèo” là những thông điệp được gửi đến từ hầu hết nông dân ôm giấc mơ cùng vàng trắng.
Chúng tôi vẫn còn nhớ hình ảnh chỉ cơn bão số 9 năm 2009 “ghé thăm” Quảng Ngãi, hàng trăm nông dân trồng cao su “chết đứng” giữa rừng, đặc biệt là nông dân các xã khu tây huyện Bình Sơn.
Với nhiều nông dân, cây cao su được xem là "máy in tiền". Trung bình mỗi ngày, 1 ha cao su có thể cho thu nhập từ 200-250 nghìn đồng. Trung bình 1ha cao su sẽ cho thu hoạch trên 50 triệu đồng, sau lứa mủ đầu tiên chỉ cần 1 năm, người dân có thể lấy lại vốn và vài ba năm là sẽ khấm khá mà không phải vất vả như làm ruộng. Nhờ cao su mà nhiều gia đình đã có cuộc sống khấm khá, thế nhưng mọi thứ đều tiêu tan chỉ sau một trận bão.
Cơn bão số 9 năm ấy đã làm gần 90% diện tích cao su ở Quảng Ngãi bị ngã đổ không thể khôi phục được, người dân không chỉ mất “miếng cơm” mà còn lâm vào cảnh nợ nần. Điều này cũng đồng nghĩa với hành trình thoát nghèo, vươn lên khấm khá của nông dân còn xa vời.
Lại thấp thỏm vì bão
Ông Nguyễn Thanh Đô ở xã Tịnh Thọ (Sơn Tịnh) có 16ha cao su trồng được 8 năm. Ông đã lấy mủ năm đầu tiên được 47 triệu đồng. Theo tính toán của ông, nếu suôn sẻ chỉ cần 1 năm nữa là ông thu hồi lại được vốn. Cơn bão số 14 vừa qua, gia đình ông phải tập trung cắt cành để hạn chế đổ ngã, mà đã cắt cành thì việc lấy mũ phải bị ngưng lại nếu không cây cao su sẽ mất sức, có thể dẫn đến chết cả cây.
Tâm sự với chúng tôi, ông Đô chia sẻ: “Hôm nghe tin cơn bão số 14 dự báo đổ bộ vào Quảng Ngãi lòng dạ tôi rối bời. Bởi tôi biết chắc với sức gió mạnh như thế thì sẽ rừng cao su sẽ ngã đổ la liệt mà thôi, như thế công sức, tiền của 8 năm trời vun trồng sẽ cuốn theo bão. Trồng cao su lo nhất là bão. Thoát được nó là may mắn lắm rồi"
Cũng như ông Đô, ông Phạm Xuân Ba ở xã Bình Hiệp (Bình Sơn) cũng ngồi trên đống lửa. “Suốt đêm cả dự báo có bão vào số 14 vào, tôi không thể chợp được mắt. Sáng dậy, tôi mừng khôn xiết vì trời yên biển lặng, mọi thứ vẫn như cũ"
Kể từ cơn bão số 9 năm 2009, chưa có cơn bão nào đổ bộ trực tiếp vào Quảng Ngãi. “Thoát nạn” qua nhiều cơn bão, đặc biệt là cơn bão số 14 (Haiyan), người trồng cao su nói chung và Quảng Ngãi nói riêng thở phào nhẹ nhõm. Nhưng nỗi lo có lẽ sẽ còn kéo dài trong thời gian tới, khi biến đổi khí hậu ngày một rõ rệt, bão xuất hiện ngày càng nhiều như hiện nay.
Phải thừa nhận rằng, hiệu quả kinh tế mà cao su mang lại là rất lớn, nhưng sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như cao su là cây trồng không “nhạy cảm" với bão. Đây là loại cây công nghiệp nhiệt đới điển hình, “sợ” nhất là bão và rét. Chỉ cần gió cấp 8 là có thể gãy ngọn, gió cấp 10 có thể làm cây bật gốc, trời rét dưới 16 độ cây sẽ chết.
Vậy mà ở Quảng Ngãi có chuyện ngược đời, một doanh nghiệp mang cao su trồng trên ngọn đồi 753 ở xã Trà Tân (Trà Bồng)- đây là ngọn đồi cao hơn 700m so với mực nước biển.
Những ngày sau bão số 10, sau 2 giờ đồng hồ lội bộ đèo dốc, chúng tôi đã đến được với rừng cao su do doanh nghiệp này trồng trên đỉnh đồi 753. Dọc con đường nhỏ lên ngọn đồi, chúng tôi tận mắt chứng kiến cây keo đổ ngã nằm la liệt. Càng ở độ cao lớn, sức gió càng mạnh thì ai dám chắc, cây cao su vốn có đặc tính dễ đổ ngã sẽ an toàn khi có bão?
Tái quy hoạch
Trước thiệt hại quá nặng nề của cao su ở Bắc Trung Bộ sau cơn bão số 10, trả lời trên các phương tiện thông tin đại chúng, đại diện Bộ NN&PTNT cho biết, trước mắt Bộ cùng chính quyền các tỉnh đang vào cuộc ráo riết để cứu những diện tích cao su chưa ngã đổ hoàn toàn và hướng dẫn nông dân trồng cây ngắn ngày như một giải pháp tình thế.
Về lâu dài, Cục Trồng trọt sẽ phối hợp với các địa phương rà lại quy hoạch, trên cơ sở đó đề nghị UBND các tỉnh điều chỉnh quy hoạch hợp lý. Đồng thời, Cục cũng sẽ sớm ban hành quy trình kỹ thuật trồng cao su đặc thù cho vùng Bắc Trung Bộ.
Còn ông Phan Thành Dũng- Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu cao su (Tập đoàn Cao su Việt Nam) thì khẳng định: Viện đã hoàn tất nội dung quy trình khắc phục và phát triển cao su ở miền Trung, dự kiến sẽ ban hành quy trình này vào cuối tháng 11 để phổ biến rộng rãi cho nông dân.
Tập đoàn Cao su Việt Nam cũng đang hình thành nhà máy sử dụng gỗ cao su để chế biến làm gỗ ván ép bột sợi có giá trị kinh tế cao. Hướng điều chỉnh quy hoạch của tập đoàn này là sẽ trồng cao su hướng nhiều về phía tây, sử dụng giống cao su kháng gió đã được khảo nghiệm. Những nơi liên tục thiệt hại nặng sẽ chuyển đổi trồng theo hướng lấy gỗ bằng cách tăng mật độ trồng lên.
Hơn lúc nào hết, người trồng cao su rất mong sự vào cuộc của cơ quan quản lý, sự trợ giúp đắc lực từ các nhà khoa học để giảm thiểu rủi ro, mất mát từ thiên tai có thể lặp lại bất cứ lúc nào.
Có thể bạn quan tâm
Gắn chóa đèn pin lên trán, một tay cầm cây móc, một tay thò vào hộc lôi con rắn hổ to đùng còn đang phùng mang phù phù ra, anh La Minh Vũ cười xòa: “Con này cho thu nhập khoảng 7 triệu đồng đấy”. Thấy tôi tròn xoe mắt kinh ngạc, anh chiết tính: con này cỡ hai ký rưỡi, mỗi ký giá một triệu đồng; mỗi năm nó đẻ hai lứa, mỗi lứa trung bình 15 trứng, giá mỗi trứng 300.000 đồng.
Năm nay, toàn xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định nuôi cá chua trên diện tích 25 ha mặt nước, sản lượng khoảng 120 tấn. Hiện đã đến vụ thu hoạch, nhưng giá bán cá chua thấp hơn 50% so với năm trước, người nuôi cá thua lỗ nặng.
Giá cua biển tại tỉnh Trà Vinh bất ngờ giảm từ mức trên 230.000 đồng/kg xuống chỉ còn khoảng 130.000 đồng/kg trong vòng một tuần qua.
Khi lúa thu đông đang rực vàng trên những cánh đồng vùng ĐBSCL, những người dân ở các huyện ngoại thành TP.Cần Thơ bắt đầu thả cá giống trên đồng ruộng để đón nước lũ về.
Xưa nay, nhiều hộ có ao ở ấp 6, xã Sông Trầu (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) chỉ nuôi cá tạp. Gần đây, một số nông dân trong ấp đã chuyển sang nuôi cá chép Nhật đem lại hiệu quả khá cao.