Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Tái Diễn Sâu Lạ Đục Củ Khoai Lang

Tái Diễn Sâu Lạ Đục Củ Khoai Lang
Ngày đăng: 20/10/2014

Sau thời gian tạm lắng kể từ vụ khoai lang năm 2012, hiện nhiều nông dân trồng khoai ở Bình Tân (Vĩnh Long) lại điêu đứng nạn sâu “lạ” đục củ tấn công trở lại, làm giảm năng suất và giá cả.

Hiện khoai lang tím Nhật có giá từ 200.000 - 230.000 đ/tạ, 60kg, nhưng khi bị sâu đục củ giá bán chỉ còn 20.000 - 25.000 đ/tạ.

Nông dân điêu đứng

Ông Lê Văn Trung - Chủ nhiệm Hợp tác xã Rau an toàn Thành Lợi cho biết, loại sâu này xuất hiện nhiều năm trước, gây hại tỷ lệ thấp, chừng 1 - 2%, nhưng năm nay bùng phát dữ dội. Sâu đục phá rất nhanh, nhiều ruộng phát hiện dù phun xịt thuốc kịp thời nhưng trong vòng 3 ngày nếu không thu hoạch thì có khoảng 50% diện tích bị đục khoét, làm giảm chất lượng.

Ban đầu vết đục chỉ bằng đầu tăm nhang, sau đó bị thâm đen ăn sâu vào “thịt khoai”. Trung bình một công khoai tím Nhật sau thu hoạch được từ 40 - 50 tạ nhưng nếu ruộng nào bị sâu đục phá thì còn khoảng 10 tạ bán được với giá cao, còn lại sẽ bị dạt.

Chứng kiến cảnh hàng chục tấn khoai lang tím Nhật củ no tròn nhưng bị dạt “khoai bét”, ông Nguyễn Văn Chín (xã Tân Thành, Vĩnh Long) buồn rười rượi. Ông Chín trồng được công rưỡi khoai lang, thu 80 tấn nhưng trên 40 tấn bị dạt vì bị một loại sâu lạ đục lỗ lăm tăm trên củ.

Ông Chín cho biết, sau khi trồng được khoảng 3 tháng đã phát hiện ruộng khoai bị sâu này tấn công. Cứ ngỡ các loại sâu bình thường như những mùa trước, ông Chín đã mua nhiều loại thuốc phun xịt nhưng không ăn thua. Sâu xuất hiện và phá hoại khoai với cấp số nhân cho tới thu hoạch.

Trong khi đó, khi mua, thương lái sẽ lựa khoai tốt xếp loại 1 (củ nguyên vẹn, đủ trọng lượng) giá cao nhất khoảng 200.000 đ/tạ, 60kg, còn khoai bị sâu đục lăm tăm trên củ sẽ bị xếp “khoai bét”, giá chỉ 20.000 - 25.000 đ/tạ. “Bán hết chắc được chừng 10 triệu đồng nhưng chi phí lên tới 14 - 15 triệu đồng lận, vụ này lỗ chắc rồi”- ông Chín thở dài.

Gần đó, 2 công khoai lang tím Nhật của ông Nguyễn Văn Thảo cũng đang thu hoạch trong tình cảnh kém vui. Ông Thảo cho biết: Bất kể thời điểm nào, khi khoai lang trồng có củ là bị sâu này tấn công. Chúng không làm hư hại như sùng mà chỉ đục một hoặc vài lỗ nhỏ ăn sâu vào “thịt khoai”.

Ông Thảo dự tính sẽ có khoảng 50% khoai bị dạt. Thương lái ngã giá mua hết 2 công khoai với giá 10 triệu đồng nhưng theo ông Thảo chi phí bỏ ra đã lên đến 15 triệu đồng.

Toàn huyện Bình Tân còn khoảng 1.000ha khoai lang chưa thu hoạch, nằm rải rác nhiều nơi. Trong đó, có không ít diện tích đến thời điểm thu hoạch nhưng giá cả xuống thấp nên nông dân neo lại chờ giá.

Điều này, theo các nhà khoa học là hết sức nguy hiểm, vì sâu đục củ tấn công rất nhanh. Nếu tiêu thụ được bà con nên thu hoạch sớm không để khoai trên đồng, nếu neo lại cần phải có giải pháp chăm sóc thật hiệu quả để hạn chế sâu bệnh.

Khuyến cáo không trồng lưu vụ

Nông dân Phạm Văn Thanh (xã Thành Trung) cho biết: Loại sâu lạ này gây hại chủ yếu vào ban đêm. Nhiều người đã mua thuốc, với chi phí tăng hơn những vụ trước từ 2 - 3 lần để phòng trị nhưng không mang lại hiệu quả. “Tức mình tui bắt luôn con sâu bỏ vào chai thuốc sâu thử thế nào mà nó cũng không chết, nên đành chịu!”- ông Thanh nói.

Theo ông Châu Văn Huấn- Trưởng Trạm Bảo vệ thực vật Bình Tân, nguyên nhân rất có thể do nông dân trồng liên tục không cho đất nghỉ ngơi nên sâu đục củ có điều kiện phát triển và gây hại. Mặt khác, do giá khoai năm nay khá thấp, nhiều ruộng khoai tới thời điểm thu hoạch nhưng họ neo lại mà không phun xịt thuốc đặc trị sâu thường xuyên.

Theo một số tài liệu của Trung tâm Cây có củ thế giới mà Thạc sĩ Võ Văn Theo- Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT Bình Tân cung cấp trước đây, thì loại sâu này có tên khoa học là Diabrotica spp.

Theo tài liệu của Trung tâm Cây có củ thế giới thì loại sâu này không mới và có thể phòng trị.

Ấu trùng trước khi phát triển thành sâu thường nằm sâu trong đất và nở thành sâu trong thời gian khoảng 20- 30 ngày. Khi khoai lang có củ là sâu này bắt đầu đục phá cho đến khi thu hoạch. Do nông dân phun xịt thuốc đặc trị, sâu thường trên lá nên không diệt được sâu này.

Tuy nhiên, theo Thạc sĩ Võ Văn Theo, hoàn toàn có thể diệt trừ loại sâu này bằng nhiều cách khác nhau. Một trong những biện pháp mà nông dân có thể áp dụng là không nên trồng nhiều vụ khoai liên tiếp để cắt nguồn thức ăn của sâu.

Còn theo ông Châu Văn Huấn, bà con nên chọn giải pháp trồng luân canh lúa hoặc hoa màu khác thay thế khoai lang. Sau khi thu hoạch nên ngâm đất trong nước ít nhất 20 ngày để diệt ấu trùng; vệ sinh đồng ruộng, khi sâu xuất hiện nên phun các loại thuốc lưu dẫn để tiêu diệt.

“Ngành nông nghiệp đã phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ thực hiện đề tài nghiên cứu để định danh cho loài côn trùng này. Hy vọng kết quả sẽ có trong thời gian sớm nhất để đưa ra phương pháp điều trị hiệu quả hơn”.- ông Huấn cho biết thêm.

Sâu “lạ” có thể là bọ đuôi kiềm!

Sau chuyến khảo sát thực tế của Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam vào năm 2012, nhiều nhà khoa học cho rằng, rất có thể sâu lạ là con bọ đuôi kiềm thuộc họ cánh phấn, với khoảng 2.000 loài gây hại trên nhiều thực vật trong thời gian qua. Sâu này đã xuất hiện nhiều năm trước.

Nguyên nhân bùng phát mạnh rất có thể do điều kiện thời tiết thuận lợi và nông dân lơ là trong việc chăm sóc ruộng khoai. Trước mắt, nông dân lưu ý không nên lạm dụng thuốc hóa học trong phòng trị mà nên tìm cách quản lý tốt loại sâu này không để gây hại diện rộng.


Có thể bạn quan tâm

Vượt Khó Nhờ Chăn Nuôi Gà Ta Gò Công Vượt Khó Nhờ Chăn Nuôi Gà Ta Gò Công

Anh Trần Văn Thái, nông dân sản xuất giỏi ấp Thành Nhì, xã Bình Xuân, thị xã Gò Công (GC - Tiền Giang), hiện nay là xã viên HTX chăn nuôi thủy sản GC, nhờ mô hình nuôi gà ta, gia đình anh đã vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống sau một thời gian dài lao đao vì dịch cúm gia cầm năm 2003.

24/07/2013
Sản Lượng Nuôi Trồng Thủy Sản Đạt Hơn 237.000 Tấn Sản Lượng Nuôi Trồng Thủy Sản Đạt Hơn 237.000 Tấn

Những tháng đầu năm 2013, tổng sản lượng nuôi, trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Cà Mau được hơn 237.000 tấn, đạt gần 55% so với kế hoạch, tăng hơn 8,3% so với cùng kỳ.

24/07/2013
Cảnh Sát Biển Việt Nam Tuần Tra Liên Hợp Nghề Cá Việt - Trung Cảnh Sát Biển Việt Nam Tuần Tra Liên Hợp Nghề Cá Việt - Trung

Ngày 23/7, Lực lượng của Cục Cảnh sát biển Việt Nam đi trên hai biên đội Tàu CSB 2005 và CSB 2008 đã khởi hành từ Hải Phòng ra Bạch Long Vĩ để chuẩn bị thực hiện chuyến tuần tra liên hợp nghề cá trên Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc lần thứ 8.

24/07/2013
Công Bố Dịch Cúm A/H5N1 Trên Chim Cút Ở 2 Xã Công Bố Dịch Cúm A/H5N1 Trên Chim Cút Ở 2 Xã

Ngày 22-7, UBND tỉnh ký Quyết định 1722/QĐ-UBND về việc công bố dịch cúm A/H5N1 trên chim cút tại xã Phú Kiết và xã Hòa Tịnh (huyện Chợ Gạo - Tiền Giang).

25/07/2013
Những Giải Pháp Trước Mắt Cho EMS Những Giải Pháp Trước Mắt Cho EMS

Mặc dù các nhà khoa học đã chỉ được đích danh tác nhân gây ra Hội chứng chết sớm/Hoại tử gan tụy cấp (EMS/AHPNS) nhưng đến nay vẫn chưa có một phác đồ điều trị cụ thể.

25/07/2013