Tái Cơ Cấu Ngành Nông Nghiệp Theo Hướng Phát Triển Bền Vững
Với mục tiêu thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, mới đây, Thái Nguyên đã xây dựng kế hoạch hành động với 8 nhiệm vụ cụ thể, trong đó có 6 nội dung sẽ thực hiện trong 2 năm (2014 và 2015) và 2 nội dung được thực hiện hằng năm.
Ngày 10-6-2013, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định số 899/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đây là một Đề án hết sức quan trọng nhằm thúc đẩy nền nông nghiệp thực sự tăng trưởng về chất, góp phần vực dậy nền kinh tế nước nhà…
Thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, tỉnh ta phấn đấu đến năm 2020, duy trì ổn định 41 nghìn ha đất cấy lúa; chuyển diện tích lúa một vụ, đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang gieo trồng các loại cây có giá trị, kinh tế cao. Với cây chè, phát triển theo hướng ổn định diện tích; áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong sản xuất, chế biến chè, phấn đấu đến năm 2020 có 19,5 nghìn ha chè, sản lượng đạt 215 nghìn tấn chè búp tươi. Riêng với chăn nuôi, sẽ có những đột phá về giống, thức ăn quy trình nuôi dưỡng, nâng tỷ lệ nái ngoại và nái lai từ 40% hiện nay lên 60% vào năm 2020…
6 nội dung sẽ thực hiện trong năm 2014 và 2015 là: Rà soát, sửa đổi bổ sung các quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực sản phẩm để thực hiện các nội dung, định hướng tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; rà soát, đánh giá quy hoạch rừng theo hướng duy trì hợp lý diện tích rừng đầu nguồn, rừng đặc dụng, chuyển đổi diện tích rừng còn lại sang phát triển vùng nguyên liệu tập trung; quy hoạch vùng nguyên liệu chè; thực hiện Đề án nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm chè; rà soát, quy hoạch và quản lý vùng chăn nuôi an toàn môi trường, an toàn thực phẩm; phát triển và đa dạng hóa các hình thức cung cấp dịch vụ khuyến nông. 2 nội dung sẽ được thực hiện hằng năm tập trung vào hỗ trợ nông dân kết nối, tiếp cận với dịch vụ nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, kết nối các doanh nghiệp chế biến, hệ thống tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh thực hiện Chương trình Xây dựng Nông thôn mới (XDNTM).
Theo đồng chí Đặng Viết Thuần, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp là một nhiệm vụ quan trọng. Do đó, đưa ra được những giải pháp mang tính đột phá sẽ giúp việc thực hiện Đề án đạt kết quả cao. Với quan điểm đó, để thực hiện có hiệu quả 8 nhiệm vụ trọng tâm, tỉnh sẽ tiếp tục phát triển mạnh các lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh và thị trường tiêu thụ.
Trong đó, ngành Trồng trọt sẽ tập trung tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành, điều chỉnh cơ cấu cây trồng theo lợi thế từng địa phương; xây dựng và tập trung chỉ đạo vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh với những cây trồng có hiệu quả kinh tế cao, khối lượng sản phẩm lớn, chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm đạt giá trị kinh tế cao trên một đơn vị diện tích đất nông nghiệp trồng trọt, gắn với thị trường tiêu thụ.
Chị Lê Thị Năm, một người dân trồng chè ở xóm Soi Vàng, xã Tân Cương (T.P Thái Nguyên) cho hay: Tôi thấy tỉnh đang định hướng cho người dân chuyển đổi giống chè rất hợp lý. 5 năm trở lại đây, người dân trong xã đã chặt phá những diện tích chè trung du già cỗi để trồng thay thế vào đó các giống chè lai như LDP1, Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên… cho năng suất cao, chất lượng tốt, giá bán cao hơn nhiều so với giống chè cũ.
Đối với ngành Chăn nuôi, sẽ phát triển theo hướng trang trại tập trung, hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã, công ty chăn nuôi theo hướng đảm bảo an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường gắn với giết mổ tập trung, chế biến sản phẩm chăn nuôi; giảm dần chăn nuôi nhỏ lẻ, gắn phát triển chăn nuôi với hệ thống cơ sở giết mổ, chế biến, bảo quản, thị trường tiêu thụ; khuyến khích áp dụng công nghệ cao, liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị từ sản xuất giống, thức ăn đến chế biến để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và giá trị gia tăng…
Trong phát triển ngành Lâm nghiệp, tỉnh ta sẽ phát huy những lợi thế về điều kiện tự nhiên, thu hút nguồn vốn đầu tư của các thành phần kinh tế để thực hiện có hiệu quả Chương trình Bảo vệ phát triển rừng, nâng cao chất lượng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; điều chỉnh cơ cấu hợp lý 3 loại rừng; đẩy mạnh trồng rừng kết hợp khai thác hiệu quả, bền vững tài nguyên rừng.
Đặc biệt, tỉnh ta sẽ đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa lâm nghiệp, chuyển nguồn lực đầu tư bảo vệ và phát triển rừng từ dựa chủ yếu vào vốn ngân sách Nhà nước sang huy động đa dạng các nguồn lực xã hội; duy trì ổn định diện tích đất lâm nghiệp, dự kiến đến năm 2020 là gần 180 nghìn ha rừng.
Riêng với lĩnh vực Thủy sản, sẽ tận dụng triệt để diện tích mặt nước, đẩy mạnh nuôi thâm canh, bán thâm canh đối với các diện tích ao, hồ chứa nhỏ; thả giống với cơ cấu hợp lý, kết hợp phát triển nuôi cá lồng trên các hồ chứa lớn; phát triển nuôi cá tầm tại khu vực có nguồn nước lạnh; phát triển các mô hình thủy sản hàng hóa, gắn với thị trường tiêu thụ; tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất… Dự kiến đến năm 2020, diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh ổn định với 6.850ha…
Ông Trần Nho Hưởng, Phó Chánh văn phòng điều phối Chương trình XDNTM cho rằng: Mục đích cuối cùng của việc tái cơ cấu ngành Nông nghiệp là để nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống người dân nông thôn. Đây cũng là mục tiêu của Chương trình XDNTM nên khi thực hiện Đề án gắn với Chương trình có ý nghĩa này, chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn trên địa bàn tỉnh chắc chắn sẽ được nâng lên.
Tuy nhiên, từ nay đến hết năm 2015, Thái Nguyên mới có 20 xã đạt chuẩn NTM, trên 120 xã còn lại muốn đạt chuẩn sẽ còn phải nỗ lực rất nhiều.
Bởi vậy, những năm tiếp theo, các xã chưa đạt chuẩn NTM sẽ tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng nông thôn; sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn theo hướng hiệu quả, bền vững; đẩy mạnh chương trình dạy nghề, đào tạo nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật, quy trình sản xuất, canh tác tiến bộ… cho nông dân; thực hiện tốt chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Có thể bạn quan tâm
Xuất khẩu giảm, giá cả trên thị trường thế giới cạnh tranh, chi phí tài chính tăng... khiến nhiều doanh nghiệp cá tra giảm lãi tới vài trăm phần trăm, thậm chí lỗ.
Sau 128 ngày, tàu cá vỏ thép mang tên Hải Cảng 1 đã được công ty TNHH MTV đóng Tàu Cam Ranh (thuộc Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam) thi công hoàn thành và bàn giao cho ngư dân Nguyễn Việt Hằng (TP Quy Nhơn, Bình Định).
Ông Trần Văn Thích – Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Sản xuất thương mại và dịch vụ Phước An (Bình Chánh, TP.HCM) cho biết, với việc Chi cục Bảo vệ thực vật TP.HCM chấm dứt nhiệm vụ xét nghiệm các mẫu rau an toàn, nên mỗi phiếu kiểm nghiệm mà HTX Phước An đưa ra các trung tâm kiểm nghiệm phải chi phí mất hơn... nửa tấn rau.
Nhiều tàu cá các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa từ ngư trường Trường Sa cập cảng Hòn Rớ (Nha Trang, Khánh Hòa) đầy ắp cá ngừ sọc dưa.
Bộ NN&PTNT cho biết, khối lượng gạo xuất khẩu trong 8 tháng đầu năm 2015 ước đạt gần 4,1 triệu tấn, kim ngạch 1,76 tỷ USD (giảm 8,6% về lượng và trên 13% về giá trị so cùng kỳ năm ngoái).