Sung Túc Nhờ Bồ Câu Pháp

Sau khi thôi giữ chức Phó chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Thọ Sơn (Bù Đăng - Bình Phước), ông Võ Xuân Cung thấy mình không kham nổi công việc chăm sóc 10 ha điều vì sức khỏe. Ông suy tính mãi vẫn không ra việc làm phù hợp với tuổi già và có thêm thu nhập giúp vợ con. Mải mê suy nghĩ, ông Cung bước tới cho mấy con bồ câu Pháp đang ăn và tiếng gù gì của chim bồ câu mà gia đình nuôi làm cảnh đã mở ra cho ông một cách làm giàu. Ông Võ Xuân Cung, chủ trang trại nuôi chim bồ câu Pháp ở thôn Sơn Phú, xã Phú Sơn (Bù Đăng) bộc bạch về cơ duyên làm giàu của mình.
Làm chơi ăn thiệt
Khi nhắc đến mô hình nông dân sản xuất giỏi trên địa bàn, Chủ tịch UBND xã Phú Sơn - ông Cao Ngọc Quang nghĩ ngay đến mô hình nuôi chim bồ câu Pháp của ông Cung. Ông Quang nói: “Mô hình nuôi chim của ông Cung được nhiều người đến học tập. Hiện khách hàng của ông Cung từ thị trấn Đức Phong lên tới Đắk Nông. Trang trại này không đủ hàng cung cấp cho thị trường. Không ngờ, ông Cung làm chơi mà ăn thiệt”.
Ông Cung cho hay: Ban đầu từ vài con nuôi làm cảnh đến nay ông đã có hơn 200 cặp chim bố mẹ. Nuôi chim bồ câu Pháp không khó. Thức ăn cho loài chim này là cám tổng hợp và gạo lức để tránh bệnh về tiêu hóa. Một đôi chim bố mẹ mỗi năm đẻ 8-10 lứa. Mỗi lứa hai trứng và 17 ngày sau nở có thể bán chim thịt với giá 60 ngàn đồng/con. Một năm thu từ một cặp chim bố mẹ khoảng 400 ngàn đồng sau khi trừ chi phí. Như vậy, mỗi năm gia đình ông Cung thu lợi khoảng 80 triệu đồng. Thị trường chim bồ câu thịt rộng và hút hàng. Có lúc không có nguồn, ông Cung phải đến tận Đắk Lắk, hay về Đồng Nai mua về bán để giữ mối. Không chỉ bán chim thịt, ông Cung còn cung cấp các loại chim giống như bồ câu Pháp, Mỹ và chim lai với bồ câu Việt Nam. Ông sẵn sàng hướng dẫn kỹ thuật cho những ai quan tâm đến mô hình nuôi chim.
Diện tích nuôi chim của ông Cung chỉ rộng khoảng 70m2, tường xây gạch, mái lợp tôn, nền láng xi măng và số vốn đầu tư ban đầu khoảng 100 triệu đồng. Yếu tố quan trọng trong xây dựng nơi nuôi chim bồ câu là kín gió nhưng đủ ánh sáng và sạch sẽ. Với 200 đôi chim bồ câu bố mẹ, mỗi ngày ông Cung dành khoảng 3 giờ cho chim ăn và vệ sinh chuồng trại. Khi phát hiện chim có dấu hiệu khác lạ phải xử lý bằng thuốc cho cả đàn để hạn chế sự lây lan bệnh.
Duyên cơ với bồ câu
Khi còn công tác xã hội, ông cũng như nhiều người khác ở Thọ Sơn có thú nuôi chim làm kiểng. Lúc rỗi rãi, mọi người cùng trò chuyện và thi xem chim kiểng của ai khỏe, đẹp và hót hay. Ông Cung không nuôi chào mào hay khướu, sáo... mà chọn nuôi chim trĩ, chim bồ câu Pháp. Khi thôi công tác, ông chọn nuôi chim bồ câu Pháp để kinh doanh. Có được sự thành công trên, ông Cung đã phải lặn lội lên tận Cưmgar (Đắk Lắk), xuôi về Định Quán (Đồng Nai) hay Long An... nơi có nhiều người nuôi chim bồ câu để học hỏi kinh nghiệm.
Ông Cung xây chuồng ban đầu khoảng 30m2 để nuôi thử, khi đàn chim cho kết quả tốt ông mới mở rộng diện tích chuồng trại như hôm nay.
Theo ông Cung, nuôi chim bồ câu Pháp dễ hơn nuôi các loại gia cầm khác và lợi nhuận cao hơn nuôi gà. Bởi bồ câu Pháp có sức đề kháng cao, ít mắc bệnh, thích ứng tốt với điều kiện nuôi nhốt nên không mất nhiều công chăm sóc, chi phí thấp mà hiệu quả kinh tế cao. Muốn chim lớn nhanh, khỏe mạnh, không bị bệnh thì mật độ nuôi phải đảm bảo 6-8 con/m2 và thường xuyên vệ sinh chuồng trại. Thức ăn, nước uống cho chim phải sạch sẽ, tiêm thêm thuốc phòng bệnh, thuốc bổ định kỳ, mỗi ngày cho ăn 2 lần vào buổi sáng và tối...
Nhiều khách hàng ở tận Tây nguyên, Nam Trung bộ... tìm đến ông mua con giống, học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc bồ câu Pháp. Thời gian tới ông sẽ mở rộng quy mô, tăng số lượng nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường. “Hiện đàn bồ câu Pháp của tôi không đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ở xã Phú Sơn, nên tôi phải liên kết với các nơi khác để tìm nguồn hàng” - ông Cung chia sẻ về thị trường loài chim này.
Có thể bạn quan tâm

Vụ tôm năm 2013, tiến độ thả tôm chậm, người nuôi thiếu vốn, dịch bệnh, rào cản kỹ thuật… khiến ngành tôm ĐBSCL vốn khó, nay càng thêm khó. Mới đây, Tổng cục Thủy sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp cùng Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội nghị bàn giải pháp phát triển nuôi tôm nước lợ năm 2013 tìm hướng đi phù hợp cho vụ tôm mới.

Những ngày lúa chín rộ, máy gặt đập liên hợp (GĐLH) luôn trở thành mối quan tâm lớn của các hộ nông dân. Câu chuyện về chiếc máy gặt vì thế cũng trở nên “sốt” hơn, nhất là ở nơi đồng chiêm trũng Lương Tài (Bắc Ninh).

Từ nhiều năm nay, cây chuối tiêu hồng được người dân Khoái Châu (Hưng Yên) đem về trồng xen thêm các loại cây trồng ngắn ngày như ngô, lạc, đậu, gừng… trên đất ruộng, trong đó chủ yếu là trồng lạc xen chuối. Cách làm này vừa tận dụng được diện tích đất nông nghiệp vừa phát huy tối đa hiệu quả cây trồng nên mang lại thu nhập cao cho người dân.

Với nhiều hộ trồng cao su tiểu điền ở huyện Bố Trạch, Quảng Bình, ông Trần Viết Lượng- Giám đốc Doanh nghiệp Cao su Thanh Long (trụ sở ở thị trấn Nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch) là một "bà đỡ" thực sự.

Ông Lò Văn Giảng người dân tộc Thái 66 tuổi bản Tạo Xen, xã Lay Nưa, thị xã Mường Lay do gia đình quá nghèo khó, ông luôn trăn trở làm sao để có thêm thu nhập giảm bớt khó khăn cho gia đình, sau nhiều năm suy nghĩ làm gì để có nguồn thu, ông quyết định làm trang trại vườn rừng nơi vùng đất tái định cư thị xã Mường Lay.