Sức sống mới Chà Cang
Trao đổi với chúng tôi, ông Lèng Văn Vinh, Chủ tịch UBND xã Chà Cang, cho biết: Hiện nay, xã có 452 hộ, 2.168 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, Thái... chung sống đoàn kết qua nhiều thế hệ ở 6 bản. Trước đây, người dân chủ yếu canh tác trên đất dốc, nông sản phục vụ cuộc sống trông vào đồng ruộng, nương ngô... với kỹ thuật canh tác lạc hậu, sản lượng thu hoạch thấp, không đủ đáp ứng nhu cầu người dân những ngày giáp hạt. Hệ thống hạ tầng cơ sở, các công trình phúc lợi chưa đáp ứng sản xuất nông nghiệp...
Đến nay, nhờ sự quan tâm hỗ trợ đầu tư của Đảng và Nhà nước thông qua nhiều chương trình dự án, như: Chương trình 134, 135, 30a của Chính phủ... xã Chà Cang đã đầu tư xây dựng công trình nước sinh hoạt bản Mới 1, 2, Nà Khuyết; hỗ trợ người dân máy phay, máy thái thức ăn cho gia súc, gia cầm. Đồng thời, từ chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới xã được đầu tư xây dựng công trình trụ sở UBND xã, dự kiến hoàn thành trong tháng 8/2015; nhà văn hóa bản Nà Khuyết, bản Mới 1; sửa chữa nâng cấp chợ Chà Cang hiện đã đưa vào sử dụng.
Thực hiện Đề án 79 của Chính phủ, xã được đầu tư xây dựng điểm trường tiểu học, công trình thủy lợi, công trình nước sạch tại bản Hồ Hài; tuyến đường giao thông vào bản Nậm Hài - Hồ Hài dài gần 4km tạo điều kiện thuận lợi cho người dân giao thương, buôn bán; sản xuất nông nghiệp từng bước vươn lên xóa đói giảm nghèo, hiện thực hóa ước mơ làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Bên cạnh đó, cấp ủy chính quyền địa phương đã tăng cường lãnh đạo, vận động người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng xen canh gối vụ, áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác, trồng trọt, chú trọng đưa những giống cây ngắn ngày, năng suất cao vào gieo trồng, cụ thể như: Đậu tương, ngô LVN10, lúa Nhị ưu 838... Khai thác điều kiện ở vùng núi cao thuận lợi cho chăn nuôi nên xã tuyên truyền vận động người dân mở trang trại, gia trại chăn nuôi trâu, bò, dê... theo hình thức nuôi nhốt. Hiện nay, toàn xã có 15 trang trại, gia trại chủ yếu ở các bản Nà Khuyết, bản Mới 1, 2... Qua đó, tăng tổng đàn gia súc gia cầm toàn xã lên 7.847 con (trong đó, đàn trâu 700 con, lợn 2.603...).
Theo giới thiệu của UBND xã Chà Cang, chúng tôi đến thăm trang trại của gia đình bà Tao Thị Phin, bản Mới, xã Chà Cang - một trong những hộ thoát nghèo nhờ chăn nuôi gia súc, gia cầm. Bà Phin chia sẻ: Trước đây, do kinh tế gia đình khó khăn, thiếu vốn nên gia đình bà chỉ nuôi 1 - 2 con trâu, bò làm sức kéo phục vụ sản xuất nông nghiệp. Những năm gần đây, nhận thấy nuôi gia súc, gia cầm mang lại hiệu quả kinh tế nên gia đình bà mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại mua trâu, bò giống về nuôi... Nhờ kinh nghiệm, tích cực áp dụng khoa học, kỹ thuật vào chăm sóc, phòng chống dịch bệnh nên đàn trâu, bò của gia đình bà sinh trưởng và phát triển tốt. Đến nay, gia đình bà nuôi gần 10 con trâu, bò; 15 con dê và hàng trăm con gia cầm các loại; trồng gần 1.000m2 lúa nước và đào 2.000m2 ao cá. Mỗi năm, trừ chi phí gia đình bà thu nhập từ 40 - 50 triệu đồng.
Với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương, nhận thức của người dân trong công tác xóa đói giảm nghèo được nâng lên. Hàng năm tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm bình quân 4%; xã đã đạt 4/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, đời sống người dân từng bước cải thiện, nâng cao.
Công tác giáo dục, chăm sóc sức khỏe vì thế luôn được cấp ủy, chính quyền xã chú trọng quan tâm. Hiện nay, trên địa bàn xã có 4 trường học từ cấp mầm non đến THPT, trường lớp dần kiên cố hóa, trang thiết bị dạy học đầy đủ, đội ngũ giáo viên có trình độ, đảm bảo chất lượng giảng dạy. Các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao được tổ chức thường xuyên đã góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân. Năm 2015, xã có 165 hộ được công nhận gia đình văn hóa; 2 bản giữ vững danh hiệu bản, làng văn hóa.
Có thể bạn quan tâm
Hôm qua 12.11, đồng chí Nguyễn Ngọc Quang - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cùng thường trực HĐND tỉnh có cuộc làm việc với Sở NN&PTNT về kết quả thực hiện 3 nghị quyết của HĐND tỉnh, gồm: cơ chế đầu tư cấp nước sạch & vệ sinh môi trường nông thôn;
Không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cho đồng bào bản địa, mô hình nuôi cá lồng bè tại lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 (huyện Bắc Trà My) còn giúp địa phương giải quyết được tình trạng lao động việc làm cho các hộ dân miền núi.
Những năm gần đây, Quảng Nam tập trung khuyến khích, tạo điều kiện để người dân phát triển kinh tế trang trại, gia trại, đưa cây con giống mới vào sản xuất nâng cao thu nhập và giải quyết bài toán chuyển dịch cơ cấu lao động.
Sau hơn 1 năm triển khai Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản (Nghị định 67), TP.Hội An mới chỉ có 1 tàu cá đang được đóng mới.
Sau gần 2 năm triển khai, kế hoạch tái cơ cấu khai thác hải sản của tỉnh đến năm 2020 đã đạt được một số kết quả bước đầu. tuy nhiên mục tiêu chuyển dịch cơ cấu nghề từ khai thác ven bờ sang khai thác xa bờ vẫn chưa đạt.