Sử dụng rơm trong nuôi tôm
Thành phần hóa học của rơm rạ
Rơm rạ có thành phần hóa học chủ yếu là cenlulose, lích nhin, đạm hữu cơ, chất béo. Nếu tính theo nguyên tố thì thành phần Cacbon chiếm 44%, Hydro 5%, Oxygen 49%, Nitơ 0,92%, và một lượng nhỏ Photpho, Lưu huỳnh, Kali. Ngoài ra, trong rơm rạ còn chứa lignocellulose; chất này tồn tại làm cho nó khó phân hủy sinh học.
Căn cứ vào đặc điểm đó, cần ứng dụng các chế phẩm vi sinh (EM) bao gồm các vi sinh vật hữu ích (như nấm men, nấm mốc, vi khuẩn, xạ khuẩn…). Chế phẩm EM có các vi khuẩn xử lý rơm rạ và một số vi sinh vật kháng bệnh cho tôm nuôi, các nguyên tố khoáng, vi lượng… cung cấp cho môi trường nước ao nuôi, tạo thành chất hữu cơ giàu dinh dưỡng, giúp tảo phát triển, ổn định môi trường nước, làm giàu cho hệ thức ăn tự nhiên.
Cơ sở ứng dụng
Việc ủ rơm với chế phẩm sinh học làm cho các vi sinh vật có lợi phát triển mạnh, chiếm ưu thế, ức chế vi sinh vật gây bệnh, phân hủy chất thải hữu cơ trong quá trình nuôi. Thành phần rơm chứa nhiều khoáng chất thích hợp cho thực vật và động vật phù du phát triển mạnh, làm giàu nguồn thức ăn tự nhiên. Sử dụng rơm ủ vi sinh gây màu nước giúp cho nước nhanh lên màu, ổn định và bền hơn khi sử dụng phân vô cơ hay hữu cơ.
Đặc biệt, rơm cung cấp một lượng lớn Cacbon để giải quyết vấn đề tích lũy các khí NH3, NO2 rất độc trong ao nuôi gây hại cho tôm. Nguồn Cacbon được gia tăng vào ao nuôi làm nâng cao hiệu quả hấp thu Nitơ vô cơ bởi vi khuẩn dị dưỡng, tạo điều kiện cho hệ vi sinh vật phát triển. Rơm còn bổ sung ôxy, làm tăng hàm lượng ôxy hòa tan trong ao nuôi tôm. Cuối vụ nuôi, rơm chìm xuống đáy tạo cho nền đáy tơi xốp, tránh phản ứng hình thành khí độc trong môi trường yếm khí.
Rơm được bó thành từng bó, nổi trên mặt ao có tác dụng giữ nhiệt độ trong ao nuôi ổn định hơn. Mùa đông giữ ấm, mùa hè làm mát cho ao nuôi, do rơm ngăn cản bớt sự khuyếch tán nhiệt độ từ môi trường xuống ao nuôi.
Phương pháp ủ rơm
Ủ rơm với liều lượng 1.000 kg rơm ủ cùng 1 lít chế phẩm EM thứ cấp, 3 kg phân hóa học và 10 - 15 lít nước được hòa tan thành một hỗn hợp dung dịch. Lưu ý hòa tan hoàn toàn chế phẩm và phân hóa học trong nước. Trải rơm rạ thành từng lớp, mỗi lớp dày 20 - 30 cm, tưới dung dịch sao cho độ ẩm khoảng 80%. Rơm được bó thành từng bó tròn, đường kính khoảng 50 cm, chiều dài bó khoảng 40 cm; hoặc bó theo hình hộp kích thước 40 × 40 × 40 cm, trọng lượng 7 - 10 kg/bó. Sau đó chất đống, đậy nilon, ủ toàn bộ, giữ ẩm và giữ nhiệt. Thời gian ủ rơm 7 - 10 ngày.
Chuẩn bị ao nuôi
Diện tích ao nuôi 3.000 - 5.000 m2 để dễ chăm sóc, quản lý. Ao vuông hoặc chữ nhật, có cống cấp và thoát nước rõ ràng. Hai cống cấp và thoát được bố trí chéo góc nhau. Cống cấp bố trí theo hướng đầu gió, cống thoát bố trí theo hướng ngược gió.
Quy trình cải tạo ao tuân thủ đúng các tiêu chuẩn như các mô hình nuôi tôm thông thường (nạo vét bùn, phơi đáy, diệt tạp…).
Dù nuôi theo hình thức nào cũng cần đảm bảo cung cấp lượng ôxy theo nhu cầu hô hấp của tôm nuôi. Cần bố trí 3 - 5 dàn ôxy đáy cung cấp cho ao nuôi có diện tích 3.000 - 5.000 m2. Do nuôi trong ao với diện tích khá lớn, khó có thể xiphong hay vệ sinh đáy; vì vậy lắp hệ thống ôxy đáy cho ao nuôi là rất tốt, hiệu quả cao và tiết kiệm chi phí.
Tiến hành lấy nước vào ao lắng cần sử dụng lưới chắn cá tạp, địch hại. Khi lấy nước vào không diệt tạp luôn mà chờ 2 - 3 ngày để trứng cá và giáp xác nở hết, tiến hành diệt tạp bằng Chlorine với liều lượng 30 ppm. Sau 3 - 5 ngày, khi hàm lượng Chlorine bay hết, tiến hành thả các bó rơm đã được ủ vi sinh xuống ao nuôi. Khoảng cách giữa các bó rơm thả xuống ao 5 - 7 m/bó.
Mật độ và thả giống
Sau khi thả rơm xuống ao 5 - 7 ngày nước lên màu, độ trong của nước 30 - 40 cm, ta tiến hành thả giống. Thả giống lúc trời mát và tuân thủ các khâu kỹ thuật, đặc biệt là cân bằng nhiệt độ và độ mặn trước khi thả.
Thả tôm giống cỡ P15, màu sắc tươi sáng, khỏe mạnh, đã được kiểm dịch và âm tính với các bệnh MBV, đốm trắng, đầu vàng… Mật độ thả 30 - 35 con/m2.
Chăm sóc, quản lý
Thức ăn và cách cho ăn được quản lý như trong môi trường nuôi tôm thông thường. Trong quá trình nuôi không phải sử dụng hóa chất, mật rỉ đường hay chất khoáng, để ổn định môi trường nuôi. Định kỳ bổ sung chế phẩm EM 5 - 7 ngày/lần, liều lượng 0,5 lít/1.000 m3 nước.
Trong quá trình nuôi, cần chú ý cách cho tôm ăn. Cho tôm ăn thức ăn có chất lượng với hàm lượng đạm 32 - 38%, 4 lần/ngày kết hợp với sàng, vó. Căn cứ vào lượng thức ăn trong sàng vó và thường xuyên kiểm tra đường ruột, sức khỏe tôm để điều chỉnh lượng thức ăn cho thích hợp. Kích cỡ thức ăn phù hợp kích cỡ tôm, khi chuyển sang cỡ thức ăn lớn hơn thì phải chuyển từ từ. Mỗi ngày bớt 15 - 20% lượng thức ăn cỡ nhỏ, thay bằng 15 - 20% lượng thức ăn cỡ lớn hơn.
Tags: su dung rom trong nuoi tom, nuoi trong thuy san, nuoi tom
Có thể bạn quan tâm
Hiện nay, những loài cá được liệt vào hàng quý hiếm trong tự nhiên đang bị khai thác quá mức, nguy cơ tuyệt chủng rất lớn. Do vậy, bảo tồn nguồn gen quý hiếm của các loài cá này đang trở nên cấp bách. Tuy nhiên, việc nhân giống và phát triển nuôi đối tượng này vẫn còn khá gian nan.
Là loài cá đặc sản nước ngọt được nuôi khá phổ biến, tuy không thể sánh được với những loài cá quý như cá lăng, cá chiên... nhưng hiệu quả kinh tế cá trắm đen mang lại rất quý.
Nuôi cá tra thương phẩm đạt hiệu quả cao phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó chất lượng con giống là một trong những khâu quyết định. Tuy nhiên, chất lượng cá tra giống hiện đang nằm trong tình trạng “báo động đỏ”. Nếu không có những giải pháp để nâng cao chất lượng con giống thì ngành cá tra Việt Nam sẽ phải đối diện với nhiều hệ lụy.
Ngành nuôi trồng thủy sản toàn cầu thời gian qua ghi nhận nhiều thành công thể hiện ở việc có rất nhiều phát minh, sáng kiến khoa học được áp dụng và mang lại hiệu quả cao, góp phần ổn định an ninh lương thực, tạo điều kiện phát triển kinh tế của mỗi quốc gia.
Quy trình nuôi tôm - trùn quế đã được nhiều hộ dân ở Bạc Liêu nuôi thử nghiệm cho kết quả khả quan. Tôm tăng trưởng, phát triển nhanh, khả năng kháng bệnh tốt.