Sử Dụng Bả Protein Để Phòng Trừ Ruồi Đục Quả
Theo thống kê của ngành Nông nghiệp tỉnh thì toàn tỉnh hiện có gần 4.600 ha rau ăn quả, gần 3.600 ha cây ăn quả và diện tích các loại cây này được dự báo là ngày càng tăng lên. Tuy nhiên, một thực tế là nhiều vườn cây ăn quả, rau ăn quả trên địa bàn các huyện, thị xã bị sâu bệnh tấn công nhiều, làm cho hiệu quả kinh tế không cao; trong đó, ruồi đục quả chính là kẻ thù gây hại nguy hiểm mà bà con khó diệt trừ nhất.
Nông dân xã Tâm Thắng (Chư Jút) phun bả protein lên vườn rau đậu cô ve phòng, chống ruồi đục quả. Ảnh do Chi cục Bảo vệ thực vật cung cấp
Trước thực tế đó, từ năm 2011 đến cuối năm 2012, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh (Sở Nông nghiệp- PTNT) đã triển khai đề tài khoa học “Sử dụng bả protein sản xuất từ men bia để phòng, chống ruồi đục quả gây hại rau ăn quả và cây xoài tại tỉnh Đắk Nông”.
Theo thạc sỹ Hoàng Ngọc Duyên, Trưởng Phòng Kỹ Thuật, chủ nhiệm đề tài thì bả protein được phối trộn từ hai thành phần chính là men bia và một lượng thuốc bảo vệ thực vật rất nhỏ, khoảng 0,4%. Đây là một sản phẩm hết sức an toàn với quá trình canh tác của nông dân cũng như sản phẩm nông sản.
Bước đầu, đề tài được triển khai trên địa bàn các huyện Chư Jút, Đắk Mil và thị xã Gia Nghĩa, tổng diện tích hơn 20 ha với 70 hộ trồng các cây như xoài, dưa leo, bí đao, khổ qua, bầu, mướp ngọt… Kết quả là nhờ phương pháp này mà các vườn cây đã giảm được từ 3,28% -11,6% tỷ lệ quả hỏng, quả kém chất lượng do ruồi đục quả gây ra so với vườn đối chứng tỷ lệ là 7,8%-17,6%.
Ông Nguyễn Văn Thành ở thôn Tân Lập, xã Đắk Gằn (Đắk Mil) trồng 2 ha xoài tham gia mô hình cho biết: “Ruồi đục quả là nguyên nhân số một khiến quả bị thối, bởi nó gây hại ở mọi giai đoạn từ lúc quả còn non đến khi chín. Từ khi sử dụng loại bả prôtein từ men bia thì tình trạng được cải thiện đáng kể, tỷ lệ quả hỏng giảm 1/2 so với trước kia, năng suất cũng tăng trên 1 tạ/ha/vụ nên thu nhập cũng cao lên đáng kể”.
Không chỉ đối với cây ăn quả, việc sử dụng bả protein trên các loại rau ăn quả cũng cho hiệu quả rất cao. Theo ông Phạm Nguyên Hồng, ở xã Tâm Thắng (Chư Jút) thì đúng là dùng loại bả này không chỉ hiệu quả với việc phòng, chống được ruồi đục quả mà còn giúp gia đình tiết kiệm được chi phí đầu tư. Hơn nữa, sản phẩm rau sản xuất ra cũng đảm bảo an toàn cho người sử dụng.
Cũng theo Thạc sỹ Hoàng Ngọc Duyên thì qua đánh giá tổng thể về hiệu quả kinh tế thu được ở những vườn mô hình sử dụng bả protein từ men bia để phòng, trừ ruồi đục quả đều cao hơn so với vườn đối chứng bình quân từ gần 15 triệu đồng-36 triệu đồng/ha/vụ đối với rau ăn quả và từ khoảng 22 triệu đồng/ha/vụ đối với cây ăn quả. Mức chi phí sử dụng cho thuốc trừ sâu thấp hơn so với vườn không tham gia mô hình từ 1,3%- 8,8%.
Trong quá trình triển khai mô hình, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cũng đã tổ chức được 6 lớp tập huấn, hội thảo cho hơn 250 lượt nông dân về việc sử dụng bả Protêin cũng như các phương pháp sử dụng hợp lý, hiệu quả, an toàn, các loại thuốc bảo vệ thực vật. Hiệu quả bước đầu của đề tài là rất lớn, nhưng hiện tại do nhiều nguyên nhân nên vẫn chưa được triển khai rộng để người dân hưởng lợi.
Có thể bạn quan tâm
Cô ve leo có 2 giống là đậu bở và đậu trạch, trong đó đậu trạch thường được trồng để ăn quả xanh. Mới đây Viện Nghiên cứu Rau quả TW mới chọn lọc được giống đậu cô ve leo TL1 có nguồn gốc từ Trung Quốc cho năng suất ổn định trong các vụ và các năm, chất lượng tốt.
Đậu cô ve là loại rau quả được trồng gần như quanh năm nhưng bị nhiều loại sâu hại tấn công. Lâu nay bà con thường sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không có trong danh mục cho phép với nhiều lần phun và nồng độ phun gấp 2-3 lần mức cho phép, không đảm bảo thời gian cách ly, gây mất an toàn cho người sử dụng
Trong những năm gần đây, việc xuất khẩu đậu cô ve leo dưới dạng hàng tươi và hàng lạnh đông cho các nước như Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Hồng Kông
Đậu cô ve lùn, còn gọi là đậu xanh. Quả màu xanh, hạt nâu, cây lùn không leo. Ăn quả xanh có thể để giả ăn hạt. Quả ăn không ngon bằng đậu vàng. Tính chống chịu khá hơn đậu vàng.
Theo thống kê của ngành Nông nghiệp tỉnh thì toàn tỉnh hiện có gần 4.600 ha rau ăn quả, gần 3.600 ha cây ăn quả và diện tích các loại cây này được dự báo là ngày càng tăng lên. Tuy nhiên, một thực tế là nhiều vườn cây ăn quả, rau ăn quả trên địa bàn các huyện, thị xã bị sâu bệnh tấn công nhiều, làm cho hiệu quả kinh tế không cao; trong đó, ruồi đục quả chính là kẻ thù gây hại nguy hiểm mà bà con khó diệt trừ nhất.