Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Sông Trường Giang Biến Dạng, Ô Nhiễm

Sông Trường Giang Biến Dạng, Ô Nhiễm
Ngày đăng: 20/11/2013

Chưa bao giờ phong trào nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát rộ lên mạnh mẽ như thời gian gần đây. Trong khi việc kiểm soát của địa phương, ngành chức năng còn nhiều khó khăn, sông Trường Giang tiếp tục gồng mình với tình trạng rút ruột và xả thải.

Rút ruột lòng sông

Dọc vùng ven biển từ Thăng Bình đến Núi Thành (Quảng Nam), những cánh đồng nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát cứ nối tiếp nhau, ngày càng mở rộng ra, trống hoác cây cối. Nổi trên những đụn cát trắng ven biển là từng ô vuông đen kịt của nhiều tấm bạt lót chứa nước, tạo thành những ao nuôi tôm. Dải đất này vốn rất hẹp, có đoạn sông và biển chỉ cách nhau vài trăm mét, nhìn thấu chân sóng. Tại các xã Bình Hải (Thăng Bình), Tam Tiến, Tam Hòa (Núi Thành), để có đất mở rộng ao nuôi, gần đây nhiều người còn đào cả vườn nhà, be bờ chứa nước nuôi tôm. Nhiều diện tích nuôi tôm vùng triều ven sông Trường Giang xưa kia cũng được người dân cải tạo lại, hút cát từ lòng sông lấp ao nuôi cũ, san ủi, lót bạt để nuôi tôm chân trắng trên cát. Sông Trường Giang lại một lần nữa phải gồng mình, bị rút ruột, đào bới và trở thành túi chứa nước thải khổng lồ.

Anh Bùi Ngọc Duy (thôn Long Thạnh, xã Tam Tiến) có gần 1.000m2 ao nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát nằm sát sông Trường Giang. Anh cho biết ao này trước đây nuôi tôm sú, lấy nước sông vào ao là thả nuôi. Một năm nhiều lắm nuôi chỉ được 2 vụ, mùa đông không thả tôm vì sợ ngập lụt. Vài năm trước ao nuôi này bỏ hoang vì nhiều vụ liên tiếp tôm bị dịch bệnh, thua lỗ. Gần đây, để có đất thả nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát, gia đình đã đầu tư hàng trăm triệu đồng, hút hàng nghìn khối cát từ lòng sông xây dựng ao nuôi. Mấy vụ vừa rồi ao của anh Duy luôn có lãi. Điều anh lo lúc này là tình trạng sạt lở bờ sông, nguy cơ vỡ bờ ao. Đoạn sông này đã bị thu hẹp bởi tình trạng lấn sông xây dựng công trình ao nuôi tôm, dòng nước chảy xiết gây nguy cơ sạt lở. Anh Duy phải dùng những tấm tôn xi măng chắn cát bờ ao, hạn chế sóng đánh vào bờ.

Ven sông Trường Giang đoạn qua xã Tam Tiến, Tam Hòa dày đặc ao nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát. Đây là 2 địa phương có diện tích ao phát triển rầm rộ trong thời gian gần đây. Người dân cho biết, nhiều đoạn đáy sông không còn cát để hút mà chỉ toàn bùn. Tại xã Tam Tiến, chúng tôi chứng kiến cảnh để xây dựng ao, nhiều người phải dùng hàng trăm mét ống nối với tàu cuốc có máy hút công suất lớn, “mượn” đất ở nhiều đoạn sông khác lấp vào. Chị Nguyễn Thị Chung (một người dân sống ở ven sông Trường Giang đoạn qua xã Tam Tiến) cho biết: “Trước đây sông Trường Giang đã bị lấn ra nhiều để mở rộng ao nuôi vùng triều rồi, chừ tiếp tục bị ao nuôi tôm chân trắng trên cát lấn nữa. Nhưng lần này thì nặng hơn, sông vừa bị lấn vừa bị hút hết cát, dễ gây thay đổi dòng chảy, xói lở”.

Hứng nước thải

Do phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát tự phát, ồ ạt chạy theo lợi nhuận, phần vì thiếu quỹ đất, vốn đầu tư nên hầu như người nuôi không đầu tư ao xử lý nước thải. Dải đất ven biển từ Thăng Bình đến Núi Thành “mọc” lên nhiều cánh đồng tôm sát biển hoặc ven sông, hút nước biển trộn lẫn với nước ngọt thả nuôi và xả thải ra sông hoặc biển. Nếu như các cánh đồng tôm ở thôn Kỳ Trân (xã Bình Hải) xả thẳng ra biển hằng ngày thì tại vùng Tam Tiến, Tam Hòa người nuôi chủ yếu xả ra sông vì công trình ao nuôi khu vực này nằm cách biển khá xa. Tuy nhiên, đến nay ngành chức năng, chính quyền địa phương chưa tổ chức kiểm tra, có biện pháp ngăn chặn.

Nhiều người dân sống dọc sông Trường Giang thuộc các xã Tam Tiến, Tam Hòa tỏ ra bức xúc khi hằng ngày phải chứng kiến cảnh hàng loạt miệng cống vô tư xả nước thải từ quá trình nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát ra sông. Nước thải từ quá trình nuôi tôm thẻ chân trắng là “hợp chất” của nhiều loại thuốc hóa học, cặn bã từ thức ăn cho tôm… Do phải hứng nước thải lâu ngày, nhiều đoạn sông Trường Giang bị ô nhiễm nặng. Tại khu vực Cửa Lở (thôn Long Thạnh, xã Tam Tiến) chúng tôi chứng kiến chất thải nuôi tôm ứ đọng lại, hình thành một lớp cặn bã dày, tơi xốp ven bờ. Dọc sông Trường Giang qua xã Tam Hòa, Tam Tiến, Tam Xuân 1, Tam Anh Bắc (huyện Núi Thành)… nhiều đoạn lâu nay vốn là những bến sông thơ mộng, chỗ để neo đậu ghe thuyền, nghỉ ngơi của ngư dân thì nay nhiều điểm trở thành những ao chứa nước thải. Nhiều người thậm chí bất đắc dĩ mới lội xuống nước sông vì sợ ngứa ngáy. Bà Nguyễn Thị Nga (thôn Tân Bình Trung, xã Tam Tiến), một người gắn bó với nghề mò cua bắt ốc trên các cồn bãi trên sông Trường Giang, nói: “Chừ còn rất ít bãi bờ cho con cua, con ốc sinh sản. Nước sông cũng ô nhiễm, chỉ có mấy con dộp dộp là phát triển vì ưa các chất thải từ nuôi tôm, còn cua cá, tôm… vắng dần. Mỗi lần ra sông mò ốc là tối tôi về gãi cả đêm”.

Sông Trường Giang vốn đã bị thu hẹp dòng chảy, điểm “thắt nút cổ chai” là chiếc cống Cổ Linh (ở thôn Cổ Linh, xã Bình Sa, Thăng Bình) lâu nay chặn dòng, chia sông là 2 khu vực (phía bắc chảy về Cửa Đại, phía nam ra cửa An Hòa). Trước đây, cũng vì con tôm sú mà nhiều cánh rừng ngập mặn ven sông Trường Giang bị đốn hạ; sông từng bị bóp dòng chảy, băm nát, giờ đây lại phải gồng gánh thêm chất thải từ quá trình nuôi tôm thẻ chân trắng nên đang “chết” dần…

Cấp bách xử lý vi phạm trong nuôi tôm lót bạt trên cát

Để chấn chỉnh tình hình các địa phương xây dựng ao nuôi tôm bừa bãi gây hậu quả nghiêm trọng về ô nhiễm môi trường, hôm qua 18.11, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành công điện yêu cầu khẩn trương triển khai một số biện pháp cấp bách tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong nuôi tôm lót bạt trên vùng cát ven biển Quảng Nam.

Theo đó, nghiêm cấm tuyệt đối mọi hành vi chặt phá cây phi lao và các loại cây trồng khác ven biển, chuyển đổi đất vườn, đất ở để san ủi, đào ao lót bạt nuôi tôm. Địa phương nào không kiên quyết xử lý ngăn chặn để phát sinh diện tích ao nuôi mới thì chủ tịch UBND cấp huyện, xã nơi đó chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND tỉnh và sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Tăng cường kiểm tra việc cấp phép, xử lý tịch thu các loại xe ủi, xe múc đang hoạt động hoặc di chuyển vào địa bàn các xã trên để san ủi làm ao nuôi tôm. Tạm ngừng cung cấp điện cho các hộ nuôi tôm trái phép dọc đường Thanh niên ven biển thuộc địa bàn các xã Bình Hải, Bình Nam (huyện Thăng Bình), Tam Tiến, Tam Hòa, Tam Hải (huyện Núi Thành) và các hộ nuôi tôm tại Bãi Nờm xã Tam Hải. Kể từ ngày 1.1.2014, Công ty Điện lực Quảng Nam chỉ cấp điện cho các hộ có phương án kỹ thuật nuôi và xử lý môi trường đối với các ao nuôi lót bạt đã được Sở NN&PTNT thẩm định. Xử lý vi phạm và lập thủ tục đình chỉ ngay đối với các chủ hộ nuôi tôm trái phép, không xây dựng hệ thống xử lý nước thải và xả thải không qua xử lý ra môi trường theo đúng các quy định hiện hành.


Có thể bạn quan tâm

Nông dân huyện Cao Lãnh thu hoạch mè có lãi cao Nông dân huyện Cao Lãnh thu hoạch mè có lãi cao

Đến ngày 3/5/2015, nông dân huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) thu hoạch được 600/700ha mè vụ hè thu năm 2015, tập trung ở các xã Bình Hàng Trung, Mỹ Hội, Mỹ Thọ, An Bình, Nhị Mỹ, Tân Nghĩa và Phong Mỹ; năng suất đạt từ 1 – 1,5 tấn/ha.

06/05/2015
Nông dân vùng Đông Bắc Gia Lai liên tiếp đón mưa vàng Nông dân vùng Đông Bắc Gia Lai liên tiếp đón mưa vàng

Trong những ngày nghỉ lễ, người nông dân vùng Đông Bắc tỉnh đã liên tiếp đón nhận niềm vui khi trời đổ cơn mưa lớn giúp hàng ngàn ha cây trồng được giải hạn.

06/05/2015
Mô hình sản xuất bắp lai đạt năng suất cao Mô hình sản xuất bắp lai đạt năng suất cao

Sáng 4.5, tại xã Cát Lâm (Phù Cát - Bình Định), Sở NN&PTNT đã phối hợp với Công ty TNHH Hạt giống Việt Nam tổ chức Hội thảo đầu bờ giới thiệu 3 giống bắp lai triển vọng CP331,CP333 và CP501 đã được 16 hộ dân ở địa phương sản xuất trên diện tích 2 ha (diện tích đất sản xuất lúa kém hiệu quả chuyển sang cây trồng cạn) trong vụ ĐX 2014 - 2015.

06/05/2015
Mô hình trồng măng tây xanh cho hiệu quả kinh tế cao Mô hình trồng măng tây xanh cho hiệu quả kinh tế cao

Được sự giới thiệu của một số người bạn và sự chỉ dẫn nhiệt tình của bà con nông dân thôn Duyên Yết, xã Hồng Thái, huyện Phú Xuyên, chúng tôi dễ dàng tìm đến được mô hình trồng măng tây xanh của chị Phan Thị Điệu, một xã viên Hợp tác xã Phú Thái.

06/05/2015
Xuất khẩu cà phê giảm mạnh Xuất khẩu cà phê giảm mạnh

Thông tin từ Cục Thống kê Đồng Nai cho hay, xuất khẩu cà phê trong tháng 4 chỉ đạt gần 16.540 tấn với kim ngạch gần 43,3 triệu USD, giảm gần 250 tấn so với tháng 3-2015. Tính chung trong 4 tháng đầu năm 2015 thì Đồng Nai xuất khẩu được hơn 66 ngàn tấn với tổng giá trị 154,3 triệu USD, đạt hơn 70% về lượng và trên 80% về giá so với cùng kỳ năm trước.

06/05/2015