Sống khỏe với nghề thuần dưỡng tôm giống
Nắm bắt nhu cầu tiêu thụ tôm giống đạt chỉ tiêu nuôi quảng canh, anh Phạm Văn Hưng ngụ tại ấp Phước Long, xã Tân Hòa, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã mạnh dạn mở trại thuần dưỡng tôm giống Postlarvae 12 (P12) thu lợi hai trăm triệu đồng mỗi năm.
Anh Phạm Văn Hưng chăm sóc tôm giống thuần dưỡng. Ảnh: Trọng Hoàng
Không giống như nuôi tôm công nghiệp, người nuôi tôm quảng canh chỉ cần con giống khỏe, môi trường bể nuôi có các chỉ tiêu như độ mặn, pH, tương đồng với môi trường đầm nuôi quảng canh là con giống được người mua chấp nhận. Anh Hưng từng làm công nhân kỹ thuật cho các trại sản xuất tôm giống, biết người nuôi tôm thịt theo phương thức quảng canh thả giống với số lượng ít, nhưng lại thả quanh năm. Vì vậy, cuối năm 2007 anh Phạm Văn Hưng quyết định đứng ra xây dựng trại thuần dưỡng tôm giống cung cấp cho những hộ nuôi tôm quảng canh trong tỉnh và vùng lân cận.
Khi đứng ra xây dựng trại thuần dưỡng cũng gặp không ít khó khăn. Bởi xây dựng một trại thuần dưỡng tôm P12 phải đúng quy cách như một trại sản xuất tôm giống. Cần có cả bể lắng, bể lọc, bể thuần dưỡng, bể ấp trứng Artemia… mà nguồn vốn thì chẳng có là bao. Nhờ sự hỗ trợ của gia đình và sự giúp đỡ của bạn bè nên anh Hưng cũng hoàn thành được cơ sở thuần dưỡng tôm giống P12 cho riêng mình. Anh Hưng chia sẻ thêm: “Mặc dù nắm được quy trình sản xuất tôm giống nhưng khi chuyển sang việc thuần dưỡng, do còn thiếu kinh nghiệm về một số công đoạn kỹ thuật nên thời gian đầu tỷ lệ sống vẫn chưa đạt. Với niềm đam mê yêu nghề, chịu khó tìm tòi học hỏi qua bạn bè và đàn anh đi trước cuối cùng cũng nắm được quy trình thuần dưỡng luôn đạt tỷ lệ sống cao”.
Theo anh Hưng, thuần dưỡng tôm giống là làm cho môi trường sinh trưởng và phát triển của con tôm trong bể nuôi tương đồng với môi trường ao nuôi. Làm cho con tôm khi thả xuống ao nuôi không bị sốc, thích nghi ngay với môi trường mới. Tôm không những lớn nhanh mà kích cỡ thương phẩm cũng có giá trị kinh tế cao. Dựa trên nguyên tắc lấy các yếu tố môi trường như pH, nhiệt độ, độ mặn làm cơ sở để đưa con tôm thích nghi với môi trường ao nuôi quảng canh. Độ mặn ở các trại giống thường ở mức cao (28 – 32‰); trong lúc đó độ mặn các đầm nuôi thường giao động ở mức thấp hơn nhiều (khoảng từ 3 – 20 ‰ tùy theo mùa) và ngay cả hàm lượng pH và nhiệt độ nước cũng chênh lệch.
Theo kinh nghiệm của anh Hưng, con giống trước khi đưa vào thuần dưỡng nên chọn mua tôm giống P12 có màu sắc sáng, không dị hình, phản ứng nhanh với tác động từ bên ngoài. Sử dụng trứng Artemia ấp nở thành ấu trùng làm thức ăn cho tôm. Đưa môi trường thuần dưỡng phù hợp với các các yếu tố môi trường vùng nuôi quảng canh mà người nuôi yêu cầu. Thời gian thuần dưỡng từ 3 – 5 ngày. Lúc này con giống đạt kích cỡ 1,3 – 15 cm là có thể xuất bán.
Để có đầu ra ổn định, anh luôn xem khách hàng là “thượng đế”, có người đặt hàng là anh nhận lời dù số lượng con giống ít hay nhiều. Nếu khách hàng có yêu cầu giao tận ao anh cũng phục vụ mà không tính thêm chi phí. Nhờ cách làm luôn hướng đến có lợi cho người nuôi mà cơ sở của anh Hưng ngày càng có thêm khách mới. Với thị trường tiêu thụ là các vùng nuôi trong tỉnh và các vùng lân cận như Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh), Cần Đước (Long An) mỗi tháng anh cung cấp khoảng 15 triệu con giống đã thuần dưỡng đạt kích cỡ, đáp ứng nhu cầu người nuôi quảng canh. So với giá tôm P12, thì con giống sau khi được thuần dưỡng tại cơ sở của anh chỉ bán chênh lệch 2 giá. Với cách làm này, mỗi tháng, sau khi trừ chi phí thu lợi khoảng 15 – 20 triệu đồng, anh Hưng chia sẻ.
Từ một người công nhân yêu nghề, chịu khó học hỏi anh Hưng đã nắm chắc quy trình thuần dưỡng tôm giống; đưa đặc điểm sinh trưởng của tôm nuôi nhân tạo về phù hợp với môi trường ao đầm nuôi quảng canh. Với gần 15 năm thuần dưỡng tôm giống, cơ sở của anh Hưng không những có thương hiệu tôm thuần dưỡng, mà người nuôi còn biết anh với bí danh Ba Hưng qua sự nhiệt tình trao đổi kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật tại đầm nuôi, giúp người nuôi tôm quảng canh đạt năng suất, hiệu quả và ngày càng phát triển.
Có thể bạn quan tâm
Mỗi năm, thu nhập từ mô hình nuôi ốc nhồi kết hợp nuôi ếch của anh Nguyễn Văn Sáu đạt trên 100 triệu đồng.
9 năm qua, nông dân Nguyễn Duy Hoàn phủ xanh 5 ha sầu riêng hữu cơ vườn nhà, đồng thời liên kết thành lập HTX ‘bắt tay’ sản xuất nông sản hữu cơ làm giàu...
Đinh Hạnh, cô gái trẻ 9X đã làm chủ được quy trình sản xuất nấm đông trùng hạ thảo đầu tiên tại Ninh Thuận.