Sớm Nhân Rộng Mô Hình Nuôi Lợn... Không Tắm
Đây là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân với các bộ, ngành liên quan tại buổi làm việc với Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội vừa qua về mô hình nuôi lợn trên nền đệm lót sinh học, hay còn gọi là “nuôi lợn không tắm”.
Nuôi lợn bằng ĐLSH
Nuôi lợn, gà bằng đệm lót sinh học (ĐLSH) đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng để tăng năng suất, góp phần bảo vệ môi trường và ở Việt Nam đã được TS Nguyễn Khắc Tuấn- nguyên Trưởng Bộ môn Thức ăn vi sinh đồng cỏ, khoa Chăn nuôi và NTTS (Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội) chế tạo ra loại men vi sinh mang tên “chế phẩm Banasa N01”.
Theo TS Tuấn, chăn nuôi lợn ở nước ta vẫn áp dụng các phương pháp truyền thống là xây dựng chuồng trại bằng xi măng, người chăn nuôi phải thường xuyên tắm cho lợn. Việc này thải ra một lượng nước lớn gây ô nhiễm môi trường.
Sau nhiều thời gian trăn trở, TS Tuấn cùng các chuyên gia ở Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội đã chế tạo được ra chế phẩm sinh học hỗ trợ cho chăn nuôi để hướng chăn nuôi theo phát triển bền vững, thân thiện với môi trường.
Với phương pháp mới này, chỉ cần sử dụng một lượt đệm lót bằng mùn cưa hoặc sử dụng bã mía, thân cây ngô, vỏ dừa trải xuống nền chuồng khoảng 60cm. Sau đó, đưa 1kg chế phẩm sinh học cho tối thiểu 35m2 là hoàn thiện một lớp ĐLSH cho chuồng trại chăn nuôi. Chỉ sau 3 ngày, chế phẩm sinh học sẽ tự sinh ra các sinh vật có lợi tiêu hủy các chất thải như phân, nước tiểu của lợn.
Vì thế, trong chuồng lợn luôn sạch sẽ, không có ruồi muỗi, lợn không phải tắm và người nuôi cũng không phải mất công xử lý chất thải. Ngoài những ưu điểm trên, vào mùa đông, ĐLSH tạo ra nhiệt ấm, rất tốt cho vật nuôi phát triển, giảm cả stress cho vật nuôi, giúp lợn tăng trưởng nhanh, giảm thời gian chăn nuôi…
Theo ông Nguyễn Văn Trọng – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), hiện phương pháp chăn nuôi bằng ĐLSH mới ở quá trình thử nghiệm, để triển khai trên diện rộng, đề tài cần được tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện để trình lên Bộ NNPTNT công nhận. Tuy nhiên, hiện đề tài đang gặp khó khăn do thiếu kinh phí triển khai nghiên cứu.
Áp dụng cả với gà
Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hà Nam cho biết, sau 3 năm ứng dụng phương pháp ĐLSH trong chăn nuôi, đến nay đã có gần 3.000 hộ dân trong tỉnh Hà Nam ứng dụng phương pháp này để nuôi lợn. Để nhân rộng mô hình này, tỉnh Hà Nam đã có chính sách hỗ trợ 165.000 đồng/m2, tương đương với mức hỗ trợ đầu tư 100% làm ĐLSH cho các hộ dân tham gia mô hình.
Không chỉ dừng lại ở các hộ nuôi lợn, TS Nguyễn Khắc Tuấn còn cho biết, hiện nhiều hộ nuôi gà đã ứng dụng phương pháp này. Hiện 2 doanh nghiệp nước ngoài hàng đầu về chăn nuôi gà là Japfa và Emivest cũng đã sử dụng chế phẩm sinh học của ông để ứng dụng vào chăn nuôi trang trại quy mô lớn.
Hiện tại, Emivest mỗi tháng mua khoảng 700kg chế phẩm sinh học và Japfa là 300- 400kg. “Chỉ cần tính đơn giản, mỗi kg chế phẩm sinh học sử dụng được tối thiểu 35m2 chăn nuôi trong thời gian ít nhất là 4 tháng thì số lượng 400 -700kg chế phẩm sinh học mà hai công ty Japfa và Emivest sử dụng trong vòng 1 tháng có thể làm đệm lót cho hàng vạn m2 diện tích chăn nuôi gà”- ông Tuấn nói
Có thể bạn quan tâm
Cao su và hồ tiêu là cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao mang lại thu nhập cho người sản xuất, góp phần phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.
Hiểu được nỗi khổ của người dân với điệp khúc “được mùa mất giá”, Hợp tác xã (HTX) Phước Hưng xã Tiến Hưng (Đồng Xoài - Bình Phước) đã liên kết với người trồng điều để trồng theo tiêu chuẩn của Tổ chức FLO (Tổ chức nhãn hiệu thương mại công bằng quốc tế).
Mấy năm gần đây, trên thị trường miền Bắc xuất hiện loại bưởi Đào Chuyên, ăn ngon và đẹp mã: Quả chín có màu vàng tươi, quả to, vỏ mỏng, chỉ có 12 múi, nhiều nước và ngọt mát, không bị “cơm nguội” và không nát tép.
Nhiều người khâm phục sự nhạy bén, năng động trong sản xuất nông nghiệp của ông Nguyễn Thanh Tâm, khu phố Tân Trà, phường Tân Bình, thị xã Đồng Xoài (Bình Phước).Ông Tâm là người đầu tiên ở thị xã Đồng Xoài trồng sầu riêng.
Không cần phun thuốc, tỷ lệ đậu trái khá, tăng năng suất, giá bán cao, thương lái và người tiêu dùng ưa chuộng… đó là những tín hiệu vui của bà con nhà nông vùng đồng bằng sông Cửu Long khi sử dụng túi bao trái.