Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Số Phận Con Cá Tra Vào Mỹ Sẽ Thế Nào?

Số Phận Con Cá Tra Vào Mỹ Sẽ Thế Nào?
Ngày đăng: 12/02/2014

Còn 2 tháng nữa Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ mới đưa ra các điều kiện cụ thể áp dụng với cá tra.

Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật nông trại 2014 (Farm Bill), trong đó có những qui định được xem là trực tiếp ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu cá tra của Việt Nam. Theo đó, các sản phẩm xuất khẩu vào Mỹ phải dán nhãn xuất xứ nơi nuôi trồng; xây dựng kế hoạch thú y thủy sản quốc gia và đặc biệt là điều kiện công nhận quốc gia được phép xuất khẩu thực phẩm thịt vào Hoa Kỳ.

Quốc hội Mỹ cũng chuyển chức năng giám sát cá da trơn trong đó có cá tra và ba sa của Việt Nam đang do Cục Quản lý Thực phẩm & Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) quản lý, sang Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA). Nghĩa là, thay vì kiểm soát chất lượng vệ sinh thực phẩm, Mỹ sẽ kiểm soát cả các vùng nuôi của Việt Nam.

Như vậy, để được xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, các vùng nuôi cá da trơn của Việt Nam phải nâng cấp để đạt tiêu chuẩn giống như các vùng nuôi cá hiện nay ở Mỹ đang áp dụng.

Theo phản ứng của những người nuôi cá tra Việt Nam, nếu áp dụng qui định này là không công bằng vì điều kiện và tiềm lực tài chính của người nuôi cá tra ở hai quốc gia có quá nhiều chênh lệch.

Thêm một dữ kiện nữa, cuối năm 2013, Hiệp hội Thủy sản Mỹ (NFI) công bố danh sách 10 loài thủy sản được tiêu thụ nhiều nhất tại thị trường Mỹ trong năm 2012 gồm: tôm, cá ngừ đóng hộp, cá hồi, cá rô phi, cá minh thái Alaska, cá tra, cua, cá tuyết, cá da trơn và nghêu. Theo đó, cá tra tiếp tục đứng thứ 6 trong bảng xếp hạng với mức tiêu thụ trung bình 0,726 pao/người.

Ngược lại, tiêu thụ bình quân cá da trơn nuôi của Mỹ giảm từ 0,559 pound/người xuống 0,5 pound/người, khiến loài cá này tụt hạng từ vị trị thứ 7 năm 2011 xuống thứ 9 năm 2012. Liên tiếp trong 5 năm gần đây tiêu thụ cá da trơn sụt giảm và đây là mức tiêu thụ thấp nhất.

Vì thế, khi Dự luật Farm Bill vừa được thông qua, nhiều người cũng cho rằng, ở đây yếu tố bảo hộ đã rõ ràng, Việt Nam có thể kiện Mỹ ra WTO.

Tuy nhiên, nhìn nhận một cách bình tĩnh hơn, theo các chuyên gia trong lĩnh vực thủy sản phải 60 ngày nữa (2 tháng) Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ mới đưa ra các điều kiện cụ thể để áp dụng với con cá tra. Khi đó, chúng ta mới có thể xem xét thấu đáo mọi vấn đề.

“Đến bây giờ vẫn chưa rõ các điều kiện cụ thể áp dụng, vì Tổng thống Mỹ mới chỉ ký thông qua trên nguyên tắc và giao Bộ Nông nghiệp ban hành các tiêu chuẩn. Trước kia, FDA kiểm tra, kiểm soát thành phẩm. Đến giờ là kiểm soát chuỗi, theo kiểu thịt. Đó là về mặt lý thuyết, còn thực tế sẽ áp dụng thế nào thì chưa ai biết. Chúng ta phải chờ đợi” – ông Nguyễn Văn Kịch, Phó Chủ tịch Hiệp hội cá tra, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản CAFATEX nêu quan điểm.

Theo giải thích của ông Kịch, lý thuyết của dự luật là kiểm soát chuỗi nhưng thực tế qui định như thế nào thì chúng ta chưa biết rõ nên chưa thể nói trước được gì, có thể là khó hơn hoặc là dễ hơn. Cho nên, trong lúc này phải rất cẩn trọng trước mọi thông tin, bởi nhiều khi có thể gây tác hại cho các thị trường khác nữa. Hiện tại, các DN cũng rất dè chừng vấn đề này. Các thông tin nên chờ chứ không nên kết luận sớm.

“Những người trực tiếp bán cá sang thị trường Hoa Kỳ đều đã biết được khó khăn tới mức độ nào để liệu chừng. Vấn đề là khi áp dụng có chênh lệch, bất công giữa hàng nhập khẩu và nội địa hay không” – ông Kịch nói.

Nói về câu chuyện tái cơ cấu ngành cá tra, theo ông Kịch, hiện nay chúng ta đang sản xuất quá dư thừa. Cái gốc của vấn đề là chúng ta hiện nay đang tự mình gây khó cho mình. “Nuôi 1 năm bán 1 năm rưỡi không hết mà cứ kêu Chính phủ, các ngành liên quan vào cuộc. Chúng ta cứ nói người ta gây khó cho mình nhưng tự mình quyết định mới là chính” – ông Kịch nhắc lại.

Ví dụ như con tôm, khi mặt hàng này thiếu thì giá tăng tới 70-80%. Bây giờ đang dư thừa thì không giải quyết được gì. Chỉ khi không còn thừa nữa thì giá sẽ tăng lên, mới có điều kiện để làm về công nghệ, chuỗi… Trước khi làm những việc khác thì phải điều chỉnh, kiểm soát được sản lượng, giảm sản lượng xuống. Nhà nước phải tham gia vào việc này chứ không để những người nuôi cá tra tự điều chỉnh. Sau đó, khi có bước đi hợp lý thì Nhà nước có thể “buông” cho ngành cá tra phát triển.

“Bây giờ sản lượng dư thừa, kêu gọi DN mua giá cao lên thì biết bán cho ai? Trong điều hành, chúng ta chưa bao giờ kêu gọi giảm sản lượng. Tới đây, câu chuyện về lúa gạo và nhiều mặt hàng nông sản nữa cũng cần phải xem xét” – ông Kịch cảnh báo.

Theo ông Phạm Anh Tuấn – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, lâu nay, chúng ta đã khuyến khích người dân và doanh nghiệp thực hiện nuôi trồng thủy sản theo các bộ tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ASC... “Vì vậy, nếu có sự điều chỉnh hợp lý về quản lý, xuất khẩu, tổ chức chứng nhận… phù hợp thì cá tra, cá basa của Việt Nam vẫn đáp ứng đủ các yêu cầu xuất sang thị trường Mỹ”

Trước mắt, Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN-PTNT) kiến nghị các đơn vị liên quan của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu kỹ luật Nông trại 2014 để phổ biến đến các cơ sở nuôi, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra về các qui định liên quan phải đáp ứng.

Xây dựng và triển kế hoạch chuẩn bị đáp ứng các qui định mới của Luật Nông trại 2014, đặc biệt là quản lý nuôi, kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh, sử dụng hóa chất kháng sinh trong nuôi cá, đảm bảo nguồn lực, năng lực kiểm soát an toàn thực phẩm, áp dụng thực chất, hiệu quả kế hoạch HACCP của các doanh nghiệp.


Có thể bạn quan tâm

Thông Tin Không Chính Xác Sẽ Gây Thiệt Hại Cho Sản Xuất Thông Tin Không Chính Xác Sẽ Gây Thiệt Hại Cho Sản Xuất

Liên quan đến một số bài viết về rau an toàn (RAT) trên báo chí gần đây, ông Nguyễn Duy Hồng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội cho rằng, khi báo chí thông tin không chính xác, không đầy đủ sẽ gây thiệt hại cho sản xuất và người tiêu dùng.

03/04/2014
Lao Đao Với Nấm Lao Đao Với Nấm

Đồng Nai có 5 vùng trồng nấm lớn, thuộc các huyện: Trảng Bom, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Nhơn Trạch và TX.Long Khánh, với hàng trăm trại trồng nấm mèo đen, mèo trắng, bào ngư, nấm sò… Trong đó, nấm mèo chiếm đa số với thị trường tiêu thụ chính là Trung Quốc.

25/07/2014
Quảng Ninh Nuôi Trồng Thuỷ Sản Vụ Xuân Hè Ở Tiên Yên: Nông Dân Đã Sẵn Sàng Xuống Giống Quảng Ninh Nuôi Trồng Thuỷ Sản Vụ Xuân Hè Ở Tiên Yên: Nông Dân Đã Sẵn Sàng Xuống Giống

Hiện nay, các hộ nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) đang gấp rút hoàn thiện nốt công đoạn vệ sinh cải tạo ao đầm…, chuẩn bị xuống giống cho vụ nuôi trồng thuỷ sản xuân hè năm 2014.

03/04/2014
Dưa Hấu Mất Mùa, Mất Giá Người Trồng Lao Đao Dưa Hấu Mất Mùa, Mất Giá Người Trồng Lao Đao

Giá dưa hấu rớt thê thảm khiến nhiều nông dân xã Mỹ Quý, huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) phải điêu đứng. Hiện giá dưa chỉ còn 2.300-2.700 đồng/kg (thời điểm này năm ngoái là 5.700-6.700 đồng/kg).

03/04/2014
Nguồn Cung Cây Giống Dồi Dào Nguồn Cung Cây Giống Dồi Dào

So với cùng kỳ năm trước, giá giống cây ăn trái tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL tăng bình quân từ 2.000-10.000 đồng/cây, tùy loại. Tại nhiều cơ sở và điểm kinh doanh cây giống ở TP Cần Thơ, giống cam sành, quýt đường và chôm chôm (loại 2-3 cơi lá) giá từ 18.000-20.000 đồng/cây; bưởi da xanh, vú sữa lò rèn: 25.000 đồng/cây.

25/07/2014