Trang chủ / Tin tức / Tin thủy sản

Sinh sản nhân tạo cua đồng và ương dưỡng cua con

Sinh sản nhân tạo cua đồng và ương dưỡng cua con
Tác giả: NH Tổng Hợp
Ngày đăng: 06/05/2020

Nghiên cứu sinh sản nhân tạo cua đồng và tìm loại thức ăn thích hợp cho cua con.

Cua đồng là một trong những loài giáp xác có giá trị kinh tế và phân bố rộng  rãi trong các  thủy  vực  nước  ngọt  như ruộng, ao, hồ, sông, suối, … Chúng được xem là một nguồn thực phẩm thường xuyên và dễ kiếm ở đồng quê. Trong vài năm gần đây do việc khai thác cạn kiệt và sử dụng hóa chất trong nông nghiệp đã làm suy giảm nghiêm trọng nguồn lợi cua đồng trong tự nhiên. Bên cạnh đó, đô thị hóa ngày càng gia tăng sẽ làm cho môi trường sống của cua đồng ngày càng bị thu hẹp. 

Do đó, trên một số địa phương như Đồng Tháp, Bắc Ninh... người dân đã tiến hành nuôi cua đồng, kết quả cho thấy năng suất cao, giá cả ổn định và được thị trường ưa chuộng (Lê Thị Bình, 2011). Việc đầu tư và chăm sóc dễ dàng, thức ăn đơn giản dễ kiếm nên nhiều hộ nuôi đã thu được lợi nhuận khá cao từ nghề nuôi cua đồng thương phẩm. Tuy nhiên, nguồn cua giống hiện nay vẫn chủ yếu dựa vào khai thác từ tự nhiên. Trong khi đó, quá trình khai thác và vận chuyển gặp nhiều khó khăn dẫn đến tỷ lệ hao hụt cao, tỷ lệ sống trong quá trình nuôi thấp, cua không thích ứng tốt với điều kiện nuôi nhân tạo và việc khai thác cua giống phụ thuộc chặt chẽ vào vấn đề thời tiết và mùa vụ.

Để khôi phục nguồn lợi tự nhiên, đa dạng hoá giống loài thuỷ sản và đáp ứng nguồn giống chất lượng tốt phục vụ nghề nuôi cua, việc nghiên cứu “Sinh sản nhân tạo cua đồng (Somanniathelphusa germaini  Rathbun, 1902) và tìm loại thức ăn thích hợp cho ương  nuôi  cua  đồng  con”  là một trong những vấn đề thiết thực cần phải được các nhà chuyên môn quan tâm.

Nghiên cứu sinh sản nhân tạo cua đồng

Thí nghiệm 1 (TN1): Bố trí cho cua đồng sinh sản nhân tạo

Cua đồng sau khi thu bắt sẽ nuôi riêng cua đực và cua cái trong hai tuần. Sau đó tuyển chọn những con cua khỏe mạnh, hoạt động nhanh nhẹn, đầy đủ phụ bộ, có màu sắc đặc trưng, kích thước tương đối đồng đều bố trí vào 9 lô thí nghiệm, mỗi lô 5 cặp.   

Thức ăn sau đây được sử dụng để làm thức ăn cho cua: cá tạp để nguyên con; khoai mì khô cắt lát dày, ngâm nước; lúa nảy mầm lúa dài khoảng 0,5 - 1 cm. Để cua sử dụng được tối đa lượng thức ăn, chúng tôi thường xuyên thay đổi thức ăn cho cua.  

- Đối với cua nuôi vỗ, cá tạp được cho ăn 1 lần/ngày, vào lúc thay nước. Khoai mì và mầm lúa được cho ăn 2 lần/tuần, vào lúc chiều tối.  

- Đối với cua đẻ, chỉ cho ăn cá tạp 2 lần/tuần. 

Định kỳ mỗi ngày thay nước một lần, mỗi lần thay 100% nước.  

Thí nghiệm 2 (TN2) Bố trí ương cua đồng

Tiến hành bố trí ương cua trong các bể kính (0,8 x 0,4 x 0,4 m) có nền bằng đất, giá thể là cỏ khô và ống nhựa (đường kính 0,5 cm, dài 3 cm). Thí nghiệm được bố trí gồm ba nghiệm thức với ba loại thức ăn khác nhau.

Hệ thống nuôi cua (TN 1) và hệ thống ương (TN 2).

Trong suốt thời gian thí nghiệm, sử dụng ba loại thức ăn cho cua như sau:  

- Nghiệm thức 1: trùn chỉ được rửa bằng nước sạch rồi cho cua ăn. 

- Nghiệm thức II:  thức ăn chế biến gồm 50% cá tạp băm nhỏ + 25% cám gạo + 25% cám bắp được trộn chung và nấu chín, bảo quản trong tủ lạnh cho cua ăn dần trong ba ngày, sau đó làm thức ăn mới. 

- Nghiệm thức III: khoai mì khô được ngâm nước một ngày rồi giã nhuyễn cho cua ăn. 

Thức ăn: trùn chỉ, thức ăn chế biến, khoai mì giã nhuyễn.

Cho cua ăn 2 lần/ngày, thay nước 1 lần/ngày, mỗi lần thay 50 - 70% nước cũ vào buổi chiều  trước khi cho cua ăn, mực nước được nâng dần theo sự phát triển của cua (từ 1 đến 3cm). 

Một số kết quả về sinh học, sinh sản của cua đồng 

Giá thể cho cua trú ẩn 

Qua kết quả theo dõi ở TN 1 cũng như ở TN 2 cho thấy sử dụng ống nhựa làm nơi trú ẩn cho cua là phù hợp với tập tính sống hang của cua đồng. 

Hiện tượng cua lột xác và hoạt động giao vỹ 

Trong thời gian bắt cặp giao vỹ cua đực không có hiện tượng lột xác, đây là đặc tính thích nghi. Vì những cua đực nào lột xác lúc này dễ bị con cái hay con đực khác ăn thịt. 

Trước khi cua đến ngày lột xác thường ăn rất ít hoặc không ăn. Hoạt động lột xác của cua đồng kéo dài khoảng 3 - 5 phút. Cua yếu, thời gian lột xác sẽ kéo dài hơn và nhiều khả năng cua sẽ bị chết trong quá trình lột xác. 

Hoạt động giao vỹ

Khi cua cái chuẩn bị lột xác (vỏ cua hơi ngả vàng) thì cua đực và cua cái bắt đầu giao vỹ. Cua đực tiến về phía sau cua cái rồi ôm lấy cua cái và dùng chân ngực mở yếm cua cái ra, sau đó cua đực xoay về phía trước cua cái rồi lật ngửa mình và 2 con áp sát phần bụng của giáp đầu ngực vào nhau, quá trình này kéo dài khoảng 30 phút đến 2 giờ. Sau đó cua cái và cua đực rời nhau, ngay tức khắc cua cái lột xác và được cua đực bảo vệ trong suốt thời gian vỏ còn mềm. Cua cái tiếp tục giao vỹ sau khi lột xác và hoạt động giao vỹ còn kéo dài tiếp vài ngày (ít nhất 2 ngày).  

Hoạt động sinh sản 

Cua cái thường đẻ trứng vào ban đêm và không đẻ đồng loạt. Điều này là một khó khăn trong sản xuất giống. Thời gian từ khi cua mẹ đẻ trứng đến khi trứng nở là 15 - 21 ngày, từ khi trứng nở đến khi cua con rời bỏ cua mẹ là 18 - 25 ngày.  

Thời gian cua tái thành thục là 30 - 35 ngày (từ khi cua bỏ trứng), 50 - 55 ngày (từ khi cua bỏ con). Thời gian tái thành thục của những cua ôm con dài hơn những cua bỏ trứng, vì trong suốt thời gian ôm trứng và ôm con cua ăn rất ít, nhất là trong giai đoạn ôm trứng cua hầu như chỉ ở trên khô, không xuống nước lấy thức ăn. 

Sức sinh sản

Qua thí nghiệm thấy được cua đồng có khả năng sinh sản tốt trong môi trường nuôi nhân tạo. 

- Sức sinh sản thực tế của cua đồng phụ thuộc vào kích cỡ và trọng lượng cơ thể. Trong thí nghiệm sinh sản nhân tạo thấp hơn ngoài tự nhiên, nhưng sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê (P>0,05) (cua trong thí nghiệm  là 22,29 ± 4,37 trứng/gam, cua ngoài tự nhiên là 25,51 ± 5,43 trứng/gam). 

- Số lượng cua con/trọng lượng cua mẹ trong thí nghiệm và ngoài tự nhiên khác biệt không có ý nghĩa về mặt thống kê (P>0,05) (cua thí nghiệm là 23,75 ± 3,49 con/gam, cua ngoài tự nhiên là  22,16 ± 6,15 con/gam). 

- Thời gian từ khi cua mẹ đẻ trứng đến khi trứng nở là: 15 – 21 ngày, từ khi trứng nở đến khi cua con rời bỏ cua mẹ là: 18 - 25 ngày. Thời gian cua tái thành thục là: 30 - 35 ngày (từ bỏ trứng), 50 - 55 ngày (từ cua ôm con). 

Quá trình ương cua con

Tỉ lệ sống của cua sau 28 ngày ương.

Thức ăn là trùn chỉ cho tăng trưởng về chiều rộng (9,27 ± 0,95 mm), chiều dài mai (6,47 ± 0,90 mm), trọng lượng (0,237 gam/con) và tỷ lệ sống (53,00 ± 5,57 %) tốt hơn thức ăn chế biến và khoai mì. 

Tỷ lệ sống của cua đồng sau 4 tuần thí nghiệm cho thấy tỷ lệ sống lớn nhất ở nghiệm thức cho ăn trùn chỉ (53,00 ± 5,57 %), nhỏ nhất ở nghiệm thức cho ăn khoai mì (44,67 ± 7,37 %). 

Kết quả từ thí nghiệm góp phần cung cấp thông tin cơ sở hoàn thiện quá trình sinh sản nhân tạo cua đồng và trùn chỉ là loại thức ăn phù hợp góp phần nâng cao tỷ lệ sống của cua con trong quá trình ương.

Lê Thị Bình (Khoa Thủy Sản, Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh)


Có thể bạn quan tâm

Ra mắt dự án nghiên cứu sức khỏe mang cá Ra mắt dự án nghiên cứu sức khỏe mang cá

Các nhà nghiên cứu ở Scotland đang bắt tay vào một dự án nhằm tăng cường sự hiểu biết và điều trị bệnh mang cá toàn cầu.

06/05/2020
Về loài nhuyễn thể - một loại thức ăn trong chăn nuôi thủy sản Về loài nhuyễn thể - một loại thức ăn trong chăn nuôi thủy sản

Một trong những dự án khoa học lớn nhất và có ý nghĩa nhất trong năm 2019 đó là khảo sát loài nhuyễn thể trên quy mô lớn ở Nam Cực, xác nhận sinh khối nhuyễn

06/05/2020
Giải mã cơ chế diệt khuẩn của phân tử ion bạc Giải mã cơ chế diệt khuẩn của phân tử ion bạc

Phương thức này đã được đề xuất là giải pháp chống lại các “siêu vi khuẩn” kháng kháng sinh và giúp điều chế các loại kháng sinh hiệu quả hơn từ ion bạc.

06/05/2020