Sắp Diễn Ra Festival Thủy Sản Việt Nam- Phú Yên 2014
Sẽ có 18 sự kiện diễn ra từ ngày 27/3 đến 2/4 tại các địa phương ven biển Phú Yên.
Từ cuối tháng 9/2013, Bộ NN-PTNT đã có cuộc họp bàn với lãnh đạo tỉnh Phú Yên về công tác triển khai Festival Thủy sản Việt Nam 2014 được tổ chức tại tỉnh với chủ đề “Thủy sản Việt Nam - Hội nhập và phát triển”.
Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo cho Tổng cục Thủy Sản tham gia ý kiến về chuyên môn; chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ xây dựng kế hoạch, chương trình tổ chức 5 hoạt động trong Festival do Bộ thực hiện; chỉ đạo cho Sở NN-PTNT Phú Yên các tỉnh, thành phố có biển trong cả nước hưởng ứng tham gia các hoạt động trong khuôn khổ Festival lần này.
Festival Thủy sản Việt Nam-Phú Yên năm 2014 là hoạt động mang ý nghĩa chào mừng kỷ niệm 55 năm ngày truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam (1/4/1959 - 1/4/2014). Đây cũng là ngày hội của lao động nghề cá Việt Nam; tạo cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về nghề khai thác, bảo quản, chế biến sản phẩm cá ngừ đại dương giữa ngư dân các làng biển với các DN thu mua chế biến thủy sản, các nhà khoa học; xúc tiến các hoạt động liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, chế biến, XK thủy sản Việt Nam.
Điểm nhấn của Festival Thủy sản Việt Nam-Phú Yên lần này là những hoạt động đặc biệt nhằm tôn vinh nghề câu cá ngừ đại dương; đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu và quảng bá đặc sản cá ngừ đại dương Việt Nam. Thông qua Festival Thủy Sản lần này, Phú Yên sẽ giới thiệu nét đặc sắc văn hóa biển, là dịp để tôn vinh các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể miền biển Việt Nam; quảng bá và xúc tiến du lịch; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, đặc biệt là ẩm thực cá ngừ đại dương của nơi được mệnh danh là “thủ phủ” của nghề câu cá ngừ đại dương.
Trong suốt 7 ngày (từ 27/3 đến 2/4), Festival Thủy Sản Việt Nam-Phú Yên 2014 sẽ diễn ra các sự kiện chính: Kỷ niệm 55 năm ngày truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam; tổ chức hội chợ triển lãm thủy sản, công nghiệp và thương mại khu vực Duyên hải Nam Trung bộ; hội thảo xúc tiến thương mại nhằm phát triển thủy sản bền vững; hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020 và công bố quy hoạch phát triển ngành Thủy sản đến năm 2020;
Ban tổ chức Festival Thủy sản Việt Nam 2014 tại Phú Yên sẽ mời 28 đoàn của các tỉnh có biển trong cả nước tham dự. Ngoài ra, trong Festival lần này còn có 18 đại diện Đại sứ quán, Tổng lãnh sự các nước và 9 tổ chức, cơ quan quốc tế tham gia.
Hội nghị tổng kết vụ cá Bắc, triển khai vụ cá Nam; tổ chức trình diễn lễ hội cầu ngư, nét đặc trưng vùng biển Nam Trung bộ; lễ phát động thả giống thủy sản tái tạo nguồn lợi thủy sản với thông điệp “Bảo vệ nguồn lợi thủy sản là trách nhiệm và quyền lợi của mọi công dân”; tổ chức ngày hội cá ngừ Việt Nam với các hoạt động như hội thi và liên hoan ẩm thực cá ngừ đại dương, lễ hội đường phố, chương trình nghệ thuật ngày hội cá ngừ Việt Nam;
Diễn đàn nâng cao hiệu quả khai thác cá ngừ đại dương; chương trình biểu diễn nghệ thuật dân gian, ca nhạc; tuần lễ triển lãm về chủ quyền biển, đảo Việt Nam, tham quan du lịch biển, đảo tại đảo vịnh Xuân Đài (Sông Cầu), gành Đá Đĩa (Tuy An), Bãi Môn - Mũi Điện, vịnh Vũng Rô (Đông Hòa)…
Ngoài ra, cũng trong khuôn khổ Festival Thủy sản Việt Nam-Phú Yên 2014 còn có những hoạt động thể thao, văn hóa khác; đặc biệt có triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu về “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam- Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” diễn ra từ ngày 28/3 - 03/4/2014.
Ông Trần Quang Nhất, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho biết: "Kinh tế biển đóng vai trò hết sức quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Phú Yên. Festival Thủy sản Việt Nam - Phú Yên năm 2014 ngoài mục đích chính là định hình và xây dựng một chiến lược phát triển ngành thủy sản Việt Nam bền vững và hiệu quả hơn, đây cũng là cơ hội để phác họa nét độc đáo của văn hóa biển, văn hóa ngư dân.
Những sinh hoạt truyền thống của ngư dân mọi miền đất nước kết hợp với bản sắc riêng của Phú Yên sẽ tạo ra sự đa dạng của chương trình Festival, đồng thời qua đó du khách sẽ hiểu hơn về con người và quê hương Phú Yên với những địa danh gắn liền với biển".
Có thể bạn quan tâm
Tràng Lương là xã miền núi của huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Ở những khu vực trồng lúa kém hiệu quả, các hộ trồng thêm khoai, lạc, nhưng giá trị kinh tế không cao. Trước thực tế đó, anh Tạ Văn Chiến (SN 1986, ở thôn Linh Tràng, xã Tràng Lương) đã mạnh dạn đầu tư chuyển đổi sang phát triển trồng cây dược liệu, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Theo Phòng NN&PTNT huyện Phù Cát, cây tiêu có mặt trên địa bàn huyện cách đây hơn chục năm, do một số người dân xã Cát Sơn trồng tự phát trên cây rừng, nhưng do chưa nắm vững kỹ thuật chăm sóc nên năng suất không cao. Gần đây, giá tiêu khá cao, 120 - 150 ngàn đồng/kg, nên phong trào trồng tiêu ở Phù Cát được đẩy mạnh.
Khoảng thời gian trống đó biết lấy gì để sống? Thế là anh quyết định đầu tư thâm canh thông qua việc chăm sóc, tỉa cành, bón phân, tưới nước đúng cách và không quên bón phân sau thu hoạch để bổ sung dinh dưỡng cho cây, tránh tình trạng năng suất năm được năm mất.
Theo một số nông dân ở Khánh Sơn, năm nay năng suất mì chỉ đạt khoảng 80 - 85% so với năm trước, nguyên nhân chủ yếu do thời tiết thất thường, cây mì vào giai đoạn phát triển, ít mưa nên sản lượng đạt thấp. Ngoài ra, do giá mì dao động ở mức thấp trong 2 năm gần đây nên người dân các địa phương đang có kế hoạch chuyển đổi diện tích trồng mì sang trồng các loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn như cây ăn quả, keo...
Nhằm đa dạng con nuôi thủy sản nước ngọt cung cấp cho người tiêu dùng và xuất khẩu, tỉnh An Giang đã tạo điều kiện cho ngư dân, doanh nghiệp đa dạng hóa và mở rộng diện tích nuôi thủy sản nước ngọt, trong đó nhiều nhất là con cá rô phi hiện đang có thị trường xuất khẩu tốt.