Sáng Kiến Lạ Tuốt Lá, Tỉa Cành Lấy Cây Cao Su Làm Trụ Tiêu
Trước tình hình giá mủ cao su bất lợi, một số hộ dân trồng cao su tại tỉnh Đắk Nông đã có sáng kiến lạ: Thay vì chặt bỏ vườn cây, họ rong tỉa cành cây cao su để làm trụ sống trồng hồ tiêu.
Chắn rễ, hãm ngọn làm trụ sống
Ước tính, toàn tỉnh Đăk Nông hiện có 32.260 ha cao su, nhưng trước tình hình giá mủ bất lợi, nhiều vườn cho năng suất mủ thấp không đảm bảo được mức đầu tư, nhiều hộ gia đình đã nảy ra sáng kiến mới. Thay vì “trồng - chặt, chặt - trồng”, nhiều hộ đã thực hiện rong tỉa cành cao su để chuyển sang làm trụ trồng tiêu.
Ông Hoàng Văn Nam (xã Nghĩa Thắng, Đăk R’lấp, Đăk Nông) có hơn 3 ha cao su trong thời kỳ thu hoạch nhưng do giá mủ xuống thấp, không đủ bù chi phí khai thác nên ông Nam dự định bán lấy gỗ để chuyển sang trồng tiêu.
“Lúc đầu tôi định bán cây cao su để làm gỗ bao bì, nhưng với hơn 3 ha cao su mà thương lái chỉ trả có 27 triệu đồng. Tính tới tính lui thế nào cũng lỗ nặng nên tôi chọn cách dùng thân cây cao su để làm trụ tiêu thay vì chôn trụ bê tông.
Trước đó, tôi cũng đã xuống giống vài trụ tiêu quanh gốc cao su, thấy cây phát triển bình thường nên tôi không ngần ngại trước việc chuyển đổi này”, ông Nam cho biết.
Tiên phong trong phong trào tận dụng gốc cây cao su để trồng hồ tiêu, hộ gia đình anh Quách Xuân Đương (xã Đăk R’Moan, TX Gia Nghĩa) đã rong tỉa cành, hãm ngọn để dùng thân cây cao su làm trụ sống cho hồ tiêu gần hai năm nay.
Được biết, gia đình anh có hơn 4.000 cây cao su gần 5 năm tuổi, chưa bước vào thời kỳ khai thác nhưng trước tình hình giá mủ cao su xuống thấp, anh đã nhanh nhạy chuyển hướng mới cho cây trồng.
Anh Đương chia sẻ: “Trước khi trồng, tôi cũng đã tìm hiểu kỹ thông tin ở một số địa phương và nhờ trạm bảo vệ thực vật địa phương tư vấn. Hiện tại tôi đã trồng được 500 trụ tiêu hai năm tuổi, cây sinh trưởng phát triển tốt, trong mùa mưa này tôi chuẩn bị xuống giống thêm 200 trụ nữa. Để đảm bảo cho cây tiêu phát triển tốt, người trồng cần cải tạo đất và chặt bỏ phần rễ phụ chỉ chừa lại rễ cọc để không làm ảnh hưởng đến bộ rễ của cây hồ tiêu”.
Cần thận trọng chuyển đổi diện tích
Hiện tại chưa có vườn hồ tiêu sử dụng cao su làm trụ sống cho kinh doanh, nhưng ở các khu vực trồng cây cao su kém hiệu quả như ở Đăk Song, Tuy Đức người dân đang ồ ạt chuẩn bị xuống giống hồ tiêu bên gốc cao su.
Ông Cao Minh Trí, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thuận Hạnh (huyện Đăk Song, Đăk Nông) cho biết: “Những năm trước đây do giá mủ cao su tăng cao nên người dân trong xã đều đổ xô trồng cây cao su. Nhưng khu vực này lạnh, ở độ cao nên cao su trồng không có mủ.
Trước thực tế này, nhiều hộ dân đã tận dụng gốc cao su để trồng tiêu từ năm trước. Nhận thấy cây tiêu phát triển xanh tốt nên trong mùa mưa năm 2014, nhiều hộ cũng có ý định rong tỉa cành để chuẩn bị cho việc trồng tiêu”.
Ông Phạm Quang Vượng, Phó phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Đăk R’lấp cho biết: “Trong 6 tháng đầu năm 2014, toàn huyện có hơn 50 ha cao su được người dân chuyển đổi sang làm trụ trồng tiêu.
Trước tình trạng này, huyện đã phối hợp với Trạm bảo vệ thực vật cử cán bộ xuống hướng dẫn trực tiếp cho bà con. Hiện phòng cũng đang khuyến cáo bà con nên cân nhắc khi trồng tiêu vào gốc cao su, để tránh gây tổn thất khi cây bị dịch bệnh hay vượt ngưỡng cung quá cầu”.
Theo nguyên lý, cây tiêu rất thích hợp với cách trồng tự nhiên, tức sử dụng các trụ cây sống để cây tiêu leo bám. Việc lớn tự nhiên, chiều cao từ 8 - 10 mét (thay vì trụ chết cao 4-5 mét) và có tán cây che bóng mát của các trụ sống cũng khiến cây tiêu sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao hơn.
Vì vậy, ngoài các cây họ đậu, cây cao su cũng là một trong những cây thân gỗ có thể dùng làm trụ thay thế cho muồng đen, keo sản, anh đào, lồng mức…
Để đảm bảo tỉ lệ sống của cây hồ tiêu khi trồng vào cao su, ông Vượng cho biết thêm: “Trước khi trồng tiêu, bà con cần phải đào hố rộng quanh gốc cao su sau đó chắn hai phần ba số lượng rễ cây, sau đó xử lí đất bằng hỗn hợp vôi sống trước 3 tháng. Trước lúc trồng một tuần nên bón lót các loại phân hữu cơ có trộn thêm ít lân và kali.
Để đảm bảo ánh sáng cho cây tiêu sinh trưởng, phát triển tốt, vào mùa mưa cần rong chặt 75% tán cây cao su, vào mùa hè chỉ cần tỉa thưa thêm khoảng 50% nữa là được. Đặc biệt trong quá trình chăm sóc, bà con nên sử dụng các loại phân sinh học để có lợi cho đất và hạn chế dịch bệnh”.
Hồ tiêu là cây trồng khó tính và chưa ai khẳng định hiệu quả kinh tế khi sử dụng cây cao su làm trụ, nhất là cao su đã đưa vào khai thác một vài năm. Nhưng với cái lợi trước mắt, người nông dân vẫn chấp nhận “đánh cược” và đang mong chờ một kết thúc có hậu từ sự kết hợp này.
Có thể bạn quan tâm
Sau những cơn mưa kéo dài vừa qua, nhiều diện tích lúa mùa ở các huyện, thành phố đã xuất hiện nhiều loại dịch hại. Để phòng trừ dịch hại sau mưa lũ, bà con nông dân trong tỉnh đang khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng trừ, hạn chế thiệt hại do sâu, bệnh gây ra..
Việc tăng cường giám sát chất lượng con giống là yêu cầu bức thiết hiện nay của ngành nông nghiệp, nhất là trong bối cảnh ngành đang dồn sức triển khai đề án tái cơ cấu.
Trên địa bàn huyện Cam Lâm hiện có 5 xã, thị trấn hoạt động nuôi trồng thủy sản với diện tích khoảng 560 ha. Bà con chủ yếu nuôi tôm thẻ, tôm sú, cá các loại và trồng rong sụn.
Thời gian gần đây, nạn trộm cắp lưới đánh bắt hải sản của ngư dân vùng biển huyện Hải Hậu (Nam Ðịnh) xảy ra thường xuyên, khiến các chủ tàu cá thiệt hại hàng chục tỷ đồng.
Theo Sở NN-PTNT Phú Yên, hiện dịch bệnh, chết đang xảy ra ở tôm sú nuôi ghép với cua tại xã Xuân Lộc (TX Sông Cầu) trên diện tích 4.000m2, với tỉ lệ khoảng 90%.