Sản Xuất Thủy Sản 6 Tháng Đầu Năm Gặp Nhiều Khó Khăn, Hiệu Quả Thấp

Trong 6 tháng đầu năm 2013, tình hình sản xuất thủy sản gặp nhiều khó khăn như thiếu vốn, dịch bệnh, giá bán dưới giá thành sản xuất đã gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người dân. Công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng giống và các vật tư đầu vào phục vụ nuôi trồng thủy sản (NTTS) còn nhiều hạn chế…
Đây là những nội dung được thảo luận tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm do Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) tổ chức ngày 26-6.
Nhiều hộ "treo" ao
Theo Tổng cục Thủy sản, sản lượng thủy sản 6 tháng đầu năm ước đạt 2,7 triệu tấn, trong đó khai thác thủy sản ước đạt 1,3 triệu tấn, tăng 3,5%; nuôi trồng thủy sản đạt 1,4 triệu tấn, giảm 1,7% so với cùng kỳ năm 2012. Giá trị sản xuất thủy sản 6 tháng đầu năm 2013 ước đạt 83.318 tỷ đồng, tăng 2,53% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó giá trị nuôi trồng ước đạt hơn 45 nghìn tỷ đồng và giá trị khai thác ước đạt hơn 38 nghìn tỷ đồng.
Ông Bùi Đức Quý, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản cho biết, sản xuất thủy sản 6 tháng qua gặp nhiều khó khăn về vốn. Các hộ nuôi và doanh nghiệp rất khó tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ ngân hàng vì không có tài sản thế chấp, dẫn tới nhiều hộ "treo" ao.
Thời tiết nắng nóng, thiếu nước ngọt là những nguyên nhân chính gây bệnh trên tôm với diện tích thiệt hại gần 50.000ha. Tâm lý lo ngại dịch bệnh và tình trạng thiếu vốn trầm trọng khiến người nuôi lo ngại và thu hẹp sản xuất. Diện tích NTTS đến nay chỉ đạt 529,2 nghìn hécta, bằng 85,8% so với cùng kỳ năm trước (trong đó diện tích nuôi tôm sú là 517,8 nghìn hécta, giảm 8,9%). Bên cạnh đó, ngư dân vẫn gặp trở ngại trong quá trình khai thác hải sản trên các vùng biển chủ quyền.
Vụ cá Bắc năm 2013, sản lượng khai thác cá ngừ đại dương đạt trên 10.000 tấn nhưng do chất lượng giảm đã khiến giá giảm 60%, gây thiệt hại hơn 700 tỷ đồng. Hạ tầng cơ sở cho các khu vực NTTS còn chưa được đầu tư đồng bộ, nhiều địa phương chưa chú trọng tới công tác quy hoạch vùng NTTS hợp lý, dẫn tới tình trạng thừa, thiếu nguyên liệu cục bộ… Do phải đối mặt với nhiều khó khăn, kết quả sản lượng nuôi trồng thủy sản 6 tháng đầu năm chỉ đạt 40,5% kế hoạch năm.
Hướng tới tăng giá trị sản xuất
Các đại biểu dự hội nghị đều cho rằng, trong 6 tháng cuối năm, dự báo kinh tế thế giới chưa có khả năng phục hồi nên khó khăn về xuất khẩu thủy sản vẫn còn nhiều. Việc thắt chặt chi tiêu công, tín dụng và lãi suất trong nước sẽ tiếp tục tác động lớn đến sản xuất thủy sản.
Trong khi đó, thời tiết 6 tháng cuối năm luôn tiềm ẩn những diễn biến bất thường (sự xuất hiện của các cơn bão, mưa, lũ…) và 6 tháng cuối năm cũng là thời điểm giá các nguyên liệu đầu vào như điện, xăng dầu… chịu nhiều sức ép. Do đó, để sản xuất thủy sản tiếp tục phát triển bền vững và đạt được kế hoạch đề ra, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Huy Điền cho biết, trong tháng 7 Bộ NN&PTNT sẽ hoàn chỉnh dự thảo tái cơ cấu ngành nông nghiệp nói chung và thủy sản nói riêng, trong đó sẽ hướng đến tăng giá trị sản xuất.
Hiện các đơn vị của tổng cục đang nghiên cứu điều chỉnh cơ cấu giữa nuôi trồng và khai thác thủy sản; giữa các đối tượng thủy sản để phát huy lợi thế cạnh tranh theo hướng nâng cao chất lượng. Bên cạnh đó, tăng cường liên kết các quy hoạch và thực hiện đồng bộ các giải pháp để hình thành vùng nuôi tôm, cá tra… bền vững. Đối với lĩnh vực khai thác, các địa phương nên nghiên cứu xây dựng đề án thành lập các kho lạnh tại bến, cảng cá để bảo quản sản phẩm. Tuy nhiên, cần tránh đầu tư dàn trải, ồ ạt ở các địa phương, dẫn tới không kiểm soát được về chất lượng.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho rằng, các đơn vị ngành nông nghiệp cũng như các địa phương cần rà soát lại quy hoạch vùng nuôi để có hướng phát triển bền vững; tăng cường tuyên truyền để người dân tích cực phòng, chống dịch bệnh, đa dạng hóa đối tượng nuôi để đáp ứng nhu cầu thị trường và giảm thiểu rủi ro.
Bên cạnh đó cũng cần chú trọng xây dựng chương trình phát triển tôm giống sạch bệnh và đạt chất lượng tốt; đẩy mạnh việc áp dụng VietGAP trong NTTS; tăng cường công tác quản lý tàu cá, bảo đảm an toàn cho tàu cá và ngư dân khi ra khơi đánh bắt bằng cung cấp thông tin trên biển. Công tác quy hoạch, đầu tư, quản lý giống cần được rà soát bảo đảm đúng hướng, phục vụ trực tiếp cho người nuôi, doanh nghiệp trong phát triển sản xuất…
Có thể bạn quan tâm

Chính vì thế nên trồng nho vào các tháng 11, 12 và tháng 1 năm sau, tốt nhất là sau khi mùa mưa kết thúc. Loại đất trồng nho thích hợp là đất thịt, thịt pha cát, độ pH = 6 - 7. Đất phải cao, thoát nước tốt, có hệ thống tưới tiêu thuận lợi. Nếu độ pH dưới 5 phải bón thêm vôi.

Nắng gay gắt cùng với công trình bị rò rỉ, hư hỏng, không giữ, dẫn được nước, kênh mương bồi lấp là nguy cơ thiếu nước tưới cho vụ hè thu sẽ diễn ra trầm trọng. Ngành nông nghiệp lẫn nông dân Tư Nghĩa đang dồn sức cho vụ hè thu.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, đây là vụ lúa bội thu cả về năng suất và sản lượng: năng suất trung bình ước đạt 59,7 tạ/ha (tăng 4,65 tạ/ha); tổng sản lượng ước đạt hơn 50.600 tấn (tăng gần 5.114,4 tấn) so với vụ đông - xuân năm 2012 - 2013. Trong đó, một số địa bàn “trội” về năng suất, như: TP. Điện Biên Phủ 66,8 tạ/ha; huyện Điện Biên hơn 63 tạ/ha…

Ngày 13/5, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết: Bộ Thương mại Mỹ vừa công bố lại kết quả cuối cùng, đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá lần thứ 9 (giai đoạn từ 1/8/2011 đến 31/7/2012) với sản phẩm philê cá tra đông lạnh nhập từ Việt Nam.

Với diện tích đất sản xuất gần 1.000m2, anh Nguyễn Đức Trọng đội 19, xã Thanh Hưng (huyện Điện Biên) trước đây chỉ trồng ngô, khoai, hiệu quả kinh tế không cao, chưa kể những năm mất mùa. Gia đình 4 miệng ăn chỉ trông chờ vào 2 vụ thu hoạch ngô, cuộc sống rất khó khăn. Từ năm 2000, gia đình anh chuyển sang trồng rau, tuy vất vả hơn trồng ngô, khoai nhưng hiệu quả kinh tế bắt đầu khởi sắc dần.