Sản xuất thịt sạch, đầu ra hanh thông
Quản lý chặt chẽ
Trang trại của ông Nhật có diện tích rộng 1.500m2 với 5 dãy chuồng, thường xuyên nuôi 200 con lợn thịt và 50 con lợn nái. Tháng 10.2014, ông tham gia Dự án “Cạnh tranh ngành chăn nuôi và ATTP” (Lifsap), theo đó ông áp dụng quy trình VietGAP vào chăn nuôi và được dự án hỗ trợ 30.000 USD để xây dựng lò mổ công suất 50 con/ngày, đêm. Cùng với sự hỗ trợ, ông Nhật vay thêm vốn đầu tư xây dựng các khu chế biến thực phẩm, hút chân không, đóng gói giao sản phẩm tới các cửa hàng.
Khi đứng ra thành lập Công ty Cổ phần Chăn nuôi và Chế biến thực phẩm Hưng Yên chuyên sản xuất thịt lợn sạch, trang trại của ông Nhật đã liên kết với 4 trang trại lớn (quy mô 2.000 con/trại) và 15 trại nhỏ (quy mô 400 con/trại) để có nguồn nguyên liệu tại chỗ. Các trang trại này đều chăn nuôi theo quy trình VietGAP và tới tháng 8.2015, sản phẩm của công ty ông Nhật đã được chứng nhận VietGAP.
“Xây dựng mô hình sản xuất theo chuỗi an toàn thực phẩm, chúng tôi quản lý rất chặt chẽ từ chăn nuôi, giết mổ đến tiêu thụ. Khi đưa tới các cửa hàng thực phẩm, sản phẩm được đóng gói, dán nhãn để truy xuất nguồn gốc. Sự khép kín trong chuỗi sản xuất thực phẩm giúp chúng tôi xây dựng được thương hiệu sản phẩm thịt lợn sạch”.
Ông Vũ Việt Nhật
Ông Vũ Việt Nhật cho hay: “Áp dụng quy trình chăn nuôi đảm bảo VSATTP thì ngay khâu đầu tiên là thức ăn đã phải đảm bảo an toàn. Lợn con khi được 3 tháng tuổi, cho lợn ăn toàn bộ cám hỗn hợp và tiêm phòng các loại vaccine phòng bệnh theo đúng hướng dẫn của bác sĩ thú y, có ghi chép đầy đủ. Khi lợn từ 3 tháng tuổi trở lên, sẽ chuyển sang ăn thức ăn hữu cơ tự phối trộn gồm 60% ngô, 20% cám gạo, 20% đỗ tương. Chúng tôi không hề sử dụng thêm các chất như kháng sinh, chất tăng trọng hay chất tạo nạc”.
Không đủ thịt để bán
Đàn lợn của ông Nhật chỉ được cho ăn thức ăn hữu cơ nên phải nuôi tới 6 tháng mới được xuất chuồng. Song cũng nhờ đó mà chất lượng thịt thơm ngon hơn so với chăn nuôi dùng cám công nghiệp.
Khi lợn đủ trọng lượng sẽ được chuyển tới lò mổ của gia đình để giết mổ và chế biến. Trung bình, mỗi ngày cơ sở giết mổ 5 con lợn phục vụ cho chế biến và kinh doanh. Những lúc trang trại không cung cấp đủ lợn thịt, ông Nhật sẽ nhập lợn của những trang trại chăn nuôi liên kết đã được kiểm soát về chất lượng thịt.
Theo đó mỗi ngày, doanh nghiệp của ông Nhật cung cấp ra thị trường (chủ yếu là các cửa hàng thực phẩm sạch) 30 - 50kg giò, 300 - 400kg thịt lợn tươi sống với giá bán cao hơn giá thị trường 10-20%.
Ông Nhật cũng cho biết: “Xây dựng mô hình sản xuất theo chuỗi an toàn thực phẩm, chúng tôi quản lý rất chặt chẽ từ quá trình chăn nuôi, giết mổ, tiêu thụ sản phẩm. Khi đưa tới các cửa hàng thực phẩm, sản phẩm được đóng gói, dán nhãn để truy xuất nguồn gốc. Sự khép kín trong chuỗi sản xuất thực phẩm giúp chúng tôi xây dựng được thương hiệu sản phẩm thịt lợn sạch. Mỗi năm gia đình tôi xuất bán từ 1.500 - 2.000 con lợn, thu lãi trên 1 tỷ đồng, cao hơn hẳn so với chăn nuôi truyền thống trước đây”.
Bà Lương Thị Minh Hằng - chủ cửa hàng thực phẩm sạch (152B Điện Biên, phường Lê Lợi, TP.Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên) cho biết: “Mỗi ngày cửa hàng tiêu thụ cho cơ sở chế biến của ông Nhật khoảng 20 - 30kg thịt lợn sạch với giá từ 110.000 - 130.000 đồng/kg. Nhận định chung của người tiêu dùng là thịt lợn khi chế biến rất thơm, ngon”.
Có thể bạn quan tâm
Thủ tướng Chính phủ vừa ra quyết định thành lập Khu Công nghệ cao công nghệ sinh học Đồng Nai trực thuộc UBND tỉnh Đồng Nai, có diện tích hơn 200 héc ta.
Từ lâu, đối với vấn đề an toàn thực phẩm, nhiều nước đi theo cách tiếp cận hệ thống, coi nhà sản xuất là trung tâm, bắt buộc các nhà sản xuất phải thực hiện các hệ thống quản lý phổ quát đã được công nhận.
Theo báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) tính đến thời điểm này tình hình hạn hán, xâm nhập mặn đã khiến cho 147.822ha lúa và hoa màu vụ đông xuân bị thiệt hại tại các khu vực duyên hải Nam Trung Bộ (DHNTB), Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long.