Sản Xuất Lúa - Tôm Là Mô Hình Hiệu Quả Nhất
Đó là khẳng định của ông Võ Minh Quang - một nông dân sản xuất giỏi ở ấp 1, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh.
Ông Quang thực hiện mô hình này có hiệu quả trong 10 năm qua. Ông Quang có 3 ha đất sản xuất lúa - tôm kết hợp. Vụ lúa - tôm năm trước, ông thu hoạch gần 600 giạ lúa và 120 triệu đồng tiền tôm, cua, cá chẽm. Vụ tôm này, ông Quang thu nhập khoảng 70 triệu đồng tiền tôm, cua. Đây đến cuối năm, ông còn thu hoạch 1 vụ lúa, dự kiến khoảng 500 giạ và 1 vụ tôm cuối năm.
Vụ tôm cuối năm thường rất trúng, do đây là lứa tôm “cù” được nuôi ở nước ngọt sẽ lớn nhanh khi sống trong môi trường nước lợ. Ông Quang cho biết: “Tôm “cù” thường bị chai trong môi trường nước ngọt. Khi lúa gặt xong, bơm nước mặn vào tôm sẽ thích nghi nhanh với môi trường nước lợ.
Tôm mau lột vỏ và lớn rất nhanh. Người nuôi tôm thường trúng đậm với vụ tôm này”. Theo ông Quang dự đoán, vụ tôm này ông sẽ kiếm không dưới 30 triệu đồng, vì tôm “cù” trong vuông ông còn rất nhiều.
Ông Quang là người tiên phong trong sản xuất kết hợp 1 vụ lúa - 1 vụ tôm ở huyện U Minh. Ông Quang cho biết, vụ nuôi tôm thứ hai sau chuyển dịch ông đã cấy thử 3 công lúa. Vụ này, do chưa có kinh nghiệm trong khâu rửa mặn nên lúa không sống được. Ông vẫn quyết tâm thực hiện cho kỳ được.
Sau đó, ông Quang tiếp tục đi mua mạ về cấy tiếp. Trong thời gian này, do vào giữa mùa mưa nên độ mặn trong vuông giảm, lúa phát triển rất tốt. Ông Quang rất phấn khởi trong thành công của vụ lúa đầu tiên. Năm sau, ông Quang gieo mạ trên bờ liếp và cấy lấp toàn bộ diện tích nuôi tôm.
Vụ lúa năm đó ông Quang thu hoạch gần 500 giạ. Nhiều hộ nuôi tôm trong huyện U Minh đã đến học tập mô hình sản xuất lúa - tôm của ông Quang và áp dụng đại trà cho đến nay. Nhờ thế, diện tích sản xuất lúa - tôm trong huyện U Minh tăng lên hằng năm.
Từ khi áp dụng mô hình 1 vụ lúa - 1 vụ tôm, ông Quang có mức thu nhập cao gấp nhiều lần so với lúc sản xuất độc canh cây lúa. Thời kỳ sản xuất độc canh cây lúa (hơn 10 năm về trước) mỗi công đất thu hoạch bình quân 15 giạ, năm nào trúng lắm cũng khoảng 17 giạ. Trong khi sản xuất lúa - tôm bình quân mỗi công 25 giạ, có năm đạt tới 30 giạ.
Riêng thu nhập từ vụ lúa ông đã có trong tay trên 50 triệu đồng mỗi năm. Ngoài ra, từ khi sản xuất lúa kết hợp trong vuông tôm thì rất ít năm nào ông Quang thất trắng tôm nuôi, bình quân mỗi năm thu nhập 100 triệu đồng từ tôm, cua và cá chẽm.
Mô hình sản xuất lúa - tôm kết hợp với một số vật nuôi khác đang là mô hình bền vững trong sản xuất nông nghiệp, được nông dân vùng chuyển dịch trong huyện U Minh áp dụng đạt hiệu quả kinh tế cao./.
Có thể bạn quan tâm
Bình quân nuôi 1 con bò cho sữa, mỗi tháng cho thu nhập từ 1,8 đến 2,2 triệu đồng. Đây là mức thu nhập rất đáng kể đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, do vậy mà các địa phương được đầu tư nuôi bò sữa đã xác định đây là vật nuôi giúp nông dân thoát nghèo bền vững.
Bắp rớt giá, mì vẫn ở mức giá thấp… trong khi chi phí vật tư, tiền công thu hoạch tăng khiến nông dân huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) lao đao. Nhiều người đang thiếu vốn sản xuất, có nguy cơ thiếu đói…
VietGAP thủy sản là quy trình sản xuất đảm bảo theo hướng an toàn dịch bệnh, môi trường và xã hội; đồng thời truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. Với 4 tiêu chí này, VietGAP được xem là cách giúp nông dân “tăng lợi, giảm hại” bền vững. Thế nhưng, giải pháp hữu ích trên vẫn chưa được áp dụng rộng rãi…
“Định vị hướng tới Lợi nhuận” là chủ đề của Hội nghị NTTS Châu Á - Thái Bình Dương và Triển lãm Thương mại (APA-2013) được tổ chức từ ngày 10 - 13/12/2013 tại Trung tâm Hội chợ và triển lãm Sài Gòn (SECC).
Tổ chăn nuôi bò vỗ béo của Chi hội Cựu chiến binh ấp T4, xã Vĩnh Phú, là mô hình mới nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao, đã giúp một số hội viên và nông dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.