Sản Xuất Lúa - Tôm Là Mô Hình Hiệu Quả Nhất
Đó là khẳng định của ông Võ Minh Quang - một nông dân sản xuất giỏi ở ấp 1, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh.
Ông Quang thực hiện mô hình này có hiệu quả trong 10 năm qua. Ông Quang có 3 ha đất sản xuất lúa - tôm kết hợp. Vụ lúa - tôm năm trước, ông thu hoạch gần 600 giạ lúa và 120 triệu đồng tiền tôm, cua, cá chẽm. Vụ tôm này, ông Quang thu nhập khoảng 70 triệu đồng tiền tôm, cua. Đây đến cuối năm, ông còn thu hoạch 1 vụ lúa, dự kiến khoảng 500 giạ và 1 vụ tôm cuối năm.
Vụ tôm cuối năm thường rất trúng, do đây là lứa tôm “cù” được nuôi ở nước ngọt sẽ lớn nhanh khi sống trong môi trường nước lợ. Ông Quang cho biết: “Tôm “cù” thường bị chai trong môi trường nước ngọt. Khi lúa gặt xong, bơm nước mặn vào tôm sẽ thích nghi nhanh với môi trường nước lợ.
Tôm mau lột vỏ và lớn rất nhanh. Người nuôi tôm thường trúng đậm với vụ tôm này”. Theo ông Quang dự đoán, vụ tôm này ông sẽ kiếm không dưới 30 triệu đồng, vì tôm “cù” trong vuông ông còn rất nhiều.
Ông Quang là người tiên phong trong sản xuất kết hợp 1 vụ lúa - 1 vụ tôm ở huyện U Minh. Ông Quang cho biết, vụ nuôi tôm thứ hai sau chuyển dịch ông đã cấy thử 3 công lúa. Vụ này, do chưa có kinh nghiệm trong khâu rửa mặn nên lúa không sống được. Ông vẫn quyết tâm thực hiện cho kỳ được.
Sau đó, ông Quang tiếp tục đi mua mạ về cấy tiếp. Trong thời gian này, do vào giữa mùa mưa nên độ mặn trong vuông giảm, lúa phát triển rất tốt. Ông Quang rất phấn khởi trong thành công của vụ lúa đầu tiên. Năm sau, ông Quang gieo mạ trên bờ liếp và cấy lấp toàn bộ diện tích nuôi tôm.
Vụ lúa năm đó ông Quang thu hoạch gần 500 giạ. Nhiều hộ nuôi tôm trong huyện U Minh đã đến học tập mô hình sản xuất lúa - tôm của ông Quang và áp dụng đại trà cho đến nay. Nhờ thế, diện tích sản xuất lúa - tôm trong huyện U Minh tăng lên hằng năm.
Từ khi áp dụng mô hình 1 vụ lúa - 1 vụ tôm, ông Quang có mức thu nhập cao gấp nhiều lần so với lúc sản xuất độc canh cây lúa. Thời kỳ sản xuất độc canh cây lúa (hơn 10 năm về trước) mỗi công đất thu hoạch bình quân 15 giạ, năm nào trúng lắm cũng khoảng 17 giạ. Trong khi sản xuất lúa - tôm bình quân mỗi công 25 giạ, có năm đạt tới 30 giạ.
Riêng thu nhập từ vụ lúa ông đã có trong tay trên 50 triệu đồng mỗi năm. Ngoài ra, từ khi sản xuất lúa kết hợp trong vuông tôm thì rất ít năm nào ông Quang thất trắng tôm nuôi, bình quân mỗi năm thu nhập 100 triệu đồng từ tôm, cua và cá chẽm.
Mô hình sản xuất lúa - tôm kết hợp với một số vật nuôi khác đang là mô hình bền vững trong sản xuất nông nghiệp, được nông dân vùng chuyển dịch trong huyện U Minh áp dụng đạt hiệu quả kinh tế cao./.
Related news
Hiện nay, giá một số loại rau ăn quả như: khổ qua, dưa leo, bầu, bí… của nông dân trong tỉnh Đồng Nai bán tại ruộng chỉ còn 4 - 5 ngàn đồng/kg, giảm khoảng 2 - 3 ngàn đồng/kg so với cách đây 4 ngày. Theo các thương lái chuyên mua rau, giá rau ăn quả giảm là do lượng hàng từ miền Tây đưa về nhiều, nguồn cung khá dồi dào.
Từ ngày 11-15/6/2013, tại Điện Biên, Trung tâm Thực nghiệm và Đào tạo nghề Hà Nội (Đại học Nông nghiệp Hà Nội) tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật ghép nhãn trên gốc cây vải cho 30 học viên là cán bộ khuyến nông các tỉnh phía Bắc là Điện Biên, Hòa Bình, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Bắc Kạn…
Xu thế gần đây khá nhiều hộ chăn nuôi gà thịt lựa chọn phương thức chăn nuôi gà theo hướng thả vườn bởi thực tế cách chăn nuôi trên có nhiều ưu điểm và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi.
Đa dạng thị trường xuất khẩu trái thanh long đã và đang là mối quan tâm của các cơ quan chức năng cùng nông dân Bình Thuận. Sắp tới đây, bên cạnh các thị trường truyền thống, thanh long Bình Thuận sẽ có mặt ở thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản với số lượng lớn và giá trị gia tăng cao.
Chưa bao giờ cá ngừ tuột giá thảm hại như hiện nay, nguyên nhân được cho là do khai thác bằng phương pháp câu tay kết hợp ánh sáng khiến chất lượng cá bị giảm, thị trường quay mặt. Trước tình hình đó, trong chuyến công tác về Bình Định vào chiều 19.6, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám đã cùng ngành chức năng gặp gỡ các DN thu mua và ngư dân nhằm bàn bạc, tìm giải pháp cứu vãn tình hình.